Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Xem xét việc cổ phần hóa, chuyển nhượng phòng công chứng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Xem xét việc cổ phần hóa, chuyển nhượng phòng công chứng

Đá Bàn

(TBKTSG Online) – Vấn đề cổ phần hóa và chuyển nhượng các Phòng công chứng sẽ được Ban soạn thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công chứng thảo luận tại cuộc họp ngày 5-4, theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Đức Chính.

Trước cuộc họp, trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, một thành viên của Tổ biên tập (Ban soạn thảo) cho biết, nếu thực hiện cổ phần hóa thì Phòng công chứng sẽ trở thành công ty cổ phần mà cổ đông là người sở hữu cổ phần và chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp.

Như vậy, đây sẽ là mô hình doanh nghiệp đối vốn, trong khi tổ chức hành nghề công chứng theo thông lệ các nước và nguyên tắc hoạt động công chứng phải là mô hình đối nhân – doanh nghiệp tư nhân và công ty hợp danh – và công chứng viên phải chịu trách nhiệm suốt đời bằng toàn bộ tài sản của mình đối với việc công chứng.

Do đó, theo quan điểm của Tổ biên tập, việc quy định cổ phần hóa các Phòng công chứng để hình thành Văn phòng công chứng theo mô hình công ty đối vốn là không phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành và thông lệ các nước.

Theo Tổ biên tập, trong giai đoạn hiện nay các Phòng công chứng vẫn đang phát huy vai trò, tác dụng tích cực; chỉ các vùng điều kiện kinh tế còn khó khăn Văn phòng công chứng mới không phát triển được.

Do đó, Tổ biên tập đề xuất quy định vấn đề này theo hướng giao cho Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan xây dựng đề án chuyển đổi Phòng công chứng thành Văn phòng công chứng ở những nơi đủ điều kiện và theo lộ trình phù hợp.

Ngoài ra, vấn đề chuyển nhượng Văn phòng công chứng trong dự thảo luật cũng đang có những ý kiến khác nhau. Theo Tổ biên tập, có ý kiến cho rằng Văn phòng công chứng được tổ chức theo mô hình doanh nghiệp tư nhân hoặc công ty hợp danh, do đó có thể coi đó là “sản nghiệp” của công chứng viên hành nghề tại văn phòng.

Vì vậy, công chứng viên có quyền định đoạt văn phòng của mình, trong đó có quyền chuyển nhượng trong cả những trường hợp như thay đổi nơi thường trú, không muốn hành nghề công chứng nữa hoặc chuyển nhượng vì các lý do cá nhân khác.

Do đó, cần bổ sung vào Luật Công chứng quy định cho phép chuyển nhượng Văn phòng công chứng như điều kiện chuyển nhượng, trình tự, thủ tục chuyển nhượng, thẩm quyền cho phép chuyển nhượng để bảo đảm chặt chẽ, tránh việc mua bán Văn phòng công chứng một cách tùy tiện.

Tuy nhiên cũng có ý kiến khác, cũng đồng tình với quan điểm coi Văn phòng công chứng là “sản nghiệp” của công chứng viên, song do hành nghề công chứng là hành nghề có điều kiện và yêu cầu đảm bảo tính ổn định là rất cao, nên việc chuyển nhượng Văn phòng công chứng chỉ được thực hiện trong một số trường hợp thật sự cần thiết như công chứng viên chết, bị Tòa án tuyên bố là đã chết hoặc không còn đủ điều kiện sức khỏe để hành nghề.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới