Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Xem cá Thần ở suối Lương Ngọc

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Xem cá Thần ở suối Lương Ngọc

Bùi Thị Thanh Hương

Suối Lương Ngọc được người dân gọi là suối Cá Thần. Ảnh: Thanh Hương

(TBKTSG Online) – Từ thành phố Thanh Hóa đến xã Cẩm Lương huyện Cẩm Thuỷ phải đi gần 100km, trong đó có khoảng 20km đường đất. Vào những hôm trời mưa, đoạn đường đất có lẽ đi bộ nhanh hơn xe máy, ô tô thì chắc là không thể. Những câu chuyện kể về suối Lương Ngọc ở đó được người dân gọi là suối Cá Thần đã thôi thúc chúng tôi lên đường dù biết sẽ gặp nhiều vất vả sau những trận mưa.

Đêm hôm trước trời đổ mưa to, nhưng may thay sáng ra trời tạnh, chúng tôi nấn ná mãi đến lúc ăn trưa xong mới khởi hành, chờ cho mặt đường khô ráo hơn. Trên đường đi, chúng tôi ghé vào chụp ảnh lưu niệm ở di tích cổng vào thành Hồ, vốn đã bị bào mòn và phá hủy bởi chiến tranh và thời gian.

Đi hết đoạn đường nhựa, đến đoạn đường đất vẫn còn ảnh hưởng trận mưa lớn hôm qua chúng tôi chạy xe chậm hẳn. Một vài đoạn ngắn, mặt đường đất sét nhão nhoẹt bám vào bánh xe như muốn níu lại, thế là cả nhóm hò nhau hì hục vừa đẩy xe vừa thở. Cuối cùng thì cũng vượt được ải này, nhưng phải mất gần 2 tiếng đồng hồ, đúng bằng thời gian đi qua quãng đường hơn 80 cây số.

Bên dòng sông Mã

Chiều xuống, chúng tôi đi vào vùng định cư của cộng đồng dân tộc Mường ở Thanh Hóa. Cảnh trí hoang sơ hai bên đường đầy sức cuốn hút đối với chúng tôi, những người trẻ sinh trưởng chốn thành thị. Không khí nơi đây thật trong lành khiến ai cũng muốn mở căng lồng ngực mà đón gió trời thanh khiết. Trời bắt đầu nhá nhem, rừng cây, đồi núi chập chùng mờ ảo dưới những tia nắng chiều.

Lát sau, chúng tôi đến Cửa Hà, một cảnh đẹp nằm bên tả ngạn sông Mã. Hai bên bờ sừng sững hai dải núi tạo cảm giác hùng vĩ mà lại rất thơ, bởi những rặng cây xanh mươn mướt mọc ven và trên đỉnh núi. Một bạn trong nhóm, quê ở vùng này kể rằng, trước đây trên núi có một ngôi chùa đã hàng trăm năm tuổi, hồi giữa năm 2001 có một trận bão lớn làm núi lở chôn vùi cả ngôi chùa và vị sư trụ trì xuống dòng sông Mã…

Trời vừa tối hẳn, chúng tôi nghỉ chân tại nhà một bạn trong nhóm, được thưởng thức món ngô nếp nương nướng thơm phức và gà ri rừng nướng; những thứ ở miền xuôi không thể nào tìm được.

Phong cảnh Cửa Hà, sông Mã, Thanh Hóa. Ảnh: Thanh Hương

Sáng sớm hôm sau, chúng tôi lại lên đường. Đi xe máy khoảng 1 tiếng đến chân đồi, gửi xe lại và đi bộ theo con đường mòn len lỏi giữa những cánh đồng ngô đang trổ bắp non. Cánh đồng bạt ngàn, mùi thơm của cây lá cộng thêm không khí trong lành nơi miền cao khiến ai cũng thấy thật sảng khoái.

Đoạn đường đi bộ lên bản Ngọc trông thế mà cũng xa, mất gần 1 giờ đồng hồ mới đến nơi. Dù đã được nghe kể trước nhưng đến đây, tận mắt nhìn thấy những chiếc quan tài treo trên mặt ao, thật tình chúng tôi ai nấy đều thấy rờn rợn. Một anh bạn làm bên bảo tàng cho biết, đây là cách an táng cổ xưa của người Mường, ngày nay chỉ còn rất ít người an táng theo kiểu này. Anh ta bảo rằng trước đây người Mường còn treo quan tài trên vách đá núi nữa cơ!

Suối Cá Thần

Chúng tôi rảo bước về phía suối Lương Ngọc, con suối nhỏ được gọi là suối Cá Thần. Nước suối trong vắt và mát lạnh, nhìn rõ cả những viên sỏi trắng đủ hình thù ở phía dưới. Sự hưng phấn khi nhìn thấy suối cá này và hơi nước mát dịu khiến mọi người không còn thấy mỏi chân.

Cảnh tượng thật lạ và vui mắt, dòng nước rộng chừng 3 mét, cá bơi chen chúc dày đặc và rất dạn người. Con bé nhất cũng phải tầm vài ki lô gam, còn đa số là những con cá to cỡ trên 10 ký, nhìn từ trên xuống trông giống như những quả thuỷ lôi. Người dân địa phương bảo là bên trong hang còn cá lớn hơn, thậm chí có con cỡ vài chục ki lô gam, do miệng hang bé quá nên chúng không bơi ra được.

Những chú cá đớp ngay bất cứ vật gì người ta vứt xuống suối. Ảnh: Thanh Hương

Những con cá vây dài, vảy óng ánh sắc vàng hoặc rêu nhạt… nhưng ngắm mãi mà chúng tôi vẫn không nhận ra chúng là loại cá gì. Thân mình thì giống cá trôi mà đầu lại có vẻ hơi giống với cá chép. Điều đặc biệt nằm ở mắt cá, bao quanh mắt cá là vòng hình ê-lip dài, màu đỏ tươi, trông khá dữ tợn. Chúng đớp bất kỳ thứ gì người ta vứt xuống, cứ như bị đói lâu ngày rồi. Hôm ấy, một bạn sinh viên chẳng may tuột dép, con cá cũng… đớp luôn.

Một người dân ở đây bảo rằng, họ không bao giờ dám bắt và ăn cá cho dù có thiếu thốn đến mấy vì thần thiêng lắm. Những ai bắt cá lên và ăn đều mất mạng. Chính vì vậy mà đàn cá mới sinh sôi nảy nở đông đúc như thế này.

Truyền thuyết về suối Cá Thần cũng có nhiều lý giải khác nhau. Người thì bảo do truyền thuyết về một con rắn rất thiêng bảo vệ dân làng nên chết ở đây và được lập bàn thờ, Ngọc hoàng cũng phái một bầy cá thần tới đây canh giữ điện thờ nên dân gọi là suối Cá Thần. Người lại kể ngày xưa có nàng tiên xuống dưới trần gian và chọn con suối này tắm, rồi sau đó trước khi bay lên trời nàng để lại một đôi cá để canh giữ không cho ai vào đây, dần dần cá sinh sôi nảy nở ở con suối này…

Đàn cá sinh sôi qua nhiều năm không bị đánh bắt khiến cho con suối trở nên chật chội. Ảnh: Thanh Hương

Nhờ một em bé ở bản dẫn đường, chúng tôi vào thăm động Đăng trên núi Trường Sinh. Bên trong động, những thạch nhũ lấp lánh nhiều sắc màu từ vách đá và vòm động rũ xuống, tạo nên cảnh trí như một bức tranh bồng lai tiên cảnh với nhiều hình thù kỳ lạ. Anh bạn hướng dẫn viên nhí vừa chỉ tay vừa thuyết minh “đây là cô tiên đang nằm ngủ, kia là đàn voi đang dạo chơi, còn kia hình bà mẹ bồng con chờ chồng…”. Cậu bé cũng chỉ cho mọi người biết ngọn nguồn xuất phát suối Lương Ngọc từ trong động Đăng, nước trong vắt và mát lạnh. Người Mường ở đây cũng không lấy nước suối dùng cho sinh hoạt hàng ngày vì sợ bị thần linh quở phạt.

Thái độ sùng kính xuất phát từ tín ngưỡng của người địa phương mang lại hiệu quả tích cực trong việc bảo vệ môi trường tự nhiên và tạo nên một sản phẩm du lịch độc đáo. Trên một tấm biển lớn, Ban quản lý khu du lịch suối cá Lương Ngọc – huyện Cẩm Thủy cũng ghi rõ: “Suối Lương Ngọc đã và đang được nhiều thế hệ người dân nơi đây gìn giữ. Truyền thuyết địa phương kể lại rằng điều bất hạnh sẽ xảy ra đối với những ai dám làm hại tới những con cá sống ở đây. Nằm ngay cạnh suối là đền thờ Thần Rắn linh thiêng, vị thần che chở cho đàn cá”.

Chúng tôi có một bữa ăn trưa dưới những tán lá mát rượi của mấy cây bưởi, khế, xoan trên chiếc phản gỗ của người dân bản Mường; râm ran những câu chuyện nghe được, những điều lạ lùng được tận mắt nhìn thấy với sự hưng phấn của những người thành phố lâu lâu mới đi xa những khối bê tông, đường nhựa đến với thiên nhiên.

Tạm biệt người dân bản và suối Cá Thần trở về thành phố, đoạn đường về như gần hơn, dễ đi hơn bởi ai cũng phấn chấn và vui vẻ sau hai ngày rong chơi thú vị, khám phá những điều mới lạ của thiên nhiên nơi vùng miền núi còn rất sơ khai này.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới