Xử lý làm giá, không nên chờ đến khi khởi tố
Thanh Thương
![]() |
Việc thao túng giá chứng khoán sẽ ảnh hưởng lớn đến nhà đầu tư. Ảnh: Lê Toàn. |
(TBKTSG Online) – Theo các chuyên gia chứng khoán, việc xử lý các vụ làm giá chứng khoán như trường hợp ông Lê Văn Dũng, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Dược Viễn Đông thao túng cổ phiếu Dược Hà Tây, là một việc làm cần thiết để răn đe các đối tượng thao túng giá. Tuy vậy, các cơ quan chức năng vẫn cần thực hiện nhiều biện pháp hơn nữa để thị trường chứng khoán minh bạch hơn.
Ông Nguyễn Sơn, Vụ trưởng Vụ phát triển thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, cho biết trong thời gian qua, Ủy ban Chứng khoán đã thực hiện nhiều biện pháp như phạt vi phạm hành chính với mức cao nhất lên đến vài trăm triệu đồng cho hành vi thao túng giá cổ phiếu của một số cá nhân. Và ông Sơn cũng cho rằng, mới đây, Luật Hình sự sửa đổi, bổ sung quy định thao túng giá chứng khoán là một trong những hành vi bị khởi tố hình sự. “Đây là điểm rất quan trọng để ngăn ngừa, răn đe tội phạm trong lĩnh vực chứng khoán bên cạnh hình thức phạt tiền, khắc phục hậu quả”, ông Sơn nói.
Ông Sơn cũng cho biết do không có thẩm quyền điều tra, Ủy ban Chứng khoán sẽ căn cứ vào Luật Hình sự, phối hợp với cơ quan công an để làm rõ các hành vi thao túng giá. Hiện tại, giữa Ủy ban Chứng khoán và Bộ Công an đã có thông tư liên tịch phối hợp điều tra, tuy nhiên, đây cũng chỉ mới là bước đầu.
“Sắp tới, ủy ban sẽ phối hợp xử lý một số vụ trọng điểm, trên cơ sở đó, rút kinh nghiệm, hoàn thiện thông tư trên nhằm nâng cao hiệu quả hợp tác. Ủy ban Chứng khoán cũng sẽ sớm hoàn thiện thông tư hướng dẫn cách tính các khoản thu lời bất chính. Tuy nhiên, Luật Hình sự cũng cần sớm có hướng dẫn thi hành để cơ quan thực thi có thể áp dụng”, ông Sơn cho biết.
Cùng ý kiến này, ông Nguyễn Hồng Nam, Tổng giám đốc Công ty chứng khoán SSI cho rằng việc thị trường bị làm giá đã gây ra tình trạng mất lòng tin của nhà đầu tư. “Việc xử lý mạnh tay sẽ khiến những người đang có những hành vi thao túng giá trên thị trường ngần ngại hơn. Đây cũng là một dấu hiệu cho thấy thị trường chứng khoán đã có được các công cụ chế tài tốt hơn trước”, ông Nam nói.
Trong khi đó, giám đốc một công ty chứng khoán lớn cho rằng thị trường chứng khoán hiện có rất nhiều đối tượng thao túng giá, nhưng việc xử lý như trường hợp ông Dũng là rất ít, trong khi Luật Hình sự đã có hiệu lực từ ngày 1-1-2010. “Điều này chứng tỏ việc xử lý hình sự không phải là biện pháp được áp dụng thường xuyên, nên cũng khó xem đây là lời cảnh báo cho những người thao túng giá. Một khi chế tài xử phạt hành chính còn nhẹ, thì việc thị trường muốn có sự minh bạch trong một sớm một chiều là điều khó có thể thực hiện được” vị này nói.
Ông Huy Nam, chuyên gia chứng khoán cũng cho rằng, việc khởi tố hình sự là một biện pháp nặng, liên quan nhiều đến pháp lý, và cũng chưa thể chứng tỏ những người bị bắt trên là có tội khi cơ quan điều tra vẫn chưa đưa ra kết luận cuối cùng. Vì vậy, nếu xem đây là một “thành công” của việc quản lý thị trường là chưa hợp lý. “Chế tài là một biện pháp quan trọng để những người thao túng giá chùn tay, nhưng thị trường khó đi vào khuôn khổ nếu thiếu sự quản lý của cơ quan nhà nước và sự phát triển đồng bộ của nhiều thành viên trong thị trường”, ông Nam nói.
Theo ông Nam, hiện nay các vụ vi phạm làm giá mà cơ quan chức năng có thể phát hiện là không nhiều. Và khi phát hiện thì cũng đã ảnh hưởng rất trầm trọng tới những người đã đầu tư cổ phiếu đó. Vì vậy, các biện pháp như dò thám điện tử, hay theo dõi tài khoản phải được thực hiện chặt chẽ, có sư phối hợp của các công ty chứng khoán để có thể phát hiện sớm các trường hợp có dấu hiệu thao túng giá và có biện pháp xử lý kịp thời.
“Những quy định pháp lý, cũng nên thật cụ thể, rõ ràng để những thành phần trong thị trường có thể dễ dàng thực hiện. Nhiều quy định về tính minh bạch hiện vẫn chưa cụ thể, dẫn đến việc có người thực hiện, có người không. Thêm vào đó, không thể chỉ nói doanh nghiệp phải minh bạch mà các giao dịch trên thị trường cũng phải được quản lý nghiêm túc, nếu không thì chính doanh nghiệp cũng bị ảnh hưởng khi cổ phiếu của mình bị làm giá”, ông Nam nói thêm.
Diễn biến vụ làm giá của ông Lê Văn Dũng Ngày 26-11, cơ quan điều tra đã quyết định khởi tố và bắt tạm giam ông Lê Văn Dũng, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Dược Viễn Đông cùng với ông Lê Văn Mạnh, em trai ông Dũng do tình nghi các đối tượng này tạo giao dịch ảo trên sàn chứng khoán để thao túng giá cổ phiếu của Công ty Dược Hà Tây (mã cổ phiếu DHT). Cơ quan điều tra cho rằng ông Dũng thông qua em trai và một số người khác mở 11 tài khoản giao dịch chứng khoán, ông Dũng giao cho ông Mạnh 9 tài khoản không thời hạn và cùng một số người sử dụng các tài khoản trên tham gia giao dịch sàn chứng khoán. Theo đó, ông Dũng cùng nhóm người này đặt mua cổ phiếu DHT với mục đích tạo giao dịch ảo trên thị trường. Điều này khiến nhiều nhà đầu tư tưởng thật và tiến hành đầu tư vào loại cổ phiếu này dẫn đến thiệt hại tài chính hàng trăm triệu đồng. Cũng trong thời gian từ đầu năm đến nay, Công ty Dược Hà Tây đã thiệt hại lớn về việc giá cổ phiếu bị thao túng. Theo Ủy ban Chứng khoán, đến ngày 21-6 ông Dũng nắm 18,74% cổ phiếu DHT, cộng với cổ phiếu do Công ty đầu tư y tế Medi (cổ đông của DVD) nắm giữ thì sở hữu DHT của nhóm này là 22,12%. Công ty của ông Dũng còn mua thêm cổ phiếu DHT khiến tổng tỷ lệ nắm giữ của cả nhóm này lên 28,68%. Theo quy định, giao dịch này phải chào mua công khai vì cổ phần nắm giữ của cổ đông vượt quá 25% vốn điều lệ. Việc mua âm thầm của Công ty Dược Viễn Đông đã vi phạm các quy định về chứng khoán. Tiếp đó, Dược Viễn Đông và một số cổ đông tiếp tục mua gom cổ phiếu DHT với số lượng nắm giữ lên đến khoảng 60% vốn điều lệ. Hành vi làm giá của ông Dũng khiến cổ phiếu DHT tăng vọt từ 30.000 đồng lên 100.000 đồng/cổ phiếu. Khi giá tăng cao, tháng 7 đến đầu tháng 8, Dược Viễn Đông chào bán toàn bộ số cổ phiếu DHT và đã bán hết. Kể từ đó, cổ phiếu của Dược Hà Tây liên tục đi xuống, và đến hôm nay, giá cổ phiếu này chỉ còn 42.400 đồng. Công ty Dược Hà Tây phải đăng ký mua cổ phiếu ký quỹ để tránh thiệt hại cho nhà đầu tư, tuy vậy, giá cổ phiếu vẫn tiếp tục giảm. Trước đó, ngày 22-11, Ủy ban Chứng khoán đã có quyết định phạt 50 triệu đồng đối với Công ty Dược Viễn Đông do không thực hiện thủ tục chào mua công khai cổ phiếu DHT. Ngày 27-11, ngay sau khi các vụ bắt giữ nói trên xảy ra, Công ty Dược Viễn Đông đã ra thông báo về việc “thay đổi nhân sự cấp cao”. Theo đó, bà Trần Thanh Hoa được bổ nhiệm làm Chủ tịch HĐQT và ông Đào Xuân Hưởng làm Tổng giám đốc kể từ ngày 25-11. Thông báo còn nói rõ, ông Lê Văn Dũng – nguyên Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Dược Viễn Đông – đã bị bãi nhiệm từ ngày 25-11. Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM cũng đã ra thông báo kể từ ngày 30-11 sẽ đưa cổ phiếu DVD của Công ty Dược Viễn Đông vào diện cảnh báo. Nguyên nhân được Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM giải thích là dựa trên thông báo số 226/ANDT của cơ quan điều tra về việc bắt tạm giam ông Lê Văn Dũng và vấn đề này có thể ảnh hưởng lớn đến hoạt động của công ty. |