Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Xem lại doanh nghiệp trước khi vay vốn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Xem lại doanh nghiệp trước khi vay vốn

Đình Dũng

Ông Phạm Duy Hiếu (trái), Phó tổng giám đốc Ngân hàng Việt Á và ông Nguyễn Thanh Phong, Chủ nhiệm CLB Doanh nhân 2030 ký kết hỗ trợ các doanh nghiệp trong CLB vay vốn quỹ SMEFPIII (Ảnh: Đình Dũng)

(TBKTSG Online) – Các doanh nghiệp vừa và nhỏ thường tìm đến ngân hàng khi có nhu cầu về vốn. Tuy nhiên, tiếp cận vốn ngân hàng như thế nào, vay để làm gì, bao nhiêu thì đủ và thậm chí liệu có cần vay hay không là các vấn đề các doanh nghiệp cần xem xét kỹ trước khi quyết định vay vốn ngân hàng.

Phát biểu với các doanh nghiệp trong CLB Doanh nhân 2030 (thuộc Saigon Times Club) tại buổi hội thảo chủ đề “Phương pháp Doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận vốn ngân hàng” ngày 6/8, tiến sĩ Lê Thẩm Dương, Trưởng khoa Kinh doanh ĐH Ngân hàng TPHCM, cho rằng các doanh nghiệp phải xác định chiến lược sử dụng vốn của mình trước khi nghĩ đến việc tìm vốn ở đâu và làm thế nào để tiếp cận nguồn vốn đó.

“Giống như bóng đá phải có chiến thuật. Chưa hẳn có vốn là đủ mà phải có chiến lược và chiến thuật tốt mới đạt hiệu quả trong kinh doanh,” ông Dương ví von.

Theo vị chuyên gia tài chính này thì chiến lược kết hợp tài sản tự có với tài chính năng động (là những khoản vay dài hạn) được doanh nghiệp các nước sử dụng nhiều, và tùy vào ngân hàng tiếp cận dễ hay khó để xác lập các khoản vay.

Ngoài việc xem xét tình hình họat động của công ty, việc sử dụng vốn hiệu quả, tiết kiệm…, trước khi nghĩ đến vay vốn ngân hàng, các doanh nghiệp cũng nên tìm hiểu các kênh huy động vốn khác như phát hành cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp, thuê tài chính hay liên doanh liên kết với các đối tác.

“Ngân hàng phải hạ mình xuống, doanh nghiệp phải nâng khả năng của mình lên thì mới gặp được nhau”

TS Lê Thẩm Dương – ĐH Ngân hàng TPHCM

Theo nhận định của các chuyên gia, mặc dù được xem là xương sống của nền kinh tế quốc gia, chiếm 97% trong khoảng 450.000 doanh nghiệp trong cả nước, nhưng các doanh nghiệp vừa và nhỏ đều gặp khó khăn chung là thiếu vốn. Lẽ ra với số lượng đông đảo như vậy, doanh nghiệp vừa và nhỏ phải là đối tượng chính mà ngân hàng tập trung phục vụ. Nhưng do quy mô nhỏ, uy tín thương hiệu chưa cao, thị trường nhỏ, chưa minh bạch tài chính… nên các doanh nghiệp vừa và nhỏ khó tiếp cận vốn vay từ ngân hàng.

Ở góc độ khác, ông Dương cũng nêu thực tế rằng việc khó tiếp cận nguồn vốn từ ngân hàng là do chênh lệch cung cầu. Trước nhu cầu tín dụng lớn, các ngân hàng thường năm thế chủ động, đặt ra luật chơi mà doanh nghiệp phải tuân thủ. Vấn đề lãi suất thỏa thuận chẳng hạn thực tế không có tác dụng vì ngân hàng áp lãi suất bao nhiêu thì các doanh nghiệp phải vay bấy nhiêu, nếu muốn vay được tiền.

“Ngân hàng phải hạ mình xuống, doanh nghiệp phải nâng khả năng của mình lên thì mới gặp được nhau,” tiến sĩ Dương nói.

Tại buổi hội thảo, Ngân hàng Việt Á giới thiệu quỹ tài trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ SMEFPIII, theo đó ngân hàng sẽ cho các doanh nghiệp vay đầu tư xây dựng nhà xưởng, mua máy móc thiết bị phục vụ sản xuất kinh doanh với số tiền khoảng 25 tỉ đồng cho mỗi dự án với lãi suất 12%/năm.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới