Thứ Bảy, 21/06/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Xu hướng tiền gửi bằng ngoại tệ tăng mạnh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Xu hướng tiền gửi bằng ngoại tệ tăng mạnh

Tiền gửi đô la Mỹ tại các ngân hàng tăng mạnh trong năm 2008. Ảnh: Lê Toàn.

(TBKTSG Online) - Mặc dù kinh tế khó khăn khiến cả hoạt động huy động và cho vay của các ngân hàng đều tăng chậm lại trong năm 2008, nhưng so sánh giữa nội tệ và ngoại tệ thì tốc độ tăng trưởng huy động lẫn cho vay bằng ngoại tệ, chủ yếu là đô la Mỹ, của các ngân hàng tại TPHCM lại tăng mạnh.  

Theo số liệu tổng kết của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TPHCM, tính đến cuối năm 2008, tổng huy động vốn của các ngân hàng trên địa bàn ước đạt 561.500 tỉ đồng, chỉ tăng 15,3% so với cuối năm 2007, trong khi tỷ lệ này năm 2007 là 70,6%, năm 2006 là 51,2%. Tuy nhiên, huy động vốn bằng đồng Việt Nam trong năm 2008 chỉ tăng 8,9% trong khi số tiền ngoại tệ gửi vào các ngân hàng trên địa bàn tăng đến 34,5%.  

Ông Hồ Hữu Hạnh, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM, trong buổi tổng kết hoạt động ngành ngân hàng TPHCM, cho biết mặc dù tỷ trọng tiền gửi bằng đồng Việt Nam và ngoại tệ vẫn duy trì ở mức 70 - 72% cho đồng Việt Nam và 28 - 30% cho ngoại tệ, nhưng một số tháng trong năm 2008 đã xuất hiện xu hướng dịch chuyển tiền gửi từ tiền đồng sang ngoại tệ. Diễn biến này chủ yếu do tâm lý người dân trước những biến động của thị trường tiền tệ.  

Tuy nhiên trong hai tháng cuối 2008, tiền gửi ngoại tệ đã ít biến động hơn, tăng chậm lại do tâm lý người dân đã ổn định hơn.  

Không chỉ huy động ngoại tệ tăng mạnh trong năm 2008, hoạt động cho vay bằng ngoại tệ cũng có mức tăng trưởng cao. Tăng trưởng dư nợ bằng ngoại tệ, chủ yếu là đô la Mỹ, của các ngân hàng tại TPHCM năm 2008 là 24,5% trong khi tăng trưởng dư nợ bằng đồng Việt Nam là 19% so với cuối 2007. Tổng dư nợ tín dụng của các ngân hàng trên địa bàn là 490.000 tỉ đồng, tăng 20,6%.  

Theo giải thích của ông Hạnh, tín dụng ngoại tệ tăng trưởng mạnh là do ba nguyên nhân. Thứ nhất là do nhu cầu nhập khẩu tăng mạnh trong năm nên nhu cầu vay ngoại tệ để nhập khẩu cũng tăng theo. Thứ hai, lãi suất vay ngoại tệ thấp hơn nhiều so với vay tiền đồng. Thứ ba, tăng trưởng dư nợ bằng ngoại tệ tăng cao chủ yếu là do dư nợ bằng ngoại tệ của khối ngân hàng nước ngoài tăng mạnh, chỉ 11 tháng đầu năm đã tăng trưởng 52,9% so với cuối 2007. Tổng dư nợ bằng ngoại tệ của khối này vào cuối năm 2008 là 74.345 tỉ đồng, chiếm hơn một nửa tổng dư nợ bằng ngoại tệ của các ngân hàng trên địa bàn.  

Việc lãi suất cơ bản bằng tiền đồng giảm đã kéo lãi suất huy động tiền đồng giảm mạnh, trong khi lãi suất huy động đô la Mỹ có giảm nhưng không giảm mạnh bằng, khiến lãi suất của hai loại tiền không còn chênh lệch nhau nhiều. Điều này, cộng thêm việc tỷ giá biến động mạnh thời gian gần đây đã khiến nhu cầu cất giữ bằng đô la Mỹ của người dân tăng lên. Vì vậy, Phó thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình trong buổi tổng kết cho rằng quản lý cán cân thanh toán sẽ là nhiệm vụ quan trọng trong năm 2009.  

Giá mua và bán đô la Mỹ ở ngân hàng bằng nhau

Trong tuần trước, tình hình nguồn cung đô la Mỹ lại trở nên căng thẳng tại các ngân hàng. Phó tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần cho biết nguồn đô la Mỹ huy động thì dồi dào nhưng nguồn ngoại tệ này để bán cho khách hàng lại không có, vì khách hàng muốn đem đô la Mỹ ra thị trường tự do bán với giá cao hơn giá ngân hàng niêm yết. Nhiều khách hàng đến ngân hàng từ chối nhận kiều hối bằng tiền đồng như lúc trước mà chỉ muốn nhận đô la Mỹ.  

Do đó, vài ngày gần đây, các ngân hàng đã niêm yết cả giá mua và giá bán đô la Mỹ ở mức bằng nhau, cùng là mức cao nhất cho phép bởi NHNN. Ngày 19-1, giá mua và bán đô la Mỹ tại các ngân hàng là 17.480 đồng, mức cao hơn là gần 3% so với tỷ giá bình quân liên ngân hàng 16.971 đồng. Giá mua và bán đô la Mỹ ngoài thị trường chợ đen sáng cùng ngày xoay quanh mức 17.600 - 17.700 đồng.  

THỦY TRIỀU

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới