Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Xử lý rác thải CNTT: nên làm tốt khâu tái chế

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Xử lý rác thải CNTT: nên làm tốt khâu tái chế

Khách mời đang trả lời bạn đọc giao lưu trực tuyến. Từ phải qua trái, ông Nguyễn Hồng Quang, chuyên viên Nguyễn Quốc Thái và ông Nguyễn Trung Việt – Ảnh: TUẤN LINH

(TBKTSG Online) –  Lượng rác thải công nghệ thông tin (CNTT) ở TPHCM rất lớn, nếu làm tốt khâu tái chế sẽ ít ảnh hưởng đến môi trường và có thêm nguồn nguyên liệu cho sản xuất.

Ông Nguyễn Trung Việt, Trưởng phòng quản lý chất thải rắn, Sở Tài nguyên Môi trường TPHCM và ông Nguyễn Hồng Quang, Phó giám đốc Công ty cổ phần Môi trường Việt Úc, hai khách mời giao lưu trực tuyến về hướng xử lý rác thải công nghệ thông tin đều có ý kiến như trên. 

Buổi giao lưu trực tuyến diễn ra lúc 15 giờ 30 phút ngày 30-9-2008 tại Tòa soạn Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, số 35 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Q.1.

Lê Tú: Theo ông, tại sao đến nay vẫn còn phải nhập khẩu tác thải CNTT? Trong luật CNTT có đề cập đến vấn đề rác thải CNTT không?

Ông Nguyễn Trung Việt: Trong Luật CNTT và Luật bảo vệ môi trường (2005) không cho phép nhập khẩu chất thải nói chung và chất thải điện tử nói riêng.

Nhấn vào đây để biết rác thải công nghệ thông tin đi về đâu?

Tuy nhiên, việc nhập khẩu chất thải điện tử có hai lợi ích sau: thiết bị điện tử đã qua sử dụng đáp ứng được nhu cầu rất đa dạng của người tiêu dùng (từ thu nhập thấp đến thu nhập cao), đồng thời quá trình tái chế kim loại và các vật liệu polyme mang lại lợi ích rất lớn cho các công ty nhập khẩu và tái chế, đặc biệt, trong điều kiện thiếu thốn các nguyên liệu sản xuất như hiện nay. Đây cũng là lý do của việc nhập khẩu chất thải điện tử.

Gia Anh: Ở địa bàn TPHCM, rác thải công nghệ thông tin sẽ tập trung xử lý ở khu vực nào? Còn đối với những kim loại nằm trong các thiết bị máy tính mà khó phân hủy, chúng ta đã có hệ thống nào để xứ lý chúng không?

Ông Nguyễn Hồng Quang: Hiện nay tại TPHCM rác thải điện tử (công nghệ thông tin) được tập trung tại những khu vực do thành phố quy định: xa khu dân cư; tập trung trong khu liên hợp xử lý chất thải của TPHCM. Đối với các loại chất thải trong bảng mạch in của rác thải điện tử không thể tái chế sẽ được đem đốt trong lò đốt chất thải nguy hại có hệ thống xử lý khí thải, nước thải; tro còn lại từ lò đốt sẽ được hóa rắn và lưu giữ tại khu vực lưu giữ chất thải nguy hại.

Nguyễn Thị Thu Thủy: Sau khi thu mua rác thải CNTT, doanh nghiệp sẽ làm gì?

Ông Nguyễn Hồng Quang: Là một đơn vị xử lý chất thải công nghiệp và nguy hại nói chung, cũng như là chất thải điện tử nói riêng. Đơn vị chúng tôi sau khi thu gom chất thải điện tử sẽ tiến hành phân loại tách riêng các thành phần khác nhau của cùng 1 thiết bị điện tử để từ đó chuyển qua các khâu xử lý thích hợp. Như sau khi phân tách thành phần nhựa, sắt bao quanh thiết bị sẽ chuyển qua công tác tái sinh, thành phần cách nhiệt có chứa amiang độc hại sẽ được đưa qua khâu đốt – hóa rắn,…

Thu Thủy: Ở nước ngoài, thường có những tổ chức hay công ty chuyên thu gom rác thải CNTT để về xử lý hoặc tái chế lại. Tôi nghĩ Việt Nam nên khuyến khích hơn nữa những công ty hoạt động trong ngành nghề xử lý chất thải. Không biết ở Việt Nam đã có luật ưu đãi dành cho những doanh nghiệp loại hình này chưa ?

Ông Nguyễn Hồng Quang: Chúng tôi đồng ý với quan điểm của bạn. Hiện nay TPHCM đang khuyến khích việc tái chế các loại chất thải công nghiệp trong đó có chất thải điện tử (CNTT). Sở Tài nguyên Môi trường TPHCM đã có những chương trình tuyên truyền trên báo, đài về việc quản lý các loại chất thải công nghiệp – chất thải nguy hại, ngoài ra TPCHM còn khuyến khích các đơn vị tái chế tham gia vào những khu liên hợp xử lý chất thải.

Nguyễn Thị Mai Hương: Trong một năm, Phòng Quản lý chất thải rắn có mấy đợt kiểm tra, đánh giá diễn biến của rác thải CNTT trên thị trường? Từ nay đến năm 2010, Phòng Quản lý chất thải rắn có những chương trình cụ thể như thế nào để nâng cao chức năng quản lý rải thải CNTT trên địa bàn TPHCM?

Ông Nguyễn Trung Việt: Phòng Quản lý chất thải rắn hiện nay nhân lực còn ít (22 cán bộ quản lý cả chất thải rắn đô thị, chất thải rắn công nghiệp, nghĩa trang, bùn hầm cầu, chất thải y tế, các dự án đầu tư…), thiếu thốn về mặt cơ sở vật chất. Vì vậy, phòng rất khó khăn trong việc quản lý chất thải CNTT.

Tuy nhiên, dự đoán được ảnh hưởng của chất thải CNTT trong tương lai đến môi trường, Phòng Quản lý chất thải rắn đã tư vấn cho Sở Tài nguyên Môi trường, UBND TPHCM xây dựng hệ thống văn bản pháp luật và cơ sở vật chất phục vụ công tác quản lý nhà nước ngày càng chặt chẽ hơn. Hiện nay, việc xác định lượng chất thải CNTT thải ra môi trường được thực hiện chung với chương trình giám sát thành phần chất thải rắn của TPHCM.

Đồng Nguyên: Hoạt động xử lý rác thải điện tử cũng là hoạt động có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao, vậy những doanh nghiệp xử lý rác thải có những giải pháp, công nghệ gì để xử lý các chất trước khi loại thải ra môi trường?

Ông Nguyễn Hồng Quang: Rác thải điện tử có ảnh hưởng đến môi trường nếu không được xử lý đúng cách vì trong thành phần rác điện tử có chứa nhiều kim loại năng và hợp chất dung môi. Tuy nhiên, giải pháp của các doanh nghiệp xử lý thường nghiên về hướng phân loại và tái chế các thành phần có giá trị trong rác thải điện tử trước khi đem tiêu hủy hay xử lý hoàn toàn. 

Ví dụ cụ thể thành phần như, đồng trong các bản mạch, dây đồng trong các motor, chì trong các pin khô…các thành phần này sau khi được phân tách từ rác điện tử sẽ trở thành nguồn nguyên liệu tái chế rất có giá trị. Từ đó giảm chi phí xử lý, giảm khai thác – sử dụng tài nguyên thiên nhiên. Công nghệ phân loại và tái chế rác điện tử đã được thực hiện rất lâu ở các nước phát triển trên thế giới như Ấn Độ, Đức, Trung Quốc,…

Lê Tú: Khi người dân muốn khiếu nại tình trạng ô nhiễm môi trường có thể khiếu nại ở đâu?

Ông Nguyễn Trung Việt: Khi người dân muốn khiếu nại có thể liên hệ Sở Tài nguyên Môi trường TPHCM, số điện thoại (08) 829 3661.

Nguyễn Thị Thu Thủy: Tôi muốn biết lao động làm việc trong lĩnh vực tái chế rác thải công nghệ thông tin ở TPHCM hiện nay là bao nhiêu?

Ông Nguyễn Trung Việt: Cho đến hiện nay, tái sử dụng và tái chế các loại chất thải nói chung và chất thải điện tử nói riêng là lĩnh vực hoạt động kinh tế khá sôi nổi ở TPHCM, thu hút một số lượng lao động đến hơn 18.000 người, chủ yếu là lao động giản đơn (đây là thế mạnh của lĩnh vực tái sử dụng và tái chế). Hiện trạng tại các bãi chôn lấp cho thấy, không hoặc là rất ít chất thải điện tử bị đổ ra bãi chôn lấp, vì vậy có thể thấy rằng hầu hết chất thải điện tử đều được tái sử dụng và tái chế.

Tham quan chợ Nhật Tảo (chợ điện tử lớn nhất của TPHCM), sẽ thấy rõ điều này. Với kinh nghiệm của các nước xung quanh và của Việt Nam, trong điều kiện thiếu nguyên liệu và mức thu nhập chưa cao, chúng tôi tin chắc rằng vấn đề chất thải điện tử sẽ chỉ ảnh hưởng đến môi trường trong 5 đến 10 năm tới. Một trong những ảnh hưởng của chất thải điện tử đến môi trường đó là các kim loại nặng nằm trong các bo mạch điện tử.

Nhằm nâng cao sự hiểu biết của người dân về tác hại của chất thải điện tử, Sở Tài nguyên Môi trường đã có kế hoạch thực hiện chương trình tuyên truyền rộng khắp trên báo, đài và truyền hình, bắt đầu từ tháng 10-2008.

Lê Tú: Tôi có thấy vài nơi tách chế các linh kiện điện tử ngay tại các hộ dân, họ tạo thành từng khu vực làm nghề này. Điều này làm tăng nguy cơ ô nhiễm môi trường ngay trong các khu dân cư. Hiện cơ quan nhà nước quản lý hoạt động này thế nào?

Ông Nguyễn Trung Việt: Đúng là hiện nay nhiều các cơ sở tái sử dụng và tái chế các linh kiện điện tử ngay tại nhà, tuy nhiên, hầu hết các bộ phận của chất thải điện tử đều được tái chế và tái sử dụng nên chất thải đổ vào môi trường rất ít. Hiện nay, các cơ quan quản lý nhà nước đang xây dựng văn bản pháp luật để quản lý vấn đề này, đồng thời, đang đặt vấn đề với các nhà máy, các công ty xây dựng công nghệ thích hợp để tái chế và tái sử dụng.

Nguyễn Thị Hải Minh: Xin ông cho biết hiện nay ở TPHCM có bao nhiêu cơ sở xử lý rác thải công nghệ thông tin? Và rác thải công nghệ thông tin độc hại như thế nào, hướng xử lý trong tương lai khi lượng rác thải công nghệ thông tin ngày càng nhiều?

Ông Nguyễn Hồng Quang: Rác thải công nghệ thông tin hay còn gọi là rác điện – điện tử chúng có chứa thành phần nguy hại sau: kim loại nặng như chì, cadimi, crôm, asen và các dung môi hữu cơ. Những thành phần này có tính chất cháy – nổ, ăn mòn độc hại. 

Hiện nay, tại thành phố Hồ Chí Minh có 3 đơn vị có khả năng xử lý chất thải điện tử (CNTT) gồm Cty cổ phần Môi trường Việt Úc, Môi trường Xanh, Môi trường Đô thị.

Theo xu hướng chung của thế giới, loại hình rác thải này thường được xử lý chủ yếu bằng phương pháp tái chế.

Nguyễn Thị Mai Hương: Ở nước ta, thông thường khi những sự cố xảy ra xong các cơ quan chức năng mới tìm biện pháp khắc phục. Liệu có khả năng rác thải CNTT cũng sẽ tái diễn như những vấn nạn khác như: ô nhiễm môi trường, ngập nước, kẹt xe… đã và đang diễn ra hàng ngày mặc dù đã được dư luận xã hội cảnh báo từ lâu?

Ông Nguyễn Trung Việt: Quản lý môi trường là một trong những lĩnh vực mới của quản lý đô thị, trong đó quản lý chất thải lại là lĩnh vực rất mới trong quản lý môi trường. Vì vậy, các lỗi lầm trong quá khứ chắc chắn sẽ xảy ra. 

Tuy nhiên, với đội ngũ cán bộ đang được đào tạo một cách cơ bản và kinh nghiệm được tích lũy ngày càng nhiều thông qua các hoạt động quản lý, kinh nghiệm của các nước tiên tiến và các nước quanh vùng, các sai lầm trên sẽ được giảm ở mức tối thiểu, môi trường sẽ được bảo vệ ngày càng chặt chẽ hơn.

Ví dụ, quy hoạch tổng thể quản lý chất thải rắn công nghiệp và chất thải nguy hại đang được xây dựng (33 năm nay chưa xây dựng được), trong đó vấn đề quản lý chất thảo điện tử đã được đề cập đến, một số các văn bản pháp luật phục vụ cho việc quản lý chất thải điện tử đang được soạn thảo, Sở Tài nguyên Môi trường đã đặt vấn đề với Sở Khoa học Công nghệ và các công ty xử lý chất thải như Việt Úc, Môi Trường Xanh…, xây dựng các công nghệ để tái sử dụng và tái chế các loại chất thải điện tử.

Hiệp hội tái chế của TPHCM sẽ được thành lập trong thời gian tới, cũng sẽ quan tâm đến vấn đề này. Bãi chôn lấp an toàn (chôn lấp chất thải nguy hại) đã được thành phố cho phép xây dựng với diện tích 10 héc ta và kinh phí lên đến 200 tỉ đồng.

Buổi giao lưu kết thúc lúc 17 giờ. Tòa soạn xin chân thành cảm ơn bạn đọc, ông Nguyễn Trung Việt, Trưởng phòng quản lý chất thải rắn, Sở Tài nguyên Môi trường TPHCM và ông Nguyễn Hồng Quang, Phó giám đốc Công ty cổ phần Môi trường Việt Úc đã tham gia giao lưu trực tuyến.

Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới