Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Xin đừng ‘xài sang’ thời gian!

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Xin đừng ‘xài sang’ thời gian!

Song Nghi

(KTSG Online) – Tính từ ngày TPHCM đóng cửa chợ đầu mối Hóc Môn hôm 28-6 đến nay đã gần tròn 6 tuần. Trong gần một tháng rưỡi đó – dù nhiều biện pháp được cơ quan chức năng đưa ra – ghi nhận thực tế ở thời điểm hiện tại, người dân thành phố vẫn gặp khó khăn trong việc mua thực phẩm và hàng hóa cần thiết cho cuộc sống tối thiểu trong thời gian giãn cách.

Trong tuần đầu tháng 7, lần lượt hệ thống cung ứng từ chính đến phụ tại TPHCM đã bị "cúp cầu dao khẩn cấp" vì Covid-19: Sau chợ đầu mối Hóc Môn, ngày 6-7 chợ đầu mối Bình Điền bị đóng cửa và 24 tiếng sau đó, đến lượt chợ đầu mối Thủ Đức ngưng hoạt động. Kết quả khảo sát được Bộ Công Thương ghi nhận thực tế ngày 7-7 cho thấy lượng hàng hóa tiêu thụ qua 3 chợ đầu mối này gần 3.200 tấn gồm thịt gia súc, thủy hải sản và rau củ quả, trái cây.

Không chỉ có 3/3 chợ đầu mối phải ngưng hoạt động mà gần như toàn bộ chợ truyền thống cũng tê liệt. Tính đến ngày 1-8, toàn TPHCM chỉ còn 29/237 chợ truyền thống hoạt động. Tại các quận nội thành, hai huyện Hóc Môn, Nhà Bè và thành phố Thủ Đức đều không còn chợ truyền thống nào mở cửa (1).

Ở thời điểm đầu tháng 7, khi đóng cửa hầu hết chợ, lãnh đạo Sở Công Thương TPHCM khẳng định trên báo chí rằng các kênh bán lẻ hiện đại có thể bù đắp được nguồn cung cho thị trường, đáp ứng nhu cầu của người dân (2).

Đóng cửa chợ để phòng chống dịch là chuyện đương nhiên phải làm. Vấn đề là khi đóng cửa chợ ồ ạt thì bài toán bán lẻ rõ ràng chỉ mới được phác thảo trên giấy. Cơ quan chức năng vẫn tính toán có phần đơn giản theo công thức trên giấy "tổng lượng hàng hóa cung cấp cho TPHCM không giảm". Trên thực tế, bài toán khó giải quyết hơn rất nhiều so với việc đưa hàng hóa về TPHCM là phân phối hàng hóa đến tay người mua lẻ. Trong điều kiện giãn cách xã hội siết chặt hơn, cơ quan chức năng loay hoay đến tận bây giờ vẫn chưa giải được bài toán này.

Thực tế phát sinh hai việc, đó là quy định giãn cách xã hội theo chỉ thị 16 toàn bộ 19 tỉnh thành phố phía Nam từ ngày 19-7-2021 và TPHCM siết chặt thêm quy định hạn chế đi lại. Chỉ thị giãn cách đã phải gia hạn tiếp đến giữa tháng 8 này. Với tình hình dịch Covid-19 như hiện nay, việc Chính phủ hay UBND các tỉnh thành phố phải gia hạn thêm sau đợt giãn cách thứ nhì này vẫn có thể xảy ra. Tình hình chung cho thấy không dễ trở lại trạng thái bình thường mới một sớm một chiều được, mà các quy định kiểm soát chống dịch sẽ được nới lỏng từng bước.

Mô hình phát phiếu đi mua hàng ở hệ thống siêu thị mini và cửa hàng tiện lợi đã bộc lộ nhiều bất cập. Trong khi các siêu thị lớn vắng khách thừa hàng thì người dân lại không thể đến mua vì khác phường. Hệ thống siêu thị mini và cửa hàng tiện lợi thì vừa không đủ kho chứa để cung cấp, vừa không đạt mật độ phủ đồng đều theo từng phường khiến người dân chỗ cần không có, chỗ có lại không cần.

Trong bối cảnh đó, việc phục hồi lại hệ thống phân phối truyền thống là điều cần làm sớm thay vì loay hoay với bài toán đưa thêm cửa hàng tiện ích vào bán thực phẩm như vừa qua một cách vô vọng. Sau khi vận động các chuỗi cửa hàng mỹ phẩm, nhà thuốc như Con Cưng, Pharmacity, Guardian…tham gia bán rau củ quả (3), mới đây Sở Công Thương lại mời hệ thống GS 25 chuyển đổi 87 cửa hàng từ bán hàng tiện ích sang bổ sung bán thực phẩm tươi sống.

Đây rõ ràng không phải là lời giải cho bài toán bán lẻ thực phẩm vì bản thân các chuỗi này thiếu hàng loạt điều kiện từ cơ sở vật chất đến con người. Họ hoàn toàn không có nhân sự chuyên về mua bán thực phẩm tươi sống cũng như không có kho chứa, hệ thống bảo quản phù hợp cho nhóm sản phẩm này. Một yếu tố quan trọng khác là hệ thống phần mềm quản lý bán hàng, quản lý kho của các chuỗi này cũng không được thiết kế để bán thực phẩm và tất nhiên, họ không thể chi tiền nâng cấp hệ thống cho một mục đích tạm thời.  

Bất chấp sự tham gia của "hệ thống phân phối hiện đại" này, người dân cầm phiếu đi chợ, đi siêu thị trong phường vẫn không dễ mua được hàng hóa, thực phẩm đúng nhu cầu, vẫn phải vất vả chờ đợi mới mua được món mình cần.

Thay vì phát phiếu đi siêu thị và đặt hết gánh nặng lên vai các siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi, tại sao cơ quan chức năng không phục hồi kênh bán lẻ thông qua chợ có kiểm soát phòng dịch. Đây không phải là điều bất khả thi vì mới đây, khi áp dụng giãn cách xã hội theo chỉ thị 16, thành phố Cần Thơ đã đồng thời triển khai mô hình “Đưa chợ ra phố”, mở điểm bán hàng bình ổn thị trường tại công viên, khu đường trống dễ kiểm soát 5K (4). Với một đô thị như TPHCM, mô hình này vẫn có thể áp dụng được không chỉ cho các chợ bán lẻ mà còn cho cả chợ đầu mối. Mở lại chợ có kiểm soát thì các cơ quan chức năng sẽ vất vả hơn vì phát sinh thêm việc theo dõi, quản lý nhưng lẽ nào vì vậy mà không làm?

Ở khía cạnh dân sinh, sáu-tuần-lễ đóng cửa chợ, tương đương với khoảng bốn-mươi-ngày trôi qua mà mỗi ngày đều dài đăng đẳng chớ không chỉ là 24 tiếng đồng hồ. Trong chừng đó thời gian, hàng ngàn tiểu thương từ lớn ở chợ đầu mối đến nhỏ ở các chợ bán lẻ bị mất sinh kế vì không được mua bán kiếm sống. 

Trong bối cảnh dịch bệnh cần giải quyết nhanh nhiều vấn đề dân sinh thì việc cơ quan chức năng loay hoay từ tuần này qua tuần khác là một kiểu "xài sang thời gian" khó chấp nhận được. Một đô thị hơn mười triệu dân như TPHCM mà cho đến nay vẫn chưa có câu trả lời  rõ ràng về lộ trình mở cửa có kiểm soát 3 chợ đầu mối và hơn 200 chợ truyền thống e là không hợp lý chút nào.

Đây là vấn đề cần giải quyết khẩn cấp tính theo ngày, xin đừng trì hoãn.
——————–
(1) https://www.thesaigontimes.vn/319117/tphcm-nguoi-dan-van-kho-mua-hang-o-sieu-thi-mini-cua-hang-tien-loi.html
(2) https://laodong.vn/kinh-te/ca-3-cho-dau-moi-dong-cua-tphcm-co-du-nguon-cung-thuc-pham-927838.ldo
(3) https://thanhnien.vn/tai-chinh-kinh-doanh/con-cung-pharmacity-guardian-tai-tphcm-tiep-tuc-ban-rau-cu-1416973.html
(4) https://baocantho.com.vn/can-tho-dua-cho-ra-pho-dan-de-mua-hang-a135726.html

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới