Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Xem xét trách nhiệm các bộ, ngành, TKV khi dừng mỏ sắt Thạch Khê

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Xem xét trách nhiệm các bộ, ngành, TKV khi dừng mỏ sắt Thạch Khê

Lan Nhi

(TBKTSG Online) – Bộ Kế hoạch – Đầu tư đã có tờ trình Chính phủ kiến nghị dừng hoàn toàn việc đầu tư vào Tổ hợp dự án khai thác, tuyển quặng sắt Thạch Khê và nhà máy luyện thép liên hợp công suất 2 triệu tấn/năm của Công ty cổ phần sắt Thạch Khê (TIC). Đồng thời lên phương án đóng cửa mỏ và Nhà máy luyện thép liên hợp công suất 2 triệu tấn/năm của TIC.

Xem xét trách nhiệm các bộ, ngành, TKV khi dừng mỏ sắt Thạch Khê
Đã nhiều năm, dự án khai thác quặng sắt Thạch Khê là đề tài tranh cãi giữa các bộ về việc dừng hay tiếp tục dự án Ảnh:Báo Hà Tĩnh

Quyết liệt đề nghị dừng dự án

Hôm 29-4, Bộ Kế hoạch – Đầu tư (KH-ĐT) đã gửi Thủ tướng bản phương án cụ thể xử lý tổ hợp Dự án khai thác, tuyển quặng sắt Thạch Khê, một dự án đã kéo dài 10 năm đầu tư nhưng không có lối thoát. UBND tỉnh Hà Tĩnh, địa phương đặt dự án, Bộ Tài chính và nhiều bộ liên quan đã kiến nghị dừng hoàn toàn dự án, đóng cửa mỏ nhưng riêng Bộ Công Thương, đơn vị 10 năm trước đã phê duyệt cho Tập đoàn than – khoáng sản Việt Nam (TKV) và nhiều doanh nghiệp góp vốn, kiến nghị cho tiếp tục đầu tư dự án.

Trong văn bản mới nhất của Bộ KH-ĐT, Bộ này đã đi đến kết luận: dự án không đảm bảo đủ các điều kiện khả thi về tài liệu nghiên cứu, giải pháp kỹ thuật để khai thác mỏ từ mức sâu âm 145m đến 550m. Dự án có nhiều vấn đề về đánh giá tác động môi trường chưa được điều tra, làm rõ.

TIC cũng chưa tính toán được đầy đủ chi phí vào tổng mức đầu tư dự án, phương án vận tải quặng sắt đường bộ và đường biển chưa được tính toán đảm bảo an toàn, khả thi và hiệu quả.

Mặt khác, dự án khai thác mỏ quặng sắt lớn nhất nước Thạch Khê cũng chưa được hoàn thiện đủ cơ sở pháp lý để được tiếp tục triển khai thực hiện, phải lập lại Báo cáo đánh giá tác động môi trường (gọi tắt là ĐTM) và Báo cáo khác liên quan (thiết kế kỹ thuật và tổng dự toán xây dựng công trình của dự án).

Các Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), UBND tỉnh Hà Tĩnh đều đề nghị dừng dự án vì “không đảm bảo các yếu tố về môi trường, phát triển bền vững” (Bộ Tài chính), “dừng là dự án là phù hợp với đối với tình hình hiện nay” (Bộ TN&MT).

Tỉnh Hà Tĩnh ngoài việc đề nghị nhanh chóng dừng dự án còn nói rõ là việc dừng dự án của TIC sẽ tạo cơ hội cho tỉnh Hà Tĩnh tập trung khắc phục các hệ lụy để lại sau 10 năm triển khai để có thể tránh những nguy cơ, sự cố rủi ro môi trường và tập trung làm du lịch. Tỉnh này cho rằng dự án cần sớm được giải quyết triệt để về đền bù, giải phóng mặt bằng hạ tầng cơ sơ để an lòng dân vùng dự án, tránh hệ lụy mất an ninh trật tự xã hội.

Bộ KH-ĐT cho rằng, các kết quả so sánh đánh giá đầy đủ các yếu tố về kinh tế-xã hội-môi trường cho thấy mặt được của phương án dừng hoàn toàn dự án có lợi ích nhiều hơn so với phương án tạm dừng cho địa phương, người dân vùng dự án và tỉnh Hà Tĩnh. Do đó đề xuất Chính phủ cho dừng hẳn dự án sau 10 năm chuẩn bị thiếu hiệu quả.

Những việc phải làm sau khi dừng dự án

Bộ Công Thương cũng từng đề xuất cách đây một năm rằng, nếu dự án này phải dừng thì thiệt hại cho các doanh nghiệp là rất lớn (hơn 2.000 tỉ đồng) không có khả năng thu hồi, người dân vùng dự án mất việc làm, chính sách thu hút đầu tư khó khăn.

Song, Bộ KH-ĐT chứng minh được rằng, nếu dự án đi tiếp thì khối lượng công việc phải bổ sung để hoàn thiện lai phải tính toán lại đầy đủ và sẽ tăng lên nhiều so với phương án 10 năm trước nên không thể tiến hành mà mang lại giá trị về kinh tế lẫn môi trường.

Khi dự án bị dừng, TIC phải giải thể sẽ dẫn đến các vấn đề pháp lý phải giải quyết. “Cần phải tiếp tục xác định trách nhiệm và nghĩa vụ liên quan đến các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, cổ đông góp vốn vào dự án… để xem xét xử lý theo quy định của pháp luật”. Bộ đề nghị thành lập Tổ công tác liên ngành để xử lý tồn tại của dự án và giải quyết thỏa đáng các thiệt hại kinh tế của doanh nghiệp đầu tư, tránh khiếu kiện.

Khi dự án bị dừng, TIC sẽ phải trả lại giấy phép khai thác mỏ và thực hiện nghĩa vụ có liên quan đến việc đóng cửa mỏ,cải tạo phục hồi môi trường và đất đai theo quy định. Nếu TIC phá sản thì cơ quan quản lý sẽ lựa chọn tổ chức, cá nhân thực hiện việc đóng cửa mỏ cũng như giải quyết quyền lợi hợp lý của các cổ đông góp vốn.

Nói khác đi là Bộ KH-ĐT đã tính toán đầy đủ các phương án khi thực hiện dừng dự án với các con số chi tiết và thể hiện quan điểm kiên quyết đề xuất dừng dự án sau 10 năm đầu tư không đến nơi đến chốn.

Dự án mỏ quặng sắt Thạch Khê được Bộ Công Thương phê duyệt năm 2007 và được quyết tâm thực hiện bằng mọi giá, bất chấp các khó khăn về địa chất và hiệu quả kinh tế. Năm 2014, tổng mức đầu tư của dự án từ hơn 9.000 tỉ đồng vọt lên 14.517 tỉ đồng.

Tuy nhiên, suốt hơn 10 năm đầu tư, dự án qua bao nhiêu lần thay đổi cổ đông mà vẫn chưa gom đủ 30% vốn chủ sở hữu để thực hiện dự án. Đến nay, TKV đã góp 1.076 tỉ đồng, CTCP khoáng sản Hà Tĩnh (Mitraco) góp 179 tỉ đồng, VN Steel góp 273 tỉ đồng, Bitexco góp 36,25 tỉ đồng và CTCP khoáng sản Thăng Long góp 243 tỉ đồng.

Hiện TIC đã đầu tư 2230 tỉ đồng vào dự án nhưng đã khai thác hơn 3000 tấn quặng sắt. Bộ KH-ĐT đã tính toán chi tiết các phương án đóng cửa, kinh phí giải quyết các hệ lụy tại dự án này.


Mời xem thêm:

Các lý do phải đóng cửa mỏ sắt Thạch Khê

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới