Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Xem xét khai thác vận tải biển trong nước và tuyến gần

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Xem xét khai thác vận tải biển trong nước và tuyến gần

Lê Anh

Xem xét khai thác vận tải biển trong nước và tuyến gần
Hiện nay đội tàu Việt Nam chỉ vận chuyển được khoảng 12 % hàng xuất nhập khẩu – Ảnh: Anh Quân

(TBKTSG Online) – Trong giai đoạn thừa tàu, thiếu hàng như hiện nay và cả những năm tới, ngành vận tải biển Việt Nam nên tập trung khai thác tối đa lợi thế các tuyến vận tải trong nước, tuyến biển gần với loại hàng truyền thống như than, quặng và hàng lỏng.

>> Ngành vận tải biển trong nước nguy khó

>> Doanh nghiệp vận tải biển ngập trong nợ

Đây là giải pháp và hướng đi được các cơ quan quản lý và các hiệp hội đưa ra tại hội thảo cạnh tranh trong lĩnh vực vận tải biển, diễn ra ngày 18-12 tại TPHCM.

Hội thảo được tổ chức trong bối cảnh bắt đầu từ năm 2014, ngành logistics (dịch vụ hậu cần xuất nhập khẩu) với trọng tâm là vận tải biển sẽ mở cửa hoàn toàn theo lộ trình đã cam kết khi Việt Nam gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO).

Ông Trịnh Thế Cường, Trưởng phòng vận tải và dịch vụ hàng hải Cục Hàng hải Việt Nam đánh giá, mục tiêu đặt ra cho đội tàu Việt Nam đến năm 2020 có sản lượng vận tải 200 đến 292 triệu tấn hàng, trong đó 25-30% là vận chuyển hàng xuất nhập khẩu.

Mục tiêu này chỉ khả thi nếu đội tàu Việt Nam đủ mạnh để cạnh tranh giành giật thị phần vận tải về mình cả trên tuyến quốc tế và ven biển nội địa, cả đối với hàng tổng hợp, container và hàng rời, hàng lỏng chuyên dùng.

Một điều kiện nữa là hoạt động kinh doanh của đội tàu Việt Nam chí ít là không lỗ và các doanh nghiệp huy động đủ tài chính nhân lực cho khai thác đội tàu.

Trong khi, khối lượng hàng hóa có nhu cầu vận tải biển của Việt Nam là không hề nhỏ. Đối với hàng rời thị phần của đội tàu Việt Nam chỉ trông cậy vào vận chuyển than, quặng xuất khẩu với khối lượng nhỏ trên tuyến biển gần và trong nước.

Đối với hàng lỏng xăng dầu, thị phần của đội tàu Việt Nam chủ yếu chỉ là sản phẩm dầu tiêu thụ trong nước và một phần dầu thô từ mỏ Bạch Hổ, cung ứng cho nhà máy lọc dầu Dung Quất.

Đối với hàng container và hàng tổng hợp, đội tàu Việt Nam khó có thể chen chân vào thị phần trên tuyến biển xa, trong giai đoạn thừa tàu, thiếu hàng hiện nay và cả những năm tới. Ngay trên tuyến nội địa áp lực cạnh tranh với các hãng tàu lớn nước ngoài cũng đang làm giảm dần thị phần vận tải của đội tàu trong nước.

Theo ông Cường, trước mắt các doanh nghiệp nên tập trung khai thác tối đa lợi thế các tuyến vận tải trong nước, tuyến biển gần với loại hàng truyền thống như hàng rời hàng lỏng, lấy mục tiêu tái cơ cấu làm trọng tâm để tạo cơ sở phát triển cho giai đoạn sau.

Đánh giá về môi trường cạnh tranh trong ngành vận tải biển, bà Trần Phương Nhung, phòng giám sát và quản lý cạnh tranh Cục quản lý cạnh tranh cho biết những năm qua các thủ tục kinh doanh liên quan đến ngành vận tải biển khá thông thoáng. Điều này đã khiến ngành vận tải biển phát triển ồ ạt dẫn đến tình trạng hạ giá cạnh tranh không lành mạnh.

Bà Nhung khuyến nghị cần bổ sung thêm các quy định cụ thể về cạnh tranh để doanh nghiệp căn cứ thực hiện.

Còn ông Hiroyuki Yamashita, chuyên gia của Ủy ban thương mại lành mạnh Nhật Bản chia sẻ kinh nghiệm rằng ở Nhật Bản doanh nghiệp muốn kinh doanh vận tải biển quốc tế phải đáp ứng đủ các điều kiện nghiêm ngặt như phải có đủ số lượng tàu và điều kiện chuyên chở. Vì thế, ở Nhật Bản hiện nay chỉ có 3 công ty vận tải biển lớn trong khi theo Cục Hàng hải Việt Nam thì hiện cả nước có 577 chủ tàu, trong đó có 33 chủ tàu lớn là doanh nghiệp nước, còn lại là tư nhân.

Nhật Bản cũng đưa ra những quy định cạnh tranh rất chặt chẽ, nếu doanh nghiệp nào vi phạm ở mức nghiêm trọng có thể bị phạt tới 2,5 triệu đô la Mỹ, còn cá nhân có thể bị phạt tù tới 5 năm.

Theo thống kê của Cục Hàng hải Việt Nam, tính đến ngày 30-6-2013 đội tàu Việt Nam có 1.788 tàu với tổng trọng tải 6,899 triệu DWT (năng lực vận tải an toàn của tàu tính bằng tấn)

Về thị phần đảm nhận, hàng xuất nhập khẩu chiếm 12 %, chủ yếu trên các tuyến biển gần, thấp hơn chỉ tiêu đặt ra là đạt 25 đến 30%. Về hiệu quả kinh doanh hầu hết các doanh nghiệp vận tải biển bị thua lỗ do giá cước giảm, chi phí tăng, hàng thiếu và cạnh tranh khốc liệt.

Nhiều doanh nghiệp vận tải biển phải ngừng chạy tàu để giảm chi phí hoặc bán bớt tàu để trả nợ.


 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới