Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Xoay xở trong mùa dịch Covid-19

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Xoay xở trong mùa dịch Covid-19

Nhóm phóng viên

(TBKTSG Online) – Nhiều thống kê, nhận định cho thấy dịch Covid-19 đang tác động nặng nề đến mọi mặt của nền kinh tế. Tuy nhiên đi vào chi tiết hoạt động của từng doanh nghiêp có thể thấy rằng cơn khủng hoảng này đang đẩy họ đến bên bờ vực sống còn. Khả năng chịu đựng của doanh nghiệp đến đâu và tính toán xoay xở ra sao trong giai đoạn này cần phải có cái nhìn thấu đáo.

Xoay xở trong mùa dịch Covid-19

Những chia sẻ của doanh nghiệp, chuyên gia đại diện cho từng ngành nghề trong diễn đàn mà TBKTSG Online giới thiệu dưới đây sẽ khắc họa rõ nét hơn bối cảnh hoạt động, cách xoay xở của từng lĩnh vực kinh doanh dưới sức ép của dịch Covid-19. Qua đó, cũng mong muốn đón nhận thêm những ý kiến chia sẻ của doanh nghiệp về tình hình hoạt động kinh doanh của mình trong bối cảnh hiện tại để có những góc nhìn sát với thực tế hơn.

Du lịch “lâm sàng” và chờ phao cứu sinh

Du lịch là ngành chịu ảnh hưởng sớm nhất và nặng nề nhất. Đại diện một số hiệp hội du lịch cho rằng, doanh nghiệp rất khó để tìm cách xoay xở và đang rất cần sự hỗ trợ từ chính phủ để có thể "sống sót" qua dịch.

Bãi biển Nha Trang vắng lặng trong mùa cao điểm cho thấy sự tác động nặng nề từ Covid-19. Ảnh: Đào Loan

Bà Nguyễn Thị Khánh, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch TPHCM, cho biết tình hình của các doanh nghiệp lữ hành, khách sạn ngày càng khó khăn.

Hồi đầu dịch Covid-19, tuy những thị trường ở khu vực châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc bị sụt giảm nặng nhưng doanh nghiệp vẫn còn đón được một số khách từ các thị trường xa như châu Âu, Mỹ… Tuy nhiên, gần 10 ngày qua, tác động tiêu cực đã lan rộng hơn. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp cho biết sắp tới có thể sẽ mất tiếp thị trường châu Âu. Khách nội địa cũng giảm trầm trọng và không hứa hẹn là có thể tăng lên cho dù doanh nghiệp có cố gắng giảm giá để kích cầu.

"Chúng tôi đã đi khảo sát hàng loạt điểm đến an toàn ở Phú Yên, Đắk Lắk… nhằm chuẩn bị tour giảm giá, có thể giảm đến 50% nhưng hiện khách không muốn đi vì dịch bệnh. Tất cả phải chờ khi hết dịch", bà Khánh nói.

Doanh nghiệp hiện tại đang trong tình cảnh “họa vô đơn chí” vì không có gì để bù đắp nguồn thu. Nhiều công ty đang ở tình trạng không có thu để nuôi bộ máy, chưa kể hàng loạt lệnh hoãn, hủy dịch vụ đã khiến tình hình tài chính của doanh nghiệp rất khó khăn.

Mấy ngày qua, trước thông tin chính phủ đề nghị các ngân hàng đưa ra gói hỗ trợ tín dụng khoảng 250.000 tỉ đồng để hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng do Covid-19, nhiều doanh nghiệp đã liên hệ để tìm hỗ trợ nhưng phía ngân hàng cho biết chưa có văn bản hướng dẫn thực hiện.

"Doanh nghiệp đang rất cần hỗ trợ về tín dụng, giảm thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp… Doanh nghiệp đang rất đuối và thực sự rất cần phao cứu sinh từ chính phủ," bà Khánh nói.

Ông Hoàng Văn Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Nha Trang – Khánh Hòa, cũng có ý kiến tương tự là mong chờ chính sách mới từ chính phủ. Tuy nhiên, đây lại là dịp để ngành du lịch Khánh Hòa nhìn lại tác động nặng nề của việc lệ thuộc quá nhiều vào một số ít thị trường. "Phải cân bằng lại việc thu hút khách trong nước và quốc tế cũng như đa dạng nguồn khách quốc tế", ông nói.

Đại diện hiệp hội du lịch của các địa phương mạnh về du lịch như Huế, Đà Nẵng, Cần Thơ… cũng cho biết việc giảm giá kịch sàn các dịch vụ là phương án duy nhất. Nhưng điều này là vô nghĩa khi phía cầu không được cải thiện, thậm chí là đứng im.

Kinh doanh chuỗi F&B đóng cửa, cắt giảm nhân sự

Từ khi dịch Covid-19 bùng phát, một trong những ngành chịu ảnh hưởng rõ nhất là kinh doanh ẩm thực (F&B). Trong đó, các doanh nghiệp kinh doanh theo mô hình chuỗi, gặp áp lực lớn về chi phí vận hành và vấn đề duy trì chất lượng đồng bộ. Tuy nhiên sức chịu đựng cũng đang đi đến những giới hạn cuối cùng.

Kinh doanh chuỗi nhà hàng đang "gồng mình" chịu đựng. Ảnh minh họa: VD

Ông Mai Trường Giang, chủ doanh nghiệp sở hữu 27 cửa hàng gồm 2 thương hiệu bánh su Chewy Chewy và gà rán Otoke Chicken cho biết, đã bị thiệt hại nặng nề với doanh thu giảm 30-50%. Đối với nhà hàng nằm ngoài phố thì giảm 30% khách dine in (khách đến ăn trực tiếp), còn nhà hàng trong trung tâm thương mại giảm 50% vì các trung tâm thương mại đều vắng khách.

Những nhà hàng chỉ phục vụ dine-in thì việc giảm doanh thu 30-50% là tổn thất lớn, mỗi nhà hàng phải chịu lỗ ít nhất từ vài chục cho tới hơn trăm triệu đồng mỗi tháng. Dòng tiền tạm thời vẫn còn duy trì được trong giai đoạn khó khăn này bởi hệ thống có vài điểm duy trì được doanh thu giao hàng.

Doanh nghiệp đã căng kéo hết để cỡ cắt giảm các chi phí cố định như đàm phán giảm tiền thuê nhà có thời hạn, cắt đi một phần nhân sự toàn thời gian không cần thiết. Đồng thời đề xuất giảm lương 40% trong giai đoạn 3 tháng mùa dịch để giúp công ty duy trì dòng tiền cho các hoạt động trong và sau dịch.

“Nếu dịch kéo dài thêm hơn 3 tháng thì buộc chúng tôi phải triển khai giai đoạn 2, có thể sẽ là đóng cửa hàng lỗ kéo dài, và cắt giảm bớt nhân sự… Hiện tại nguồn vốn của công ty vẫn có thể duy trì hết 12 tháng nữa, sau đó thì chưa rõ”, ông Giang chia sẻ.

Đây cũng là tình trạng chung của nhiều chuỗi cửa hàng hiện nay.

Chuỗi cung ứng đứt gãy, phải dừng để làm lại

Tại Trung Quốc, quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ Covid-19, chính phủ nước này đã khuyến cáo hàng trăm triệu lao động ở nhà để ngăn chặn virus phát tán. Hậu quả là nhiều nhà máy và cơ sở sản xuất đã phải đóng cửa kéo dài sau dịp Tết Nguyên đán.

Trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp phụ thuộc vào nguyên liệu từ Trung Quốc, Covid-19 sẽ tác động lên chuỗi cung ứng toàn cầu khiến sản xuất trì trệ hay tạm thời ngừng dây chuyền lắp ráp và sản xuất trên khắp thế giới. Việt Nam cũng không phải ngoại lệ khi nhiều doanh nghiệp đang trong tình trạng cạn kiệt nguyên liệu, bởi Trung Quốc vẫn luôn là thị trường nhập khẩu lớn nhất.

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) là một trong rất nhiều “ông lớn” doanh nghiệp Nhà nước, đang gặp khó bởi dịch Covid-19.

Ông Nguyễn Phú Cường, Chủ tịch HĐTV Vinachem nhấn mạnh, doanh nghiệp này không sản xuất ra sản phẩm cuối cùng, nhưng lại là đầu ra và đầu vào quan trọng của nhiều ngành kinh tế xương sống, nên sẽ thấy rất rõ sự ảnh hưởng của cả chuỗi giá trị do dịch Covid-19.

Nguyên liệu chính có thể còn dự trữ và chủ đọng nội địa nhưng phụ gia nhập khẩu để sản xuất sản phẩm đang cạn kiệt. Dịch Covid-19 bùng phát khiến việc nhập phụ gia từ Trung Quốc gặp khó khăn trong khi dự trữ của Vinachem chỉ còn đến khoảng tháng 4. Về thị trường khi quá trình sản xuất ở các đơn vị khác tạm dừng thì linh kiện và sản phẩm cung ứng của Vinachem cũng nhập kho. Điều này cũng xảy ra với mặt hàng, phân bón, pin, ắc-quy dành cho các loại xe, vốn là thế mạnh nổi bật của Vinachem.

Tuy nhiên, nhìn ở khía cạnh tích cực, ông Reza Akbari, giảng viên khoa Quản trị Kinh doanh, Đại học RMIT cho rằng, đây là thời điểm của những cơ hội mới, để chúng ta nhận ra những điểm yếu trong chuỗi cung ứng hiện tại và vượt qua khủng hoảng toàn cầu, cải thiện chuỗi cung ứng. Bằng cách tiến tới mô hình thành phố thông minh và chuyển đổi kỹ thuật số, Việt Nam có thể khắc phục nhiều vấn đề.

“Để có được tương lai như mong đợi, không chỉ các cơ quan trực thuộc chính phủ, mà mọi cá nhân và tổ chức phải hợp tác cùng nhau. Càng ứng phó nhanh bao nhiêu trong giai đoạn khủng hoảng, chúng ta càng vượt qua những gián đoạn hay dịch bệnh trong tương lai càng sớm bấy nhiêu”, ông Reza Akbari nói.

Doanh nghiệp gỗ muốn bứt lên trong khủng hoảng

Theo ông Trần Việt Tiến, Thường vụ Ban chấp hành của Hiệp hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM (Hawa), dịch bệnh do Covid-19 đang khiến nhiều lĩnh vực kinh tế trong nước khó khăn vì việc nhập khẩu nguyên liệu từ Trung Quốc bị đình trệ nhưng ngành gỗ lại ít bị ảnh hưởng.

Bởi lẽ các doanh nghiệp sản xuất trong ngành gỗ và nội thất đã đảm bảo được trên 70% gỗ nguyên liệu, và chủ yếu nhập từ châu Phi, Mỹ, Canada, New Zealand. Các nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất đồ nội thất như tay nắm, ốc vít, vải cho sofa… được nhập từ Trung Quốc nhưng với số lượng không lớn nên không gây tác động đến quá trình sản xuất.

Ông Trần Việt Tiến, Thường vụ Ban chấp hành Hiệp hội Gỗ mỹ nghệ TPHCM (Hawa). Ảnh: Quốc Hùng

Ngược lại ngành gỗ Việt Nam có thể tìm cơ hội từ khó khăn chung này do nhiều nhà máy sản xuất Trung Quốc bị đình trệ hoặc sản xuất cầm chừng vì dịch, trong khi đây là thị trường xuất khẩu đồ gỗ lớn nhất trên thế giới.

Hiện nay, các khách hàng lớn tại Mỹ, châu Âu, Úc, Nhật Bản,… càng quan tâm nhiều hơn đến thị trường sản xuất ngoài Trung Quốc và khu vực Đông Nam Á trở nên thị trường thay thế lý tưởng trong đó Việt Nam là ứng viên sáng giá nhất trong khu vực. Thêm vào đó các hiệp định thương mại đi vào thực thi càng tăng khả năng kết nối cũng như các ưu đãi thuế quan giữa Việt Nam và nhiều quốc gia trên.

Tuy nhiên, dịch Covid-19 đang có chiều hướng lây lan rộng sang nhiều quốc gia làm trì hoãn hàng loạt các hội chợ nội thất trên toàn thế giới. Cơ hội giới thiệu trực tiếp sản phẩm vì thế mà bị hạn chế ít nhiều.

Dẫu vậy, thế giới đang trong giai đoạn khủng hoảng nguồn cung, các doanh nghiệp gỗ cần tiếp cận thị trường càng sớm càng tốt, để đón lấy cơ hội. Trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, đây cũng là cơ hội để doanh nghiệp ngành gỗ cải tiến các phương thức kinh doanh thông qua ứng dụng công nghệ.

Trong đó, ứng dụng công nghệ thực tế ảo (virtual reality-VR), 3D giúp khách hàng có thể tham quan showroom, nhà máy một cách trực quan từ xa. Sự phát triển của các công cụ thương mại điện tử, nền tảng số cùng các thiết bị giúp giải quyết khâu tiếp cận khách hàng nhanh chóng mà không nhất thiết cần đến mặt bằng quá rộng và nhiều nhân lực, hoạt động 24/24. Khoảng cách giữa online và offline được kéo giảm tạo nên sự cộng hưởng nguồn lực.

Mới đây, các Hiệp hội HAWA, BIFA (Hiệp hội chế biến gỗ Bình Dương), DOWA (Hiệp hội gỗ và thủ công mỹ nghệ Đồng Nai) ký kết thỏa thuận hợp tác với FPT nhằm đẩy mạnh chuyển đổi số cho các doanh nghiệp gỗ Việt Nam để giúp tối ưu hóa vận hành, tiết kiệm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh. HAWA cũng tiến hành ký kết với một số đối tác khác trong các lĩnh vực thương mại điện tử, công nghệ thực tế ảo (VR), showroom 3D và cộng đồng các giám đốc công nghệ thông tin Việt Nam.

“Khủng hoảng bởi dịch bệnh không ai mong muốn nhưng từ khủng hoảng cũng cần phải linh hoạt để nhìn ra cơ hội bứt lên tạo đà cho bước phát triển tiếp theo”, ông Trần Việt Tiến chia sẻ.

Ngân hàng vào cuộc ra sao?

Các ngân hàng bắt đầu lên tiếng về việc hỗ trợ doanh nghiệp, nền kinh tế trong bối cảnh phòng chống dịch Covid-19 lên cao trào mới. Số liệu Ngân hàng Nhà nước cho biết tính đến thời điểm hiện tại, 23 tổ chức tín dụng bước đầu ước tính khoảng 926.000 tỉ đồng dư nợ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, chiếm 14,27% tổng dư nợ.

Theo kết quả bước đầu ghi nhận từ các tổ chức tín dụng, đã có trên 44.000 khách hàng với dư nợ khoảng 222.000 tỉ đồng được hỗ trợ thông qua các biện pháp như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay các khoản nợ hiện hữu, giảm lãi các khoản cho vay mới, miễn giảm các loại phí, triển khai các chương trình, sản phẩm tín dụng,…

Ông Đào Gia Hưng, Phó giám đốc khối SME, VPBank cho biết, doanh nghiệp SME là nhóm có khả năng bị tổn thương cao nhất trong các nhóm doanh nghiệp bởi nguồn vốn của họ có hạn, dòng tiền cũng không đủ dồi dào để trù bị cho một quãng thời gian ngắt quãng kinh doanh lâu. Vì thế, ngay từ những ngày đầu tiên đi làm trở lại sau Tết Nguyên đán, ngân hàng này đã chủ động tìm hiểu, rà soát các khách hàng có thể bị ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp từ dịch bệnh Covid 19.

Ông Đào Gia Hưng, Phó giám đốc khối SME, VPBank. Ảnh: nhân vật cung cấp

Từ đó thiết kế các phương án tái cấu trúc nợ, giãn thời gian trả nợ để đảm bảo dòng tiền của doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nhỏ nhất có thể. Đối với một số trường hợp đặc biệt, ngân hàng có đưa ra cơ chế giảm lãi suất cho vay để doanh nghiệp không phải chịu ảnh hưởng kép do dịch bệnh lần này.

Dù đã rất chủ động và vào cuộc từ rất sớm, nhưng VPBank nhận thấy việc rà soát các doanh bị ảnh hưởng quả thực không hề dễ dàng. Với những doanh nghiệp chịu ảnh hưởng gián tiếp bởi dịch bệnh Covid-19 và ảnh hưởng này rất khó định lượng, xác minh thì cả ngân hàng và doanh nghiệp đều đang nỗ lực tìm tiếng nói chung để tìm hướng hỗ trợ hiệu quả và thực tiễn nhất.

Trong khi đó theo đại diện của VietinBank đánh giá bước đầu, tổng dư nợ của các khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 là 104.970 tỉ đồng, chiếm 11,39% tổng dư nợ toàn hệ thống. 

Đại diện nhà băng này cho biết, khó khăn của doanh nghiệp gián tiếp là của ngân hàng. Chủ trương của ngân hàng phải chia sẻ, đồng hành để vượt qua giai đoạn cam go này.

Liên quan đến nhóm giải pháp tín dụng, VietinBank đã triển khai cho vay mới và thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn/giảm lãi vay, tạm thời giữ nguyên nhóm nợ đối với các khoản vay có dư nợ gốc và/hoặc lãi đến kỳ hạn trả nợ trong thời gian từ ngày 23-01 đến ngày 31-3.

VietinBank dành nguồn vốn khoảng 15.000 tỉ đồng và 150 triệu đô la Mỹ để triển khai chương trình thúc đẩy tăng trưởng tín dụng ngắn hạn với lãi suất cho vay khách hàng là 5% đối với tiền đồng và 2,8% với đô la.

Doanh nghiệp nên chuẩn bị tâm lý cho rủi ro tỷ giá

Trong quá khứ, tỷ giá đô la Mỹ/tiền đồng từng rất nhạy cảm với các diễn biến địa chính trị như Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ, bầu cử Tổng thống Mỹ, sự kiện Brexit… Lần này, với tác động của dịch Covid-19, thị trường tài chính thế giới cũng như thị trường chứng khoán trong nước chứng kiến những biến động mạnh theo xu hướng bất ổn và ngày càng khó lường.

Ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc Khối ngoại hối và thị trường vốn, HSBC Việt Nam cho biết, nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa trên thế giới sụt giảm mạnh, việc tiền đồng mạnh hơn cũng làm giảm tính cạnh tranh cho doanh nghiệp xuất khẩu. Bên cạnh đó, tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến khó lường, một loạt lo ngại về khả năng suy thoái của các nền kinh tế lớn khiến dòng vốn trong khu vực châu  Á khó đoán định, từ đó khiến xu hướng tỷ giá ngày càng khó nắm bắt hơn.

Ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc Khối ngoại hối và thị trường vốn, HSBC Việt Nam

Do vậy, doanh nghiệp Việt Nam cần đặc biệt lưu tâm đến những vấn đề về phòng vệ rủi ro tỷ giá thông qua sử dụng các sản phẩm tỷ giá như kỳ hạn, hoán đổi để đảm bảo dòng tiền và chi phí không bị ảnh hưởng tiêu cực. Đồng thời, cần xây dựng các chính sách về phòng vệ rủi ro thị trường, bao gồm rủi ro tỷ giá và lãi suất, để nâng cao tính minh bạch trong hoạt động cũng như nâng cao khả năng dự báo dòng tiền và chi phí, lợi nhuận.

“HSBC Việt Nam đã và đang tiếp tục thảo luận với khách hàng về hoạt động kinh doanh của họ, những ảnh hưởng của dịch bệnh tới những hoạt động này vào thời điểm hiện tại và trong tương lai. Chúng tôi đã xác định những ngành nghề và khách hàng tương ứng bị ảnh hưởng và có khả năng bị ảnh hưởng mạnh nhất bởi dịch bệnh để thảo luận với khách hàng và ngân hàng nhà nước về giải pháp tốt nhất có thể”, ông Khoa chia sẻ.

Mời bạn đọc và doanh nghiệp tham gia trao đổi, thảo luận với Diễn đàn "Xoay xở vượt qua Covid-19" bằng cách đóng góp ý kiến qua ô bên dưới hoặc gửi e-mail đến địa chỉ: online@kinhtesaigon.vn.

 

 

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới