Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Xếp hàng thi công chức

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Xếp hàng thi công chức

TS. Võ Duy Nghi

Xếp hàng thi công chức
Dòng người xếp hàng thi tuyển công chức vào Cục Thuế Hà Nội. Ảnh: thanhnien.com.vn

(TBKTSG) – Mấy ngày qua báo chí đưa tin gần 8.000 người nộp đơn thi tuyển công chức vào Cục Thuế Hà Nội trong lúc chỉ tiêu tuyển chỉ khoảng 340 người. Hiện tượng trên làm cho chúng ta có suy nghĩ ngành thuế nói riêng và cơ quan nhà nước nói chung có gì hấp dẫn để cuốn hút người lao động đến vậy?

Phải chăng một bộ phận lớn người lao động nhận thấy cơ quan nhà nước có nhiều ưu đãi về chính sách tiền lương, phụ cấp, bảo hiểm, nhà ở xã hội tốt hơn so với bên ngoài? Thực tế, với quy định hiện nay thì những người mới ra trường có hệ số lương cơ bản trên dưới hai lần, thu nhập bình quân khoảng 3-4 triệu đồng mỗi tháng. Người công tác lâu năm có hệ số lương cơ bản bốn đến năm lần, thu nhập bình quân cũng chỉ khoảng 7-8 triệu đồng mỗi tháng. Với mức thu nhập đó, nếu có thêm gia đình thì cũng sống chật vật, đặc biệt là ở những thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM…

Vậy đâu là sức hút khiến người ta đổ xô vào các cơ quan nhà nước, thậm chí chạy chọt để kiếm một chỗ làm? Câu trả lời nằm ở những khoản “ngoài lương” mà cán bộ – công chức kiếm được. Chính những thủ tục hành chính rắc rối, rườm rà trong lĩnh vực thuế, hải quan, xây dựng, đầu tư… đã tạo điều kiện cho một bộ phận không nhỏ cán bộ công chức vòi vĩnh, nhũng nhiễu.

Người dân và doanh nghiệp vì ngán ngẩm sự rắc rối, rườm rà làm mất thời gian ấy nên nhắm mắt chung chi để được việc nhanh chóng. Cũng vì vậy mà nhiều bộ, ngành khi soạn thảo văn bản pháp luật kiên quyết đề xuất nhiều thủ tục, tạo ra cơ chế “xin – cho” để có lợi cho bộ, ngành mình. Nói như Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư là không ai muốn “lấy đá ghè chân mình” nhưng chính điều đó như những con sâu đục ruỗng bộ máy nhà nước.

Giảm các thủ tục rườm rà trong các lĩnh vực nhạy cảm như thuế, hải quan, xây dựng, đầu tư… là một chủ trương đúng đắn của Chính phủ nhằm chống tham nhũng vặt trong cơ quan nhà nước, thông thoáng môi trường kinh doanh, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế – xã hội. Tuy nhiên, để có thể thực hiện được việc đó, cần có những giải pháp hữu hiệu chứ không thể hô hào suông.

Ngoài việc cắt giảm các thủ tục bất hợp lý, cần phải minh bạch các thủ tục hành chính và minh bạch thời gian, tiến độ, người thực hiện chúng. Đó là giải pháp căn cơ để người dân và doanh nghiệp giám sát cán bộ – công chức. Tất cả các cơ quan nhà nước cần áp dụng Quy trình quản lý chất lượng ISO. Tính hiệu quả của quy trình này đã được hầu hết các doanh nghiệp trên thế giới chấp nhận và sử dụng. Rất tiếc hiện nay chỉ một số ít cơ quan nhà nước áp dụng  nó và cũng không phải là một quy định bắt buộc.

Tiếp đến là áp dụng mô hình chính quyền điện tử để hạn chế tối đa việc tiếp xúc giữa người dân, doanh nghiệp với cán bộ – công chức trong quá trình làm thủ tục hành chính. Chính việc tiếp xúc trực tiếp này đã tạo điều kiện cho các cá nhân xấu lợi dụng nhũng nhiễu, vòi vĩnh. Các quy trình xin phép, cấp phép có thể thực hiện qua mạng. Tổ chức, cá nhân nào có đầy đủ hồ sơ theo quy định sẽ được cấp phép đúng hạn mà không cần có sự can thiệp trực tiếp của cán bộ – công chức.

Hy vọng trong thời gian tới, cũng sẽ có hàng ngàn người nộp đơn vào các cơ quan nhà nước nhưng với một tâm thế khác, đó là họ sẽ nhận được thu nhập chính đáng, đủ sống để đóng góp tài năng tâm huyết của mình cho đất nước.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới