Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Xoá tên người cha ra khỏi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Xoá tên người cha ra khỏi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

(Địa ốc) – Xoá tên cha ra khỏi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được không? Xác định tài sản chung, tài sản riêng được thừa kế trong thời kỳ hôn nhân.

Xoá tên người cha ra khỏi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất
Ảnh minh họa: laodong.vn

Tóm tắt câu hỏi:

Tôi có câu hỏi là tên trong sổ đỏ đất là của bà ngoại tôi, bà làm giấy thừa kế để lại cho mẹ tôi, nhưng đến khi làm tách sổ đỏ thì có tên mẹ tôi đứng truớc và tên đứng sau là cha tôi. Nay gia đình có lý do riêng, tôi muốn hỏi là nếu xoá bỏ tên cha tôi trong sỏ đỏ đất thì có được hay không?

Luật sư tư vấn:

Chúng tôi xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:

1. Căn cứ pháp lý:

– Bộ luật dân sự 2015;

– Luật Hôn nhân gia đình 2014;

2. Giải quyết vấn đề:

Thứ nhất, quyền sử dụng đất đối với diện tích đất bà ngoại bạn để lại được xác định là tài sản riêng của mẹ bạn.

Theo nguyên tắc chung về xác định tài sản trong quan hệ hôn nhân theo pháp luật hiện hành thì tài sản được xác lập hoặc hình thành trong thời kỳ hôn nhân được xác định là tài sản chung của vợ chồng và cả hai người có quyền và nghĩa vụ tươn đương đối với tài sản chung đó. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp ngoại lệ đối với nguyên tắc trên.

Khoản 1 điều 43 Luật Hôn nhân gia đình 2014 quy định tài sản riêng của vợ chồng như sau:

“1. Tài sản riêng của vợ, chồng gồm tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn; tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản được chia riêng cho vợ, chồng theo quy định tại các điều 38, 39 và 40 của Luật này; tài sản phục vụ nhu cầu thiết yếu của vợ, chồng và tài sản khác mà theo quy định của pháp luật thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng.”

 

Như vậy, cho dù tài sản được xác lập quyền sở hữu trong thời kỳ hôn nhân nhưng nếu được tặng cho, nhận thừa kế riêng của vợ hoặc chồng thì tài sản đó vẫn được xác định là tài sản riêng của vợ hoặc chồng.

Đối  với nhóm đối tượng đặc thù là quyền sử dụng đất, khoản 1 điều 33 Luật Hôn nhân gia đình 2014 quy định cụ thể:

“1. Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.

Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.”

 

Từ những căn cứ trên có thể thấy, trong trường hợp của gia đình bạn, quyền sử dụng thửa đất tuy được xác lập trong thời kỳ hôn nhân giữa bố và mẹ bạn nhưng là tài sản mẹ bạn được thừa kế riêng nên được xác định là tài sản riêng của mẹ bạn.

Liên quan đến việc bà bạn để lại di chúc cho mẹ của bạn thì căn cứ theo Bộ luật dân sự 2015 quy định thừa kế theo di chúc như sau:

“Điều 630. Di chúc hợp pháp

Di chúc hợp pháp phải có đủ các điều kiện sau đây:

a) Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe doạ, cưỡng ép.

b) Nội dung của di chúc không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của luật.

Di chúc của người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi phải được lập thành văn bản và phải được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý về việc lập di chúc.

Di chúc của người bị hạn chế về thể chất hoặc của người không biết chữ phải được người làm chứng lập thành văn bản và có công chứng hoặc chứng thực.

Di chúc bằng văn bản không có công chứng, chứng thực chỉ được coi là hợp pháp, nếu có đủ các điều kiện được quy định tại khoản 1 Điều này.

Di chúc miệng được coi là hợp pháp nếu người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất hai người làm chứng và ngay sau khi người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng, người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng thì di chúc phải được công chứng viên hoặc cơ quan có thẩm quyền chứng thực xác nhận chữ ký hoặc điểm chỉ của người làm chứng.”

 

Theo đó, quyền sử dụng thửa đất sẽ được công nhận là tài sản riêng của mẹ bạn khi thỏa mãn đồng thời hai điều kiện:

+ Di chúc bà ngoại bạn để lại có hiệu lực pháp luật: tại thời điểm lập di chúc bà bạn phải hoàn toàn minh mẫn, tỉnh táo, có khả năng nhận thức và kiểm soát hành vi của bản thân và không chịu bất cứ sự ép buộc, đe dọa nào đối với việc lập di chúc cũng như nội dung di chúc.

+ Nội dung di chúc cần ghi nhận rõ ràng và cụ thể rằng quyền sử dụng thửa đất được thừa kế riêng cho mẹ của bạn.

Thứ hai, có hai trường hợp có thể xảy ra đối với việc bố bạn có tên trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mẹ bạn nhận thừa kế riêng.

Trường hợp thứ nhất, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là hợp pháp nếu sau khi nhận thừa kế từ bà ngoại bạn, bố mẹ bạn đã có thỏa thuận xác định quyền sử  dụng đất nói trên là tài sản chung của vợ chồng thì  nó sẽ được xác định xác định là tài sản chung của vợ chồng theo quy định tại khoản 1 điều 33 Luật Hôn nhân gia đình 2014.

Nếu thuộc trường hợp nói trên, bố bạn được pháp luật công nhận là chủ sở hữu hợp pháp đối với tài sản là quyền sử dụng đất. Do đó, việc xóa tên bố bạn trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chỉ có thể được thực hiện khi có sự đồng ý của bố bạn.

Trường hợp thứ hai, nếu không thuộc trường hợp thứ nhất, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã được cấp không có hiệu lực trước pháp luật  và mẹ bạn có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền cấp lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai.

Cụ thể, nếu giữa bố mẹ bạn không có thỏa thuận về việc xác định quyền sử dụng đất nói trên là tài sản chung thì bố bạn đương nhiên không phải là chủ sở hữu quyền sử dụng đất và việc ghi nhận tên của bố bạn lên trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là không có căn cứ pháp lý.

Do vậy, bạn cần liên hệ với Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc văn phòng đăng ký đất đai để xác định lại về quyền sở hữu đất của bố bạn trong trường hợp này.

Theo Hoidapphapluat.vn

1 BÌNH LUẬN

  1. Bố tôi đã mất muốn xoá tên bố ra khỏi sổ đỏ mà họ yêu cầu giấy khai sinh của bố trong khi giấy khai sinh đã bị mất. Xã không cấp lại cho. Giờ họ không giải quyết phải làm sao ạ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới