Thứ Năm, 28/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Xu hướng thị trường OTC cuối năm 2008

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Xu hướng thị trường OTC cuối năm 2008

Ông Nguyễn Miên Tuấn (trái) và ông Nguyễn Ngọc Tươi (giữa) đang trả lời bạn đọc giao lưu trực tuyến – Ảnh: HỮU THẮNG

(TBKTSG Online) – Trong thời gian gần đây, khi thị trường chứng khoán có những dấu hiệu khởi sắc hơn thì kéo theo đó, thị trường OTC cũng có những tín hiệu tích cực, một số cổ phiếu đã được giao dịch trở lại qua thời gian im ắng kéo dài.

Hiện nay cũng đã có một số công ty chứng khoán mở sàn OTC giúp giao dịch trên thị trường này trở nên sôi động hơn.

Nhưng, liệu điều này có bền vững hay không? Hai chuyên gia là ông Nguyễn Miên Tuấn, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt, và ông Nguyễn Ngọc Tươi, Giám đốc khối khách hàng cá nhân Công ty cổ phần chứng khoán Kim Eng đã trả lời bạn đọc về vấn đề này.

Nguyễn Văn Minh: Tôi thường theo dõi thông tin về trái phiếu. Trong thời gian qua, tôi được các báo, đài cung cấp nhiều thông tin về tính hấp dẫn của trái phiếu Chính phủ, trái phiếu hạ tầng. Nhưng thực tế, kết quả các phiên đấu thầu trái phiếu gần đây đều thất bại (ít nhà đầu tư bỏ thầu…) Xin hỏi các chuyên gia nhận định thế nào về những loại trái phiếu này? Có phải do lãi suất ngân hàng tăng cao cũng làm giảm tính hấp dẫn của trái phiếu?

Ông Nguyễn Ngọc Tươi: Thị trường trái phiếu hiện nay cũng rất hấp dẫn nhà đầu tư, bằng chứng là doanh số của thị trường này cũng giao dịch rất lớn, tuy nhiên trong thời gian gần đây một số cuộc đấu thầu trái phiếu chưa thật sự thành công nguyên nhân chính là do lãi suất tiền gửi của ngân hàng hiện nay còn đang cao, các tổ chức tài chính cũng khó khăn về tiền mặt,…

Để phát triển thị trường này cần phải tạo tính thanh khoản của thị trường, tạo thị trường cho doanh nghiệp: các thông tin về thị trường trái phiếu, giá cả thị trường dang giao dịch… cần phải được cập nhật thường xuyên, có như vậy mới dễ dàng thu hút nhà đầu tư tham gia nhiều hơn.

Thanh Nam: Thưa ông Tuấn, ông đámh giá thế nào về sự hấp dẫn trái phiếu chính phủ? Sự trở lại của các nhà đầu tư trong các đợt phát hành thành công gần đầy có đồng nghĩa với việc trái phiếu đang trở thành một kênh đầu tư tốt không?

Ông Nguyễn Miên Tuấn: Trái phiếu là một lựa chọn đầu tư gần như bắt buộc phải có đối với các nhà đầu tư tổ chức: ngân hàng, các công ty bảo hiểm, các công ty chứng khoán hoặc các quỹ đầu tư cân bằng nhằm đảm bảo một cơ cấu danh mục đầu tư hợp lý. Đối với các nhà đầu tư cá nhân, trái phiếu dường như vẫn chưa là sự lựa chọn hấp dẫn do gửi tiền tiết kiệm ngân hàng là một kênh đầu tư có thể thay thế và dễ dàng hơn so với đầu tư trái phiếu.

Sự thành công của các đợt đấu thầu trái phiếu gần đây cho thấy mức lãi suất trái phiếu trung và dài hạn đã đáp ứng được phần nào lãi suất kỳ vọng của các nhà đầu tư.

Thanh Nam: Theo các ông, nếu so với cổ phiếu niêm yết, cổ phiếu OTC có đủ tính hấp dẫn nhà đầu tư không? Điểm hấp dẫn đó nằm ở đâu?

Ông Nguyễn Ngọc Tươi: Theo tôi cổ phiếu niêm yết hiện đang có ưu thế hơn so với các cổ phiếu OTC là tính thanh khoản, tính hấp dẫn của một loại cổ phiếu còn tùy thuộc nhiều vào tình hình của doanh nghiệp ví dụ như tình hình tài chính, ngành nghề hoạt động, tình hình quản trị doanh nghiệp…

Hiện tại tôi cho rằng điểm hấp dẫn của thị trường OTC là có rất nhiều doanh nghiệp để bạn lựa chọn.

Thanh Nam: Các ông nghĩ sao về rủi ro của trái phiếu? So với cá kênh đầu tư khác, trái phiếu là một công cụ đầu tư được xếp ở vị trí nào? Với tình hình kinh tế Việt Nam hiện nay, nhà đầu tư có nên chọn trái phiếu không?

Ông Nguyễn Miên Tuấn: So với cổ phiếu, trái phiếu (đặc biệt là trái phiếu chính phủ) có mức độ rủi ro thấp hơn và thích hợp cho các nhà đầu tư cần sự an toàn cao. Ở Việt Nam, trái phiếu đã và đang là sự lựa chọn đầu tư của các nhà đầu tư tổ chức.

Tôi cho rằng, với mức lãi suất đang cao như hiện nay, các nhà đầu tư thích sự an toàn và có kỳ vọng lợi nhuận hợp lý cũng có thể đầu tư vào trái phiếu Chính phủ hoặc trái phiếu có đảm bảo của các doanh nghiệp lớn với mức lãi suất đáo hạn cao hơn so với lãi suất ngân hàng.

Mai Phuong: Thị trường niêm yết đang có dấu hiệu đảo chiều giảm trở lại, chắc chắn thị trường OTC sẽ bị ảnh hưởng. Vậy theo ông sắp tới thị trường sẽ phát triển như thế nào, có tốt hơn không?

Ông Nguyễn Miên Tuấn: Từ đầu tháng 09 đến nay, giá cổ phiếu trên thị trường niêm yết đang xu hướng giảm, và giá các cổ phiếu trên thị trường OTC cũng giảm theo. Tôi cho rằng xu hướng của thị trường trong thời gian sắp tới phụ thuộc vào các yếu tố sau:

– Sự ổn định kinh tế vĩ mô: Trong vài tháng trở lại đây, tình hình kinh tế vĩ mô của Việt Nam đã có những dấu hiệu tốt hơn, tốc độ tăng CPI đã chậm lại, thâm hụt thương mại giảm, xuất khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài tăng mạnh. Tuy vậy, sự ổn định trên cần tiếp tục được duy trì trong thời gian tới thì mới tạo niềm tin chắc chắn hơn cho giới đầu tư chứng khoán. Thêm vào đó, các chính sách thắt chặt tiền tệ, bước đầu đã phát huy tính hiệu quả trong việc kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô nhưng kèm theo đó là sự sụt giảm đầu tư, có thể ảnh hưởng đến mức tăng trưởng của nền kinh tế.

– Sự ổn định và hiệu quả của hệ thống ngân hàng thương mại: Đến thời điểm này, có vẻ như hoạt động của hệ thống ngân hàng thương mại vẫn ổn định và Ngân hàng Nhà nước vẫn đang kiểm soát tốt tình hình. Tuy nhiên, một số khó khăn về huy động vốn, cho vay, nợ xấu và hiệu quả hoạt động đã dần xuất hiện. Điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến giá cổ phiếu ngành ngân hàng và ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán.

– Kết quả hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết trong 2 quý cuối năm: Nhiều nhà đầu tư đang lo ngại, kết quả hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết trong 2 quý cuối năm sẽ không tốt như 2 quý đầu năm. Những lo ngại này đã phản ánh vào giá cổ phiếu trên thị trường.

Rõ ràng là, nền kinh tế và thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Có thể nói, trong ngắn hạn, diễn biến của thị trường là rất khó dự đoán. Nhưng về lâu dài, tôi tin tưởng rằng, nền kinh tế VIệt Nam sẽ tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao và điều đó sẽ là nền tảng vững chắc giúp thị trường chứng khoán phát triển.

Hoàng Anh: Tôi được biết Rồng Việt được quản lý số cổ đông cho Eximbank. Xin cho biết như vậy sẽ có lợi gì cho nhà đầu tư? Hiện nay Rồng Việt có cho nhà đầu tư vay tiền để mua chứng khoán OTC không?

Ông Nguyễn Miên Tuấn: Eximbank là cổ đông sáng lập, cổ đông chiến lược lớn nhất và quan trọng nhất của Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC). Trên cơ sở mối quan hệ hợp tác chiến lược giữa 2 bên, Eximbank đã ủy quyền cho VDSC quản lý sổ cổ đông từ giữa năm 2007. Với việc chuyên nghiệp hóa trong hoạt động quản lý cổ đông, kết hợp với triển khai hoạt động môi giới, nhà đầu tư sẽ thuận lợi hơn khi thực hiện giao dịch cổ phiếu Eximbank.

Trong tuần này, với sự ủy quyền toàn phần của Eximbank, VDSC đã rút ngắn thời gian chuyển nhượng cổ phiếu Eximbank từ 1 tuần xuống chỉ còn 1 ngày (T+1), tạo điều kiện để tăng tính thanh khoản của cổ phiếu Eximbank. Chúng tôi đang tiếp tục cải tiến quy trình để có thể rút ngắn thời gian giao dịch cổ phiếu Eximbank xuống còn T+0 và các dịch vụ khác tạo sự thuân lợi và an toàn hơn cho nhà đầu tư.

Trong kế hoạch hợp tác toàn diện giữa Eximbank và VDSC, Eximbank đã hỗ trợ tài chính cho các khách hàng của VDSC thông qua hoạt động cho vay cầm cố chứng khoán niêm yết. Sắp tới, Eximbank và VDSC sẽ kết hợp để hỗ trợ tài chính cho khách hàng VDSC vay tiền đầu tư chứng khoán chưa niêm yết.

Hai Duong: Theo ông Tuấn, giao dịch cổ phiếu trên thị trường OTC có những rủi ro gì cho nhà đầu tư. Các công ty chứng khoán lẫn nhà chức trách có biện pháp gì để bảo vệ nhà đầu tư khỏi những rủi ro không lường trước đó không?

Ông Nguyễn Miên Tuấn: Theo ý kiến của tôi, giao dịch cổ phiếu trên thị trường OTC có một số rủi ro sau: nhà đầu tư khó tiếp cận đầy đủ các thông tin về tổ chức phát hành, do vậy khó khăn để đánh giá đầy đủ về cổ phiếu. Mặt khác cơ chế giao dịch của thị trường OTC có thể dẫn đến việc khó tìm kiếm người mua, người bán, không theo dõi được giá thị trường cổ phiếu và những rủi ro khi thực hiện giao dịch không thành công.

Để hạn chế những rủi ro có thể xảy ra khi giao dịch trên thị trường OTC, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đang chuẩn bị đưa thị trường giao dịch chứng khoán của các công ty đại chúng chưa niêm yết đi vào hoạt động. Bản thân các công ty chứng khoán, bên cạnh hoạt động quản lý cổ đông, cũng đang tích cực đẩy mạnh hoạt động môi giới chứng khoán OTC, kể cả việc tổ chức sàn giao dịch hoặc hệ thống giao dịch cổ phiếu OTC. Về phía nhà đầu tư, để hạn chế rủi ro, nhà đầu tư nên thực hiện giao dịch cổ phiếu OTC thông qua hoạt động môi giới của các công ty chứng khoán.

Thanh Nam: Nên hay không việc giao dịch cổ phiếu OTC tập trung tại sàn Hà Nội, những thuận lợi và khó khăn?

Ông Nguyễn Ngọc Tươi: Tôi cho rằng việc giao dịch tập trung cổ phiếu OTC tại sàn Hà Nội là điều cần thiết, điều này sẽ tạo tính minh bạch cho thị trường. Nhà đầu tư có thể tìm hiểu các thông tin liên quan đến doanh nghiệp, giá cả thị trường, phí giao dịch, đảm bảo chắc chắn trong vấn đề thanh toán…

Trương Vĩnh Nam: Liệu sàn giao dịch OTC sắp đi vào hoạt động có làm tăng giao dịch chứng khoán OTC hay không?

Ông Nguyễn Miên Tuấn: Sàn OTC thực chất là thị trường giao dịch chứng khoán của các công ty đại chúng chưa niêm yết. Theo dự kiến, sàn OTC sẽ đi vào hoạt động vào cuối năm 2008.

Theo tôi, cũng như thị trường chứng khoán chính thức, thị trường giao dịch chứng khoán của các công ty đại chúng chưa niêm yết cũng cần một thời gian để thu hút sự quan tâm và tham gia đông đảo của các tổ chức và cá nhân tham gia thị trường. Tuy nhiên, đây là một bước đi tích cực nhằm hoàn thiện cấu trúc của thị trường chứng khoán Việt Nam và tạo một bước ngoặc mới cho sự phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam.

Trương Vĩnh Nam: Có ý kiến cho rằng các công ty chứng khoán hoạt động không hiệu quả khi chỉ quan tâm đến giao dịch trên sàn mà không quan tâm đến cổ phiếu OTC, ông nghĩ sao về điều này? Nhiều công ty chứng khoán nhưng có không ít công ty chứng khoán thành lập trước khi Luật Chứng khoán ra đời, không đảm bảo đủ vốn pháp định nhưng vẫn kinh doanh đủ các nghiệp vụ chứng khoán? Có biện pháp gì để hạn chế sự bất công bằng với các công ty chứng khoán có đủ vốn pháp định?

Ông Nguyễn Miên Tuấn: Thực tế cho thấy, tập trung vào nghiệp vụ môi giới trên thị trường chứng khoán là hoạt động chủ yếu của các công ty chứng khoán do thị trường chính thức là thị trường có tổ chức, có các quy định đầy đủ, rõ ràng, đảm bảo tính công khai, minh bạch…

Trong khi đó, thị trường giao dịch chứng khoán chưa niêm yết chưa có khung pháp lý điều chỉnh hoạt động nên dễ dẫn đến những rủi ro trong hoạt động. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, các công ty chứng khoán cũng đã tập trung hơn đến hoạt động môi giới chứng khoán chưa niêm yết, đặc biệt đối với các chứng khoán do các công ty chứng khoán quản lý cổ đông.

Tôi cho rằng, với sự quan tâm của Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, các cơ quan điều hành thị trường và các công ty chứng khoán, hoạt động giao dịch chứng khoán chưa niêm yết sẽ sôi động hơn trong thời gian tới.Về việc các công ty chứng khoán chưa đủ vốn pháp định, luật chứng khoán đã có quy định lộ trình đến cuối năm 2008 để các công ty chứng khoán tăng vốn, nhằm đáp ứng đủ mức vốn pháp định đối với từng nghiệp vụ kinh doanh theo quy định tại Luật chứng khoán và các văn bản dưới Luật.

Le Duy: Tôi xin hỏi, đã có nhiều nhận định cho rằng thị trường OTC đang ấm dần lên, nhưng thực tế cho thấy vẫn rất nhiều cổ phiếu chưa có tính thanh khoản, nhà đầu tư đã mua vào rồi giờ lại không thể bán ra. Vậy có cách nào giải quyết tình trạng này không?

Ông Nguyễn Ngọc Tươi: Tôi cho rằng cách giải quyết tình trạng mất thanh khoản này là phải sớm thành lập sàn OTC và tốt nhất là việc giao dịch phải thông qua các công ty chứng khoán nhằm đảm bảo cho việc chào mua, chào bán được rộng rãi và mang tính an tòan cao.

Trương Vĩnh Nam: Các công ty chứng khoán làm gì để thị trường chứng khoán OTC giao dịch sôi động trở lại? Ông nghĩ gì khi những cổ phiếu OTC có nhiều chỉ số kinh tế tốt hơn so với cổ phiếu niêm yết nhưng hầu như không giao dịch?

Ông Nguyễn Miên Tuấn: Xin cảm ơn câu hỏi của bạn. Trong thời gian gần đây, các công ty chứng khoán đã có sự quan tâm hơn đến hoạt động giao dịch các chứng khoán chưa niêm yết thông qua việc tổ chức các nhóm môi giới OTC, liên kết với nhau để thực hiện các giao dịch đối với cổ phiếu OTC, cung cấp các dịch vụ quản lý cổ đông, tăng cường việc báo giá các cổ phiếu OTC. Đặc biệt, thông qua việc cải tiến phương thức quản lý sổ cổ đông, rút ngắn thời gian giao dịch, cổ phiếu của một số ngân hàng như Eximbank, Quân đội… đã tăng tính thanh khoản đáng kể, góp phần làm cho hoạt động giao dịch của các cổ phiếu này trở nên sôi động hơn.

Việc một số loại cổ phiếu chưa niêm yết có chỉ số tài chính tốt hơn các cổ phiếu niêm yết nhưng hầu như không giao dịch là do nhiều nguyên nhân: trong đó quan trọng nhất là thiếu một thị trường công khai, minh bạch cho các cổ phiếu này.

Theo tôi, để tăng tính thanh khoản cho cổ phiếu chưa niêm yết thì điều cần thiết là phải công khai, minh bạch thông tin về công ty, phải tạo được thị trường để người mua và người bán có thể gặp nhau giao dịch dễ dàng.

Muốn vậy, các tổ chức phát hành có cổ phiếu chưa niêm yết nên thông qua dịch vụ quản lý cổ đông của các công ty chứng khoán, hướng đến việc tham gia thị trường giao dịch các công ty đại chúng chưa niêm yết do Trung tâm Giao dịch chứng khoán Hà Nội tổ chức. Đối với nhà đầu tư, nên tìm hiểu và thực hiện giao dịch mua bán cổ phiếu chưa niêm yết thông qua các công ty chứng khoán để đảm bảo thông tin được đầy đủ, minh bạch và đảm bảo an toàn trong giao dịch.

Trương Vĩnh Nam: Theo tôi, nhiều cán bộ môi giới chứng khoán OTC có năng lực hạn chế, không am hiểu sâu về công ty mà mình định môi giới nên không thuyết phục được các nhà đầu tư, theo ông có đúng không? Điều này có hạn chế giao dịch OTC không?

Ông Nguyễn Ngọc Tươi: Thực sự tình trạng trên cũng có thể xảy ra, tuy nhiên tôi không cho rằng đây là nguyên nhân chính. Vấn đề lớn nhất hiện nay là các công ty OTC chưa thực sự công bố thông tin một cách rộng rãi và minh bạch. Vì vậy các môi giới cũng như các nhà đầu tư rất khó có điều kiện tìm hiểu rõ về công ty mình muốn đầu tư, và tất nhiên điều này cũng góp phần hạn chế giao dịch OTC.

Buổi giao lưu kết thúc lúc 17 giờ. Tòa soạn xin chân thành cảm ơn bạn đọc và hai chuyên gia là ông Nguyễn Miên Tuấn, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt, và ông Nguyễn Ngọc Tươi, Giám đốc khối khách hàng cá nhân Công ty cổ phần chứng khoán Kim Eng đã tham gia giao lưu trực tuyến.

Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới