Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Xử hình sự việc xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ: Chuyện chỉ hiếm ở xứ ta!

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Xử hình sự việc xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ: Chuyện chỉ hiếm ở xứ ta!

Lê Thị Thiên Hương

(TBKTSG) – Mới đây, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã đề nghị truy tố ông Lê Đình Trung và pháp nhân là Công ty cổ phần tập đoàn Bia Sài Gòn Việt Nam về tội “xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp”.

Xử hình sự việc xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ: Chuyện chỉ hiếm ở xứ ta!
Thương hiệu “Bia Sài Gòn”. Ảnh: THÀNH HOA

Nhìn lại pháp luật Việt Nam

Theo kết luận của cơ quan điều tra, một số lượng lớn sản phẩm của công ty này (gồm 3.300 thùng bia đã bán ra thị trường, 4.700 thùng bia, 116.700 vỏ lon bia và 3.300 vỏ thùng bia chưa sử dụng mang nhãn hiệu “Bia Saigon Vietnam”) đã nhái nhãn hiệu “Bia Sài Gòn” đã được đăng ký bảo hộ, và thuộc sở hữu của Tổng công ty cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco).

Thực tế, nhãn hiệu “Bia Saigon Vietnam” cũng đã từng được công ty vi phạm đăng ký nhãn hiệu, nhưng vì giống với nhãn hiệu của “Bia Sài Gòn” có thể gây nhầm lẫn cho khách hàng, nên từ tháng 11-2020, Cục Sở hữu trí tuệ đã có quyết định từ chối cấp giấy chứng nhận đăng ký đối với nhãn hiệu “Bia Saigon Vietnam” của công ty này. Tuy nhiên, công ty này vẫn tự công bố sản phẩm hiệu “Bia Saigon Vietnam” và đưa ra thị trường.

Tất nhiên, không khó để hiểu được tại sao hành vi xâm phạm nhãn hiệu này bị khởi tố vụ án hình sự. Với tổng giá trị thiệt hại được ước đoán ban đầu là hơn 500 triệu đồng, số tiền hàng hóa vi phạm là hơn 1,4 tỉ đồng, hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp của Bia Sài Gòn Việt Nam có đủ các yếu tố cấu thành tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp.

Đối với tội danh này, theo khoản 2, điều 226, Bộ luật Hình sự 2015, cá nhân có thể bị phạt tiền từ 500 triệu đồng đến 1 tỉ đồng hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm nếu như số lượng hàng hóa giả mạo nhãn hiệu có giá trị 500 triệu đồng trở lên, hoặc gây thiệt hại cho chủ sở hữu nhãn hiệu 500 triệu đồng trở lên, hoặc dẫn đến thu lợi bất chính 300 triệu đồng trở lên. Đối với pháp nhân, khoản 4 của điều 226 quy định một số hình phạt cho tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp như phạt tiền, đình chỉ hoạt động có thời hạn, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hay cấm huy động vốn từ 1-3 năm.

Tuy có vẻ không có gì đặc biệt về mặt pháp lý, vụ án hình sự này lại thu hút sự chú ý của dư luận. Hiển nhiên, đây là một trong số ít các vụ khởi tố hình sự hiếm hoi đối với tội xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTT). Không chỉ thế, trong lĩnh vực này, đây là vụ khởi tố hình sự thứ hai đối với pháp nhân thương mại ở Việt Nam (vụ đầu tiên là vào năm 2019, liên quan tới nhãn hiệu “Nhôm Việt Pháp Shal”), kể từ bước “đột phá” của Bộ Luật Hình sự 2015 – quy định về trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại.

Nhìn ra thế giới

Mặc dù vụ khởi tố này đánh dấu một bước tiến không nhỏ trong lĩnh vực quyền SHTT ở Việt Nam và chứng tỏ nỗ lực của các cơ quan chức năng trong việc nâng cao tính răn đe của pháp luật bảo vệ tài sản SHTT, chúng ta cần phải thừa nhận rằng mức độ bảo vệ quyền SHTT của Việt Nam còn rất thấp so với các quốc gia khác trên thế giới, cũng như chưa thực sự phù hợp với thực tiễn phát triển của nước ta. Một số bất cập sau cần được xem xét nhằm nâng cao hiệu quả bảo vệ quyền SHTT.

Thứ nhất, đó chính là vấn đề vai trò của chế tài hình sự trong lĩnh vực SHTT. Ở Việt Nam, các vụ xử lý hình sự còn hiếm trong lĩnh vực SHTT, mà thay vào đó chủ yếu là xử phạt hành chính và dân sự. Trong khi đó, nhận rõ tầm quan trọng của chế tài hình sự trong cuộc chiến chống lại tội xâm phạm quyền SHTT (“intellectual property crime”), các nước phát triển hiện có xu hướng “hình sự hóa” các hành vi xâm phạm SHTT.

Ví dụ, ở Pháp, Đức và một số nước châu Âu khác, chế tài hình sự áp dụng không chỉ cho nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, quyền tác giả, quyền liên quan như ở Việt Nam mà còn cho cả sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, bí mật kinh doanh. Ở Nhật Bản, Mỹ, hay Anh, mức độ bảo vệ cũng tương tự, chỉ không áp dụng trong lĩnh vực bằng sáng chế.

Tại Liên minh châu Âu, nơi hàng nhái, vi phạm quyền SHTT chiếm tới 5% hàng nhập khẩu, Europol phối hợp với Ủy ban quyền SHTT liên minh châu Âu (EUIPO) lập nên Liên minh chống tội vi phạm quyền SHTT, nhằm nâng cao hiệu quả của chế tài hình sự trong lĩnh vực này. Chính vì thế, số lượng vụ khởi tố hình sự tội vi phạm quyền SHTT ở châu Âu là khá cao. Ví dụ, mỗi năm ở Pháp, có khoảng từ hơn 600 đến hơn 700 vụ khởi tố hình sự tội vi phạm quyền SHTT.

Thứ hai, trong luật Việt Nam, yếu tố cấu thành tội vi phạm quyền sở hữu công nghiệp và quyền tác giả bao gồm “quy mô thương mại” và một số yếu tố khác có thể định lượng như “thu lợi bất chính”, “gây thiệt hại cho chủ thể quyền”, “giá trị hàng hóa vi phạm”. Như thế có thể nói, ở Việt Nam chế tài hình sự chỉ được áp dụng cho các vụ việc đặc biệt nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn cho chủ sở hữu quyền SHTT. Hiện nay, Việt Nam và Trung Quốc là hai trong số các quốc gia hiếm hoi có cách tiếp cận này.

Ở phần lớn các nước phát triển, chế tài hình sự có thể được áp dụng trong mọi trường hợp vi phạm quyền SHTT một cách “cố ý”, chứ quy mô phạm tội không là yếu tố quyết định. Xin bổ sung là năm 2007, Mỹ và một số quốc gia châu Âu đã từng kiện Trung Quốc trong khuôn khổ Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) vì Trung Quốc không áp dụng các biện pháp hình sự đối với các vụ vi phạm quyền SHTT nằm dưới ngưỡng cấu thành tội hình sự. Tuy nhiên, WTO không đưa ra kết luận nào với cáo buộc này, trên cơ sở thiếu bằng chứng. Điều này cho thấy cách tiếp cận của Việt Nam và Trung Quốc là rất khác biệt so với phần lớn các nước phát triển khác.

Cuối cùng, xin đề cập tới vấn đề xử lý hình sự tội xâm phạm quyền SHTT trong khuôn khổ Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Hiệp định này được coi là áp dụng một mức độ bảo vệ quyền SHTT đặc biệt cao so với các hiệp định thương mại tự do khác.

Đặc biệt, CPTPP bao gồm cả những cam kết về phạm vi lẫn điều kiện xử lý hình sự tội xâm phạm quyền SHTT, như yêu cầu bắt buộc phải xử lý hình sự đối với một số dạng vi phạm quyền SHTT, kể cả khi không vì lợi ích thương mại/tài chính. Việt Nam vì thế chắc hẳn sẽ phải sửa đổi các quy định của Bộ luật Hình sự để tuân thủ các cam kết trong khuôn khổ của hiệp định này. 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới