Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Xử lý nợ xấu vẫn bằng dự phòng rủi ro là chủ yếu

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Xử lý nợ xấu vẫn bằng dự phòng rủi ro là chủ yếu

Đăng Linh

(TBKTSG) – Xử lý nợ xấu là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của hệ thống ngân hàng trong suốt 10 năm qua. Đặc biệt, với tác động tiêu cực từ dịch Covid-19 kể từ đầu năm 2020 đến nay, vấn đề này đang dần nóng trở lại khi tỷ lệ nợ xấu tại các ngân hàng thương mại có thể tăng nhanh trong thời gian tới.

 

Xử lý nợ xấu vẫn bằng dự phòng rủi ro là chủ yếu
Techcombank xử lý 1.746 tỉ đồng nợ xấu bằng dự phòng, gấp gần 20 lần so với cùng kỳ năm 2019. Ảnh: THÀNH HOA

Nợ xấu là điều khó tránh

Về định nghĩa, hiểu một cách đơn giản, nợ xấu là khoản nợ mà quá thời hạn thanh toán một số ngày nhất định, người đi vay không có khả năng thực hiện ngay nghĩa vụ trả nợ của mình đối với ngân hàng cho vay. Nợ xấu vi phạm đặc trưng cơ bản của tín dụng là tính thời hạn và tính hoàn trả đầy đủ, kế đến là nó gây nên sự mất lòng tin của người cấp tín dụng đối với khách hàng nhận tín dụng.

Tại Việt Nam, việc xác định nợ xấu ngân hàng trước hết phải thông qua việc phân loại nợ. Theo điều 10, Thông tư 02/2013/TT-NHNN, nợ của các ngân hàng được phân thành 5 nhóm: nhóm 1 (Nợ đủ tiêu chuẩn);  nhóm 2 (Nợ cần chú ý); nhóm 3 (Nợ dưới tiêu chuẩn); nhóm 4 (Nợ nghi ngờ); (v) nhóm 5 (Nợ có khả năng mất vốn). Nợ xấu là những khoản nợ được phân loại từ nợ nhóm 3 trở lên. Theo đó, tỷ lệ nợ xấu được tính bằng tổng giá trị nợ xấu trên quy mô tổng dư nợ của ngân hàng.

Tỷ lệ nợ xấu tại Việt Nam có xu hướng tăng từ cuối năm 2007 và trở nên trầm trọng hơn từ cuối năm 2011. Với việc Nghị quyết 42 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD) của Quốc hội và Đề án 1058 phê duyệt đề án “Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020” của Thủ tướng Chính phủ được ban hành và có hiệu lực, tính đến cuối quí 2-2018, nợ xấu của toàn hệ thống TCTD đã được xử lý đáng kể. Về cơ bản, việc xử lý nợ xấu được thực hiện thông qua các biện pháp chủ yếu như: sử dụng dự phòng rủi ro; bán nợ cho Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC); phát mại tài sản bảo đảm; đốc thúc khách hàng trả nợ. Theo thống kê, trong giai đoạn từ năm 2012 đến cuối quí 1-2018, toàn hệ thống đã xử lý được khoảng 753.000 tỉ đồng nợ xấu, trong đó: TCTD tự xử lý (sử dụng dự phòng rủi ro; bán, phát mại tài sản bảo đảm và do khách hàng tự trả) khoảng 455.000 tỉ đồng, chiếm trên 60%; còn lại nợ bán cho VAMC đạt khoảng 282.000 tỉ đồng, chiếm gần 40%.

Chủ yếu xử lý nợ xấu bằng dự phòng

Việc nợ xấu tăng trở lại do những tác động tiêu cực từ dịch Covid-19 đang mang đến những thách thức lớn cho các ngân hàng. Trước mắt, trong ngắn hạn, các ngân hàng vẫn đang tích cực tăng cường trích lập dự phòng rủi ro tín dụng để đối phó với nợ xấu. Tuy vậy, mức độ trích lập dự phòng rủi ro cũng có sự phân hóa giữa các nhóm ngân hàng.

Cụ thể, ở nhóm ngân hàng thương mại cổ phần có vốn nhà nước chi phối, chỉ có Vietcombank tăng chi phí dự phòng so với cùng kỳ năm 2019. Nửa đầu năm 2020, ngân hàng này chưa sử dụng khoản trích lập nào để xử lý nợ xấu, do vậy, tỷ lệ nợ xấu có xu hướng tăng nhẹ. Hay như tại BIDV và VietinBank, dù không tăng chi phí dự phòng so với cùng kỳ năm 2019 nhưng cả hai ngân hàng này đều đang mạnh tay tái cấu trúc và xử lý dần nợ xấu trong bảng cân đối. Nửa đầu năm 2020, BIDV đã xử lý gần 4.500 tỉ đồng nợ xấu, giảm 50% so với cùng kỳ. Trong khi đó, VietinBank bắt đầu tái cấu trúc từ cuối năm 2018, cũng tích cực xử lý 3.787 tỉ đồng nợ xấu trong sáu tháng đầu năm nay, thấp hơn một chút so với con số 4.047 tỉ đồng của cùng kỳ năm 2019.

Ở nhóm ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân, theo Công ty Chứng khoán Đầu tư Việt Nam (IVS), hầu hết các ngân hàng đều tăng chi phí dự phòng so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, Techcombank, SHB và ACB ghi nhận mức tăng chi phí dự phòng đột biến nửa đầu năm (cao hơn 3-4 lần cùng kỳ năm 2019). Liên quan đến xử lý nợ xấu, VPBank và Techcombank là hai ngân hàng có động thái đáng chú ý nhất. VPBank đã sử dụng 6.284 tỉ đồng dự phòng để xử lý nợ xấu, giúp tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng giảm từ 3,42% cuối năm 2019 còn 3,19% tại thời điểm cuối quí 2. Techcombank cũng xử lý 1.746 tỉ đồng nợ xấu bằng dự phòng, gấp gần 20 lần so với cùng kỳ năm 2019.

Cũng theo IVS, thay vì sử dụng tỷ lệ bao phủ nợ xấu chung (dự phòng chung và dự phòng cụ thể) trên nợ xấu để so sánh giữa các ngân hàng, việc so sánh quy mô khoản mục dự phòng cụ thể/nợ xấu (có thể trích lập để xử lý nợ xấu ngay trong kỳ) phản ánh chính xác hơn khả năng xử lý nợ xấu. Trên thực tế, các ngân hàng trong hệ thống còn duy trì tỷ lệ này tương đối thấp, chủ yếu khoảng 20-30%. Vietcombank đứng đầu ngành và bỏ xa các ngân hàng còn lại. Ngay cả khi cộng dồn khoản 8.200 tỉ đồng dư nợ được giữ nguyên nhóm nợ (dư nợ tái cấu trúc theo Thông tư 01, theo dữ liệu ngân hàng công bố), tỷ lệ dự phòng cụ thể/(nợ xấu+nhóm nợ được tái cơ cấu) của ngân hàng vẫn duy trì trên 110%. Xếp sau Vietcombank là MB và TPBank có tỷ lệ dự phòng cụ thể/nợ xấu khoảng 60-70%. Còn với ACB, mức tăng dự phòng của ngân hàng này chủ yếu nằm ở trích lập dự phòng chung trong khi khoản dự phòng cụ thể lại khá thấp so với nợ xấu của ngân hàng (31%).

Như vậy, trong bối cảnh các ngân hàng sử dụng biện pháp chính là dự phòng rủi ro để trích lập và xử lý nợ xấu như hiện nay thì khả năng kết quả kinh doanh của các ngân hàng sẽ bị ảnh hưởng mạnh trong thời gian tới khi nợ xấu tăng lên là điều khó tránh khỏi. Các biện pháp xử lý khác như phát mại tài sản bảo đảm, bán nợ sẽ mất thời gian cũng như vướng nhiều thủ tục hành chính nên việc xử lý thường có độ trễ và có thể sẽ được phản ánh vào khoản mục thu nhập khác ở các kỳ tiếp theo sau khi ngân hàng đã hoàn tất xử lý nợ xấu bằng dự phòng. 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới