Thứ Năm, 8/06/2023, 12:27
30 C
Ho Chi Minh City

Đặt báo in

Thông tin quảng cáo

Thông tin quảng cáo


Xu hướng làm việc từ xa: thực tế khác xa lý thuyết

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Xu hướng làm việc từ xa: thực tế khác xa lý thuyết

Chí Thịnh

(TBKTSG Online) – Sau thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo các quy định về phòng chống dự lây lan của của dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp khi quay trở lại hoạt động bình thường đã băn khoăn việc có nên tiếp tục duy trì hình thức làm việc từ xa hay không. Sự tiện ích và tính hiệu quả của phương thức làm việc này đã được nhiều chuyên gia phân tích, tuy nhiên, cuộc khảo sát mới đây của ACheckin lại ghi nhận 82% doanh nghiệp không có nhân sự làm việc từ xa.

Xu hướng làm việc từ xa: thực tế khác xa lý thuyết
Trong ảnh là nhân sự của một doanh nghiệp đang họp trực tuyến trên giải pháp của VNPT. Ảnh: DNCC

Nhân viên thiếu kinh nghiệm làm việc trực tuyến

Theo cuộc khảo sát vừa công bố của ACheckin (nhà cung cấp giải pháp quản lý nguồn lực doanh nghiệp) vào ngày 5-5, có 82% doanh nghiệp tham gia cho biết họ không có nhân sự làm việc từ xa thường xuyên. Về phía người lao động tại các công ty thì có tới 91% người trả lời rằng họ không thường xuyên làm việc từ xa, trong đó 39% chưa làm việc ngoài văn phòng bao giờ.

Cuộc khảo sát kể trên cũng cho thấy mức độ tập trung công việc và khả năng làm việc nhóm khi phải chuyển qua hình thức làm việc trên môi trường trực tuyến (online) có xu hướng giảm, với con số lần lượt là 61% và 55% nhân sự cho rằng họ bị giảm đi từ ít cho đến rất nhiều mức độ tập trung và khả năng làm việc nhóm (teamwork) khi làm việc ở nhà. Bên cạnh đó, các yếu tố về giao tiếp với đồng nghiệp, cảm giác gắn bó, mức độ tham gia hoạt động chung cũng đều có chiều hướng giảm so với thời gian làm tại văn phòng.

Khi làm việc từ xa, một trong những vấn đề khó nhất là duy trì hoạt động giao tiếp và làm việc cùng nhau, vì thế các doanh nghiệp cần phải đưa văn phòng của mình lên môi trường trực tuyến, với sự hỗ trợ của công nghệ số. Có tới 55% nhân sự tham gia trả lời nói họ thường dùng các công cụ giao tiếp như Microsoft Teams, Zoom, Telegram… và làm việc trực tuyến thông qua các công cụ phổ biến như Google Docs, Office 365…

Theo số liệu của ACheckin, việc duy trì khả năng làm việc nhóm của những người sử dụng nhiều công cụ giao tiếp, làm việc trực tuyến (chiếm 42%)… sẽ tốt hơn nhiều so với nhóm không sử dụng hoặc chỉ sử dụng một trong hai loại công cụ (35%). Điều này phản ánh tác dụng của những công cụ số trong việc đảm bảo hoạt động giao tiếp giữa nhân viên với nhau. Đồng thời, người quản lý cũng có thể theo dõi nhân viên mình tốt hơn qua những công cụ này, có 47% nhóm sử dụng công cụ trả lời họ cảm thấy mức độ giám sát từ cấp trên vẫn như lúc còn ở văn phòng, nhóm còn lại cho rằng chỉ đạt 32%.

Có nên tiếp tục làm việc từ xa hậu Covid-19?

Trả lời câu hỏi “doanh nghiệp có nên duy trì cách làm việc online như trong mùa dịch hay không”, ông Phí Anh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty tư vấn công nghệ thông tin P.A.T cho rằng, doanh nghiệp sẽ quay lại cách thức làm việc tại văn phòng để tăng cường sự tương tác của đội ngũ nhân viên, cán bộ quản lý… Những công việc có thể triển khai qua hình thức online và đạt hiệu quả vẫn có thể tiếp tục duy trì.

Công tác tập huấn các kỹ năng sử dụng phần mềm phục vụ làm việc trực tuyến là rất quan trọng. Ảnh minh họa: TTXVN

Còn ông Phan Sơn, chuyên gia quản lý nhân sự và quản trị thuộc Học viện Quản trị HRD cho biết, nhằm đảm bảo vận hành bộ máy làm việc, khi doanh nghiệp không tổ chức được hoạt động offline phải chuyển qua đào tạo online, tăng cường làm việc nhóm để chia sẻ kinh nghiệm. Thực tế, có doanh nghiệp ngay trong mùa  dịch Covid-19 lại triển khai các khóa đào tạo online nhiều hơn trước để tăng cường kiến thức chuyên môn, kỹ năng… cho nhân viên.

Việc triển khai làm việc online của doanh nghiệp cũng thế, trên thực tế cách làm việc này chỉ hiệu quả khi bình thường nhân viên công ty làm việc tại văn phòng đã đạt yêu cầu. Do đó, các doanh nghiệp đặt mục tiêu làm việc online phải cụ thể hơn, tăng cường giao tiếp với nhau qua nhiều công cụ hỗ trợ, làm việc trực tuyến, phải có sự giám sát chặt chẽ từ bộ phận quản lý…

Mặt khác, theo kết quả khảo sát của ACheckin, có 67% người quản lý cho rằng khối lượng công việc của nhân viên sẽ sụt giảm khi làm từ xa, 71% cũng cho rằng chất lượng công việc sẽ không đảm bảo được. Tuy nhiên, hơn 50% nhân viên cho rằng họ không có thay đổi gì khi làm việc tại nhà; khối lượng và chất lượng công việc vẫn được duy trì tốt. Thậm chí, hơn 16% người tham gia khảo sát cho rằng năng suất của họ còn tăng lên khi làm việc online.

Công ty tuyển dụng nhân sự cấp trung và cấp cao Navigos Search cho biết, trong mùa dịch Covid-19 do thiếu hụt nhân lực (gặp khó khăn trong tuyển dụng), một số doanh nghiệp gặp phải những khó khăn như không duy trì được hiệu suất công việc, mất đơn hàng về tay đối thủ, thiếu sự gắn kết giữa nhân viên…

Về cơ bản, làm việc từ xa không còn là khái niệm mới mẻ trên thế giới, nhưng do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, đây là lần đầu tiên phương thức làm việc này được áp dụng một cách rộng rãi ở nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam. Việc làm quen với cách thức làm việc mới này cũng giúp cho doanh nghiệp định hướng tốt hơn trong quá trình chuyển đổi số, triển khai mô hình kinh doanh mới.

Dù có tới 91% người lao động không có kinh nghiệm làm việc từ xa, nhưng có chưa đến 30% doanh nghiệp tổ chức các chương trình đào tạo về quy trình, công cụ phù hợp khi làm việc từ xa. Theo khảo sát của ACheckin, có 44% nhân sự được đào tạo trả lời họ vẫn duy trì được thời gian làm việc, còn đối với nhóm không được đào tạo làm việc từ xa, có 36% nhân sự cho biết duy trì được thời gian làm việc như khi làm tại văn phòng. Về thời gian nghỉ ngơi thì nhóm có đào tạo có 40% nhân viên vẫn có thể duy trì như lúc làm tại văn phòng, trong khi đó nhóm không được đào tạo chiếm 29% giữ được thời gian nghỉ ngơi như trước.

Mời đọc thêm

Sau dịch, làm việc tại nhà có là xu thế?

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới