Xin đừng kỳ thị
Thời báo Kinh tế Sài Gòn
(TBKTSG) – Đầu tuần này, Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều Pháp lệnh Ngoại hối đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua, cho phép cá nhân được tự vay vốn và tự chịu trách nhiệm trả nợ nước ngoài.
Vấn đề này trước đó đã gây nên những tranh luận sôi nổi. Bên ủng hộ cho rằng bật đèn xanh cho cá nhân được vay ngoại tệ sẽ giúp thu hút dòng ngoại hối từ Việt kiều và các tổ chức nước ngoài khác. Nhà nước cũng không phải lo vì các cá nhân tự chịu trách nhiệm trả nợ. Trong khi đó, bên không ủng hộ lại bảo đây là vấn đề lợi bất cập hại trong thời điểm hiện nay vì nguy cơ rủi ro còn rất lớn cho toàn hệ thống. Một ví dụ đơn giản để chứng minh cho lập luận này là với lãi suất chênh lệch khá cao hiện nay giữa tiền đồng và ngoại tệ, một cá nhân có thể vay ngoại tệ rồi đổi ra tiền đồng nhằm hưởng chênh lệch lãi suất và có thể gây rủi ro cho cả thị trường.
Nay pháp lệnh đã không còn hạn chế cá nhân vay và trả nợ nước ngoài, tuy cụ thể như thế nào còn do Chính phủ quy định. Tuy thế, điều băn khoăn là từ cuộc tranh luận nói trên, vẫn thấy tồn tại quan điểm “dị ứng” với việc chữa bệnh và học tập tại nước ngoài như là một hình thức “chảy máu ngoại tệ”. Báo chí cho rằng hàng năm có khoảng 3,5 tỉ đô la Mỹ “chảy máu” cho nhu cầu chữa bệnh, học tập, mua nhà… Riêng tiền chữa bệnh ở nước ngoài lên đến 2 tỉ đô la Mỹ.
Khoan bàn về việc các con số này chính xác đến đâu, dù tính chính xác của số liệu là một trong những nhược điểm cố hữu trong việc hoạch định chính sách tại Việt Nam. Bài viết này chỉ đưa ra vài ý kiến về quan điểm “chảy máu ngoại tệ” khi chữa bệnh hoặc học tập tại nước ngoài.
Trước hết, quyền học tập và quyền hưởng chế độ bảo vệ sức khỏe là những quyền công dân được hiến định (điều 59 và 61 trong Hiến pháp 1992). Đó cũng là những quyền con người cơ bản được công nhận rộng rãi trên toàn thế giới. Vì thế, không thể nhân danh sự cơ cực của người nông dân Việt Nam, như một đại biểu Quốc hội đã phát biểu, để đưa ra những ý tưởng nhằm hạn chế các quyền này của công dân Việt Nam hoặc có cái nhìn kỳ thị với những trường hợp chữa bệnh, học tập ở nước ngoài.
Đành rằng chữa bệnh, học tập như vậy rất tốn kém, đành rằng trong nhiều trường hợp số tiền đó đến từ tham nhũng, nhưng nhiều không phải là tất cả. Nhiều người Việt có thể hy sinh cả gia tài chỉ để người thân khỏi bệnh. Còn chuyện cha mẹ hy sinh để con cái có được học vấn tốt nhất chắc là chuyện khỏi bàn. Nếu chúng ta đã nêu trên báo những tấm gương hy sinh của cha mẹ giúp con ăn học thành tài trên quê hương mình thì lý do gì lại cấm những bậc cha mẹ Việt Nam hy sinh để con cái họ đi học ở nước ngoài nhằm có được tương lai xán lạn hơn.
Đó là chưa kể người dân không tội vạ gì phải tốn quá nhiều tiền cho chữa bệnh, học tập ở nước ngoài nếu hệ thống y tế và giáo dục nước nhà đáp ứng được những yêu cầu của họ. Có lẽ cũng không cần phải nói nhiều về những vấn nạn trong hai lĩnh vực này.
Thiết nghĩ, điều nên làm hiện nay là làm sao kiểm soát hiệu quả các nguồn thu nhập không chính đáng của một số người. Còn nếu ai chứng minh được tiền của họ là tiền sạch, không phạm pháp, thì chuyện chữa bệnh, học tập của họ là vấn đề lựa chọn cá nhân, không nên nhân danh số đông mà can thiệp.
Riêng trong trường hợp du học, cần có điều tra rõ ràng, thuyết phục các số liệu về du học sinh xem bao nhiêu phần trăm trở về đất nước. Thử hỏi Nhà nước tiêu tốn bao nhiêu tiền để đưa một số người đi du học, còn người dân đi học bằng tiền của mình thì lại hạn chế, kỳ thị! Đó là một nghịch lý không đáng có.