Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Xoay quanh Twitter

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Xoay quanh Twitter

H. Minh

Minh họa: Khều.

(TBVTSG) – Mãi đến gần đây các doanh nghiệp mới quan tâm đến việc tuyển dụng chuyên gia truyền thông xã hội, mà nguyên nhân chủ yếu là sự bùng nổ của Twitter…

“Sứ mệnh trong cuộc đời tôi là có được công việc này,” cô Amanda Casgar cho biết như thế về công việc mà nhà máy rượu vang Murphy-Goode ở bang California (Mỹ) đang tìm tuyển.

Từ đầu tháng Năm, Murphy-Goode bắt đầu chiến dịch tìm kiếm một “chuyên gia truyền thông xã hội”, người sẵn sàng sống sáu tháng ở thành phố Healdsburg để nếm rượu của họ và chia sẻ cảm nhận của bản thân trên blog, mạng xã hội Facebook và dịch vụ blog ngắn gọn Twitter. Người được chọn cho công việc này, được gọi chính thức là “phóng viên lối sống”, sẽ nhận được mức lương 10.000 đô-la Mỹ mỗi tháng và chỗ ở miễn phí.

Chiến dịch tìm kiếm chuyên gia truyền thông xã hội của Murphy-Goode đã tỏ ra có hiệu quả về mặt quảng bá thương hiệu. Trang web của công ty đã thu hút hơn 50.000 lượt người truy cập kể từ khi thông tin về việc tuyển dụng được thông báo. Hạn chót cho việc nộp đơn xin việc là ngày 19-6 và cho đến đầu tháng Sáu đã có gần 600 ứng viên đăng ký, trong đó có cô Casgar.

Cô Casgar, ứng viên thứ 505 và là người từng làm trong lĩnh vực tiếp thị tạp chí, tỏ ra có hứng thú với công việc này. Biết sử dụng Twitter, cô bắt đầu tăng cường đưa thông điệp, hầu hết nói về rượu, lên đó. Cô lập một trang web gọi là “Good Times with Amanda Casgar” để ghi chép lại quá trình tìm việc.

Cũng như hàng chục ứng viên khác, cô cũng lập một nhóm người hâm mộ trên Facebook. Gần đây, cô còn bỏ ra hai ngày để tạo một lý lịch video cho công việc này.

Vị trí chuyên gia truyền thông xã hội, được khởi xướng bởi các công ty như Comcast, General Motors và JetBlue Airways, đã trở thành một vị trí được săn đón nhiều nhất trong cộng đồng người sử dụng Twitter. Dĩ nhiên là các công ty từ lâu đã tìm cách khai thác tiềm năng tiếp thị của phương tiện truyền thông xã hội, như những cửa hàng mà doanh nghiệp mở ra trong thế giới ảo Second Life.

Các chính trị gia và diễn viên cũng bỏ qua các phương tiện truyền thông chủ đạo để tương tác trực tiếp với người hâm mộ (và đối thủ). Nhưng mãi đến gần đây, các công ty mới bắt đầu quan tâm đến việc tuyển dụng người chuyên làm công việc này, mà nguyên nhân chủ yếu là sự bùng nổ của Twitter.

Đối với một số người, Twitter là sự mở rộng của dịch vụ khách hàng và là một cách thức hữu hiệu để giải quyết những vấn đề mà khách hàng phàn nàn.  Đối với những người khác, việc sử dụng phương tiện truyền thông tương tác đơn thuần chỉ mang tính quảng bá. PepsiCo, chẳng hạn, gần đây quảng cáo rằng họ đang tìm kiếm phóng viên và sinh viên để viết trên Twitter về sự kiện Tuần lễ Internet diễn ra ở New York trong tháng Sáu.

Việc có một chuyên gia truyền thông xã hội trong đội ngũ nhân viên là một cách để tiến hành các cuộc trò chuyện về một thương hiệu nào đó. Công ty nghiên cứu và tiếp thị Forrester Research có 12 chuyên gia phụ trách việc tư vấn cho hơn 100 công ty về cách thức dùng mạng xã hội để giúp khách hàng làm những việc như mở tài khoản ngân hàng, hoặc mua kem dưỡng da mặt.

Josh Bernoff, một nhà phân tích của Forrester Research và là đồng tác giả một quyển sách về công nghệ xã hội, cho rằng những chất lượng làm nên một chuyên gia truyền thông xã hội giỏi khác với những kỹ năng được sử dụng bởi một nhân viên quan hệ công chúng thông thường. Ông nói: “Họ không làm việc như là người phát ngôn, mà là một người thật sự giỏi nghề. Bạn phải cẩn thận về những gì mình nói trong lúc thể hiện quan điểm cá nhân của mình nhiều hơn khi là một nhân viên quan hệ công chúng thông thường.”

Tại một số công ty, chỉ có những người có cá tính mạnh mẽ và táo bạo mới được chọn cho công việc này. Christi Day (được biết đến trên Twitter là @Christi5321) là một chuyên gia về phương tiện truyền thông mới nổi tại hãng hàng không Southwest Airlines. Cô gái 25 tuổi này tự nhận mình thích là trung tâm của sự chú ý và xem Twitter không khác gì một sự kiện xã hội nào đó.

Cô nói: “Công ty cho tôi sự tự do để là chính mình, miễn là tôi luôn chính xác và làm việc chăm chỉ.” Bất chấp tính cách vô tư của mình, cô Day có mục tiêu chính là biến đổi hình ảnh của công ty theo hướng có lợi cho nó. Cô làm điều này bằng cách theo dõi nhận xét của khách hàng về hãng hàng không 24 giờ/ngày và giải quyết ngay những lời phàn nàn trước khi chúng lan rộng.

Dù vậy, bất kỳ công nghệ mới nào cũng có điểm hạn chế của nó. Chẳng hạn như Twitter không được tạo ra để giải quyết những vấn đề phức tạp, và những công ty nào dùng công cụ này quá nhiều có nguy cơ làm người khác phát cáu.

Paul Gillin, một phóng viên công nghệ từng viết một quyển sách về việc dùng phương tiện truyền thông xã hội cho hoạt động tiếp thị, nói: “Twitter không phải là nơi để khách hàng viết những gì có ý nghĩa. Bất kỳ ai cũng có thể lên Twitter để phàn nàn những gì họ không hài lòng và một công ty nào đó sẽ nhượng bộ những yêu cầu của họ. Điều này không giúp gì nhiều cho việc khuyến khích sự trung thành của khách hàng.”

(The New York Times)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới