Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Xem tham nhũng qua thống kê

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Xem tham nhũng qua thống kê

Tư Hoàng

Xem tham nhũng qua thống kê
Trong lĩnh vực giao thông, vận tải đường bộ, người dân và doanh nghiệp vẫn phải đối mặt với nạn nhũng nhiễu. Ảnh: Kinh Luân.

(TBKTSG) – Ở tuổi 64, bà Lê Thị Ngưỡng có một niềm tin rất trong sáng vào những việc mình đang làm. Người phụ nữ này hàng ngày đến giám sát không công tại những dự án bằng vốn ngân sách được xây dựng nơi bà ở, phường Tân An, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam.

Khu kiốt Tân Thanh xây tại phường để lại cho bà Ngưỡng một kỷ niệm khó quên, khi đã phải dừng thi công để thay một số xà gồ kém chất lượng mà bà đã phát hiện ra. “Nhiều người nói tôi làm việc vô ích, nhưng tôi vẫn tin những gì mình làm sẽ giúp chống thất thoát, tham nhũng đấy”, bà nói.

Bà Ngưỡng và hàng trăm người dân khác là những thành viên của ban giám sát cộng đồng địa phương, được tỉnh Quảng Nam lập ra nhằm phát hiện những hành vi gian dối trong việc triển khai các dự án công. “Chúng tôi rất ủng hộ hoạt động của họ vì đã giúp giải quyết tình trạng bòn rút vật liệu xây dựng”, Chánh thanh tra tỉnh Quảng Nam Phan Việt Cường nói. Bản thân ông Cường đã rất nỗ lực giúp hình thành nên những ban giám sát cộng đồng nhằm giảm tải cho hoạt động thanh tra của cơ quan mình.

Những câu chuyện người dân đứng lên chống tham nhũng, lãng phí như bà Ngưỡng đã xuất hiện ở một số địa phương, nhưng vẫn như muối bỏ biển khi mà nạn tham nhũng vẫn tràn lan. Có không ít câu chuyện ở khắp các miền đất nước cho thấy điều này.

Luật sư Trịnh Trọng Tiến, Văn phòng Luật sư Pháp Tiến ở TPHCM, kể lại kinh nghiệm đưa hối lộ của mình: “Trước đây tôi cần cả xấp phong bì, nhưng nay không còn cần nữa. Tôi với tay lấy tờ giấy trên bàn, bỏ tiền, gập lại rồi đưa luôn cho cán bộ. Thế mà chả thấy ai từ chối”. Bản thân câu chuyện này cho thấy, ngay cả một luật sư cần tuân thủ pháp quyền, cũng chọn giải pháp đưa hối lộ. Dù vậy, ông nói, bản thân rất băn khoăn khi có lãnh đạo hỏi người dân, tham nhũng ở bộ phận nào, cao hay thấp trong xã hội, nay tìm ra chưa.

Hầu hết các doanh nghiệp coi tham nhũng là vấn đề đáng quan ngại thứ hai, chỉ sau giá cả sinh hoạt đắt đỏ. Có tới 60% số doanh nghiệp được hỏi cho rằng chi phí không chính thức khá tốn kém cho doanh nghiệp.

Trong khi đó, một cựu lãnh đạo ngân hàng ở Hà Nội kể “chuyện đưa phong bì là đương nhiên. Lúc đầu mình bảo phải hạn chế thôi, nhưng anh em làm việc kêu khó quá, ai ai cũng làm như vậy, cạnh tranh nhau phải như vậy. Mình biết, cũng thấy ngại, nhưng rồi không thể cấm hết được. Chuyện hợp pháp hóa sổ sách cũng dễ thôi. Cứ lập nên vài nhóm đi kinh doanh, lợi nhuận không đưa vào sổ sách, thì có tiền thôi”.

Một tài xế taxi ở Hà Nội kể lại kinh nghiệm với cảnh sát giao thông: “Bị thổi phạt vì đi quá tốc độ, em xuống xin nộp 400.000. Anh ta trừng mắt bảo, tao bỏ ra bao tiền mày biết không, mà mày xin nộp thế. Dứt khoát phải là 800.000. Cuối cùng, em đành phải nộp vì nếu không, treo bằng 30 ngày thì còn thiệt hơn”.

Những hành vi hối lộ, tham nhũng tràn lan như trên cũng được thể hiện trong cuộc khảo sát do Cục Chống tham nhũng, thuộc Thanh tra Chính phủ thực hiện ở năm địa phương tại Việt Nam. Có tới 80% số cán bộ nhân viên trong các doanh nghiệp cho rằng hiện tượng tham nhũng vặt này là “rất phổ biến”. Tham nhũng vặt được hiểu là việc doanh nghiệp phải chi các khoản tiền hối lộ nhỏ để đối phó với sự nhũng nhiễu, vòi vĩnh của cán bộ công chức hoặc các đơn vị cung cấp dịch vụ công.

Đa số các ý kiến trả lời khảo sát cho rằng, cán bộ công chức cố tình kéo dài thời gian giải quyết công việc, không giải thích rõ quy trình để bắt lỗi doanh nghiệp, cố tình đặt ra các quy trình sai quy định để nhũng nhiễu.

Trích dẫn kết quả khảo sát doanh nghiệp về vấn nạn tham nhũng do Ngân hàng Thế giới và Thanh tra Chính phủ phối hợp thực hiện trong giai đoạn 2007-2012, chuyên gia Soren Davidsen của Ngân hàng Thế giới khẳng định: “Các doanh nghiệp không thấy có cải thiện gì về hành vi tham nhũng của công chức. Họ nghĩ tham nhũng ngày càng tệ hại hơn, và mang tính phổ quát”. Ông Davidsen nói có hơn 75% doanh nghiệp cho biết họ hối lộ dù không bị công chức nhà nước gợi ý.

Phó tổng thanh tra Chính phủ Trần Đức Lượng cũng đồng tình với nhận định trên, ông nói hầu hết các doanh nghiệp coi tham nhũng là vấn đề đáng quan ngại thứ hai, chỉ sau giá cả sinh hoạt đắt đỏ. Có tới 60% số doanh nghiệp được hỏi cho rằng chi phí không chính thức khá tốn kém cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên, cuộc chiến chống tham nhũng từ phía cơ quan báo chí nay có vẻ chùng xuống. Trả lời một khảo sát do Đại sứ quán Anh thực hiện gần đây, một nhà báo của báo Người cao tuổi nói: “So sánh tình hình chống tham nhũng của báo chí hiện nay với giai đoạn trước PMU18, thì thấy số báo chí chống tham nhũng chỉ còn đếm trên đầu ngón tay. Các tờ báo khác chọn giải pháp an toàn hơn. Thấy cái gì gợn gợn thì họ không làm, hoặc không làm mạnh. Các báo vào cuộc cứ rụng dần”. Nghiên cứu này cho thấy, 45% nhà báo được hỏi nhìn nhận sự can thiệp của các nhóm lợi ích trong quá trình tác nghiệp là rất mạnh, 36% cho là tương đối cao và chỉ có 19% nói ít có can thiệp.

Những gì đang diễn ra trong khắp các lĩnh vực đời sống cho thấy tham nhũng vẫn không thuyên giảm, còn số người nhiệt tình như bà Ngưỡng thì hầu hết đã già.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới