Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Xử lý chất thải: thách thức trong mô hình kinh tế tuần hoàn

Dũng Nguyễn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Chất thải là thách thức lớn của xã hội ngày nay, nhưng thách thức này có thể được giải quyết bằng những hành động của doanh nghiệp, từ đó tạo vòng tuần hoàn khép kín chu trình sản xuất trong tham vọng đưa mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050.

Đây là một trong nhiều ý kiến được các diễn giả tham gia chia sẻ tại Hội nghị “Nền kinh tế tuần hoàn: hướng tới thực hiện Cam kết phát thải ròng bằng 0”, do INSEE Ecocycle, đơn vị cung cấp dịch vụ quản lý chất thải của tập đoàn INSEE (Thái Lan) tổ chức.

Đại diện Insee Ecocycle chia sẻ về trường hợp phối hợp xử lý rác thải đô thị tại Sri Lanka. Ảnh: V.D

Theo đại diện của Insee Ecocycle tại Sri Lanka, khủng hoảng rác thải trên toàn cầu là câu chuyện có thể thấy trước nếu không có phương án xử lý phù hợp.

Thống kê cho thấy có khoảng 2,12 tỉ tấn chất thải chôn lấp trên toàn cầu mỗi năm, trong đó có khoảng 281,5 tấn chất thải nguy hại toàn cầu tính riêng trong năm 2022 này.

Còn nếu xét riêng về rác thải nhựa, các nỗ lực tái chế không đủ để giải quyết vấn đề rác thải nhựa.

Trong bối cảnh đó, các diễn giả cho rằng thị trường cần sự thay đổi nhanh chóng, giải pháp đòi hỏi sáng tạo, và có sự đồng lòng của nhiều bên tham gia, trong mục tiêu xây dựng các chương trình xử lý chất thải, từ đó khép kín vòng sản xuất.

Câu chuyện tại Sri Lanka được chia sẻ. Theo đó, sáng kiến là kết hợp với các Công ty ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) để cùng thực hiện. Sau đó Insee Ecocycle thực hiện phân tích thị trường, thu gom rác thải phát ra từ hộ gia đình, sau đó đưa ra chương trình tái chế, khôi phục.

Trung tâm phục hồi tài nguyên có công suất 100 tấn/tháng sau đó được hình thành, tất cả rác thải đều có công nghệ để phân loại, đi qua các công đoạn tiền xử lý, giảm kích thước, cắt nhỏ,…

Nếu sản phẩm FMCG có thể tái sử dụng được thì sẽ được tái chế và phục hồi, còn nếu không thể tái chế thì được nung lên để làm nguyên vật liệu khác. Những chất thải nào không xử lý được thì sẽ chôn lấp.

Kết quả của chương trình là Insee Ecocycle Sri Lanka đã khôi phục được tài nguyên đáng kể, với 18.394 tấn năng lượng từ nhựa phục hồi trong thu thập từ rác thải đô thị, tái chế 897 tấn nhựa tái chế và 211 tấn đồ tái chế khác.

Đại diện Insee Ecocycle cho biết tổng giá trị đầu tư đến nay là 12 triệu đô la Mỹ. Ảnh: V.D

Tại Việt Nam, vấn đề xử lý chất thải tại Việt Nam đang dần  trở thành tâm điểm chú ý, đặc biệt là khi các quy định xử phạt phân loại chất thải tại nguồn của các hộ gia đình có hiệu lực.

Insee Ecocycle Việt Nam, đơn vị cung cấp dịch vụ quản lý chất thải, hiện xử lý cho khoảng 250 doanh nghiệp, nhưng hầu hết là FDI. Từ năm 2007, đơn vị này xử lý hoàn toàn triệt để hơn 1.600.000 tấn chất thải nguy hại và không nguy hại, tương đương với việc giảm thiểu hơn 1.500.000 tấn khí thải nhà kính ra môi trường.

Tại một số công ty, chất thải trong quá trình sản xuất lại trở thành nguyên liệu đầu vào, giúp xây dựng nền kinh tế tuần hoàn. Chẳng hạn như Heineken, đơn vị chiếm khoảng 0,9% GDP của Việt Nam, tái chế chất thải và phụ phẩm; hay nhà máy dược phẩm Sanofi đặt tại khu công nghệ cao TPHCM sử dụng tro trấu, phế phẩm nông nghiệp, để làm chất đốt.

Ngày nay, các doanh nghiệp cũng nỗ lực xây dựng mô hình sản xuất sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên hơn, chẳng hạn khu công nghiệp không chỉ sử dụng năng lượng gió, mặt trời mà còn có thể có nhà máy xử lý nước thải với mục tiêu nước sau xử lý còn sạch hơn nguồn nước bình thường.

Theo các chuyên gia, công nghệ “đồng xử lý” chất thải là câu chuyện mới thú vị, khi các bên cùng kết hợp để “xử lý” các nhà máy sản xuất lâu đời. Chẳng hạn các nhà máy xi măng trước đây không được thiết kế xây dựng theo kiểu đồng xử lý chất thải để lấy lại nhiệt lượng lãng phí, nhưng hiện các công ty xi măng cũng hướng tới câu chuyện này.

Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ các công ty này chủ yếu là doanh nghiệp FDI. Đây cũng là thách thức lớn đối với thị trường Việt Nam.

Phiên thảo luận chung về góc nhìn đa chiều từ các doanh nghiệp hướng đến nền kinh tế tuần hoàn. Ảnh: DNCC.

Theo ông Alain Cany, Chủ tịch tập đoàn Jardine Matheson Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), giới quản lý cũng như các bên có liên quan tại châu Âu đang kêu gọi các doanh nghiệp tại lục địa này cần phải thay đổi ngay từ bây giờ để đẩy nhanh tiến trình trung hòa carbon, bằng các sáng kiến về kinh tế tuần hoàn, thậm chí có thể đi xa hơn những tiêu chuẩn hiện hành.

“Tuy nhiên, hạn chế nguồn lực khiến các công ty không thay đổi một sớm một chiều”, ông Alain Cany chia sẻ.

Đánh giá tương tự, ông Erick Contreras, Tổng Giám đốc BASF Việt Nam, cho rằng thách thức quan trọng là về nguồn vốn, đặc biệt việc xử lý rác thải nhựa cần những nguồn tài chính mạnh mẽ. Tại tập đoàn mẹ BASF có quỹ riêng về câu chuyện này, hiện cũng đang tìm kiếm một số dự án ở Việt Nam để hỗ trợ tài chính.

“Trước khi thực hiện dự án lớn thì chúng ta có thể thử nghiệm ở phạm vi nhỏ, sau đó mở rộng thì tỷ lệ xây dựng kinh tế tuần hoàn sẽ cao hơn”, đại diện BASF Việt Nam khuyến nghị.

Cũng theo các diễn giả tại hội nghị, một thách thức khác đến từ vấn đề chính sách. Cái khó là làm sao để doanh nghiệp nhận được sự hỗ trợ nhiều hơn từ cấp chính quyền địa phương, chứ không chỉ dừng lại ở những cam kết ở cấp độ quốc gia và chính phủ.

“Còn nhiều điều chúng ta có thể làm ngay bây giờ và nếu tất cả chúng ta cùng làm việc, kinh tế tuần hoàn sẽ không còn là một cách tiếp cận lý thuyết ở Việt Nam, mà là một cách tiếp cận đang đóng góp đáng kể vào cam kết phát thải ròng bằng 0”, ông Bruno Fux, Giám đốc Ecocycle và Phát triển Bền vững INSEE Việt Nam, cho biết.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới