Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Xét nghiệm Covid-19 hàng tuần cho tiểu thương tại các chợ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Xét nghiệm Covid-19 hàng tuần cho tiểu thương tại các chợ

Chánh Trung

(KTSG Online) – Bộ Y tế đã hỏa tốc gửi công văn số 5858/BYT-MT đến Bộ Công Thương và UBND các tỉnh, thành phố trong cả nước về việc hướng dẫn phòng chống dịch Covid-19 tại chợ đầu mối, chợ bán lẻ trong thời gian áp dụng Chỉ thị số 16.

Xét nghiệm Covid-19 hàng tuần cho tiểu thương tại các chợ

Xét nghiệm Covid-19 cho tiểu thương chợ Bình Đông, quận 8, TPHCM. Ảnh: Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM

Theo đó Bộ Y tế đề nghị Bộ Công Thương chủ trì và phối hợp với Bộ Y tế tổ chức phổ biến, tập huấn hướng dẫn cho các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, đôn đốc UBND cấp tỉnh yêu cầu các chợ đánh giá an toàn Covid-19 và cập nhật lên hệ thống antoancovid.vn.

Tổ chức xét nghiệm Covid-19 bằng test nhanh kháng nguyên cho người quản lý, làm việc, bán hàng tại chợ hàng tuần. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến cho người dân về các quy định phòng chống dịch khi đến và mua bán tại các chợ.

Bố trí và chỉ định khu vực giao nhận hàng hóa gần cửa ra vào chợ; bố trí địa điểm, trang thiết bị, nhân lực để khử khuẩn phương tiện, hàng hoá tại khu vực giao nhận hàng hoá nếu cần thiết; hạn chế tiếp xúc giữa người giao hàng và người nhận hàng…

Hướng dẫn của Bộ Y tế đã phân rõ với quản lý chợ, hộ kinh doanh, khách hàng, người lao động tại chợ cần phải làm những việc cụ thể sau để phòng chống dịch.

Đối với quản lý chợ cần có kế hoạch/phương án phòng chống dịch Covid-19 cho chợ. Tổ chức mua hàng tại chợ theo quy định một chiều (chiều vào, chiều ra khác nhau).

Tạo mã QR điểm kiểm dịch tại cửa vào chợ, cung cấp đầy đủ khẩu trang và yêu cầu người lao động/làm việc, người bán hàng, khách hàng phải khai báo y tế qua quét mã QR điểm kiểm dịch hoặc trên ứng dụng VHD hoặc khai trên giấy hàng ngày khi vào chợ, thực hiện thông điệp 5K… Có biện pháp kiểm soát mật độ người vào chợ đảm bảo quy định phòng chống dịch, giữ khoảng cách an toàn theo quy định.

Bố trí phòng/khu vực cách ly tạm thời cho người lao động/làm việc, người bán hàng có một trong các biểu hiện mệt mỏi, sốt, ho, đau rát họng, khó thở hoặc được xác định mắc bệnh hoặc được xác định là người tiếp xúc vòng 1 (F1) hoặc người tiếp xúc vòng 2 (F2) khi đang làm việc tại chợ. Trường hợp không thể bố trí phòng cách ly tạm thời thì phải bố trí một khu vực cách ly tạm thời tách biệt hoàn toàn với các khu vực bán hàng trong chợ.

Tổ chức theo dõi sức khỏe của người lao động/làm việc, người bán hàng hàng ngày; không được bố trí làm việc đối với người có một trong các triệu chứng như mệt mỏi, sốt, ho, đau rát họng, khó thở và người thuộc đối tượng F1, F2; yêu cầu người lao động/làm việc, người bán hàng tự đo thân nhiệt, theo dõi sức khỏe tại nhà trước khi đến nơi làm việc và không đi làm nếu có các biểu hiện sốt, ho, đau họng, khó thở… và phải báo cho đơn vị quản lý, y tế địa phương để được tư vấn và xử trí theo quy định.

Đối với các cửa hàng, gian hàng thực hiện giãn cách giữa các hộ kinh doanh, gian bán hàng, cửa hàng phù hợp tình hình thực tế tại chợ để bảo đảm khoảng cách an toàn phòng chống dịch Covid-19; tốt nhất bố trí vách ngăn giữa các hộ kinh doanh, gian bán hàng, cửa hàng; giảm ít nhất 50% số người làm việc đối với gian hàng có trên 10 người làm việc, bán hàng hoặc theo quy định của chính quyền địa phương.

Kẻ vạch giãn cách giữa khách hàng với người bán hàng và giữa các khách hàng theo quy định. Bố trí đủ thùng đựng chất thải có nắp đậy; bố trí đầy đủ khu vực rửa tay, nhà vệ sinh và đảm bảo luôn có đủ nước sạch và xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay… Thực hiện vệ sinh khử khuẩn.

Đối với hộ kinh doanh chỉ bán các mặt hàng thiết yếu theo quy định, tuân thủ việc sắp xếp nơi bán hàng của đơn vị quản lý chợ bảo đảm khoảng cách an toàn phòng, chống dịch, đảm bảo các quy định về an toàn, vệ sinh thực phẩm.

Yêu cầu người bán hàng, người lao động/làm việc không đến chợ nếu có một trong các biểu hiện mệt mỏi, sốt, ho, đau rát họng, khó thở hoặc đang trong thời gian cách ly tại nhà theo yêu cầu của cơ quan y tế.

Thông báo ngay cho cán bộ quản lý chợ, cán bộ đầu mối phụ trách phòng chống dịch tại chợ nếu phát hiện bản thân hoặc khách hàng, người lao động/làm việc, người bán hàng có một trong các biểu hiện mệt mỏi, sốt, ho, đau rát họng, khó thở; hạn chế tiếp xúc, giữ khoảng cách tối thiểu và thực hiện nghiêm túc theo hướng dẫn của người có thẩm quyền của chợ.

Quản lý người lao động/làm việc, người bán hàng về các thông tin như họ tên, năm sinh, số CMT/CCCD, địa chỉ nơi ở, số điện thoại, địa chỉ quê quán, yêu cầu người lao động/làm việc, người bán hàng thông báo khi có tiếp xúc với các trường hợp F0 hoặc F1, F2.

Hướng dẫn của Bộ Y tế cũng nêu rõ khách hàng, người lao động/làm việc không đến chợ nếu có một trong các biểu hiện mệt mỏi, sốt, ho, đau rát họng, khó thở hoặc đang trong thời gian cách ly tại nhà theo yêu cầu của cơ quan y tế. Người lao động/làm việc, người bán hàng thực hiện khai báo y tế hàng ngày khi đến chợ để làm việc. Khách hàng thực hiện khai báo y tế khi đến chợ mua hàng. Luôn thực hiện thông điệp 5K. Đảm bảo an toàn phòng chống dịch trong thời gian di chuyển từ nơi ở đến chợ và ngược lại. Khách hàng chỉ đi chợ theo đúng ngày được quy định trên thẻ vào chợ và nộp thẻ vào chợ cho đơn vị quản lý chợ tại cổng vào chợ…

 

Mời xem thêm:

Bộ Công Thương kiến nghị ưu tiên tiêm vaccine cho tiểu thương, nhân viên siêu thị

Tiểu thương chật vật trong 'mùa đóng cửa chợ' để phòng chống dịch

TPHCM tính cho tiểu thương chợ truyền thống luân phiên bán hàng

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới