Thứ Tư, 17/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Xử lý trái phiếu: cần đồng bộ để tránh rủi ro về mặt đạo đức

Hoàng Minh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Ngày càng có nhiều doanh nghiệp không thu xếp được nguồn tiền kịp thời khi đến hạn trả nợ trái phiếu. Nhiều giải pháp được các doanh nghiệp phát hành đề xuất với trái chủ. Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 65/2022 về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ cũng đưa ra nội dung bổ sung cho các giải pháp này.

Tạp chí Kinh tế Sài Gòn có cuộc trao đổi với một số chuyên gia, luật sư xung quanh các giải pháp xử lý nợ trái phiếu tới hạn hiện nay.

Ông Phan Lê Thành Long, Giám đốc AFA Research & Education: Các giải pháp phải đồng bộ

Hiện có ba giải pháp có tính khả thi được đưa ra để các doanh nghiệp phát hành xử lý khi tới hạn thanh toán nợ: (1) bán tài sản lấy tiền trả nợ, (2) hoán đổi nợ thành cổ phần, (3) đàm phán với chủ nợ hoán đổi nợ lấy tài sản, giãn thời gian trả nợ.

Hai giải pháp sau tiềm ẩn những vấn đề mà các trái chủ cần lưu ý. Với giải pháp số (2) – hoán đổi nợ thành cổ phần, chủ nợ cần xem xét vấn đề định giá cổ phần để hoán đổi nợ và khả năng thanh khoản của cổ phiếu sau hoán đổi. Liệu giá cổ phiếu sau hoán đổi có rơi vào trạng thái rủi ro mất giá lớn hay không?

Với giải pháp số (3) – đổi nợ lấy tài sản, Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 65 cho phép doanh nghiệp đàm phán khi trái phiếu đến hạn, thay vì nhận tiền các chủ nợ nhận các tài sản, cụ thể ở đây là bất động sản. Cần lưu ý tới từ “đàm phán” trong giải pháp này. Như vậy, không có nghĩa các doanh nghiệp quyết định trái chủ sẽ nhận bất động sản mà cần phải đàm phán.

Tuy nhiên, các lô trái phiếu phát hành của các doanh nghiệp bất động sản có hàng trăm, hàng ngàn trái chủ khác nhau sẽ là điều vô cùng khó khăn khi đàm phán để các chủ nợ này nhận bất động sản hoán đổi.

Một điểm nữa, liệu các bất động sản đó có phải thành phẩm hay mới chỉ trên giấy hoặc mới bắt đầu giai đoạn xây dựng. Liệu các nhà đầu tư trái phiếu có thể đánh giá doanh nghiệp nào đủ khả năng tài chính để hoàn thành dự án mà ra quyết định nhận hay không nhận tài sản là bất động sản.

Nếu các giải pháp không được thực hiện đồng bộ sẽ dẫn đến rủi ro về đạo đức. Trên thị trường thời gian qua, nhiều doanh nghiệp không giảm giá bất động sản để bán lấy tiền về trả nợ, thậm chí, họ còn tăng giá. Doanh nghiệp đang chờ đợi những phương án này, nhất là phương án có thể lấy bất động sản đó để trả khoản nợ trái phiếu. Khi giá bất động sản được công bố cao hơn, nếu lấy tài sản này để trả nợ trái phiếu, doanh nghiệp sẽ có lợi hơn, tạo ra rủi ro đạo đức ở trường hợp này. Đây là điều quan trọng cần lưu ý, chúng ta cần nhìn toàn diện các điểm để đánh giá về một vấn đề.

Giải pháp hoán đổi nợ thành tài sản bất động sản chỉ khả thi khi các dự án sạch về mặt pháp lý.

Vì vậy, tôi cho rằng tất cả các giải pháp phải đồng bộ. Nếu không, rất dễ xảy ra tình huống một vài trái chủ đồng ý với phương án hoán đổi, còn lại thì không.

Lúc đó, những trái chủ đã hoán đổi sẽ chịu thiệt hại khi doanh nghiệp không giải quyết triệt để vấn đề tái cấu trúc, dẫn tới sự mất cân đối vốn nghiêm trọng. Từ đó, doanh nghiệp không có năng lực tài chính để hoàn thành tài sản đã nhận hoán đổi, hoặc vẫn lâm vào trạng thái mất khả năng trả nợ. Như vậy, giá cổ phiếu càng đi xuống khiến trái chủ hoán đổi lấy cổ phiếu cũng bị thiệt hại.

Trong bối cảnh hiện nay, rất khó đưa ra các giải pháp trong ngắn hạn để xử lý lượng trái phiếu tới hạn thanh toán của các doanh nghiệp. Mục đích chính của các giải pháp vẫn là để phục hồi niềm tin của nhà đầu tư với thị trường trái phiếu.

Ông Nguyễn Sơn Tùng, Chủ tịch Công ty Luật TNHH Legal United Law: Luật định các giải pháp

Thật ra, các đề xuất về giải pháp trả nợ trái phiếu đến hạn được thảo luận gần đây không mới, chúng đã được một số doanh nghiệp phát hành đề xuất từ đầu năm 2022.

Các giải pháp nêu trên đang trở nên hiện hữu và có thể được nhìn rõ về mặt luật định hơn khi Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 65 bổ sung nội dung “Việc doanh nghiệp phát hành và nhà đầu tư nắm giữ trái phiếu thỏa thuận về việc chuyển đổi khoản thanh toán gốc, lãi trái phiếu đến hạn thành khoản vay hoặc tài sản khác được thực hiện theo quy định của pháp luật dân sự và pháp luật có liên quan”, hay “Doanh nghiệp phát hành được thay đổi kỳ hạn, hoán đổi trái phiếu đã phát hành theo quy định của pháp luật về phát hành trái phiếu; việc kéo dài kỳ hạn của trái phiếu tối đa không quá 02 năm so với kỳ hạn tại phương án phát hành trái phiếu đã công bố cho nhà đầu tư”.

Để tránh các rủi ro về pháp lý cũng như đạo đức, các doanh nghiệp phát hành một khi đưa ra, lựa chọn giải pháp xử lý cần phải tính toán và cân nhắc kỹ lưỡng, phù hợp với khả năng, điều kiện tài chính thực tế của chính doanh nghiệp mình. Giải pháp một khi đã được đề xuất đến các trái chủ cần phải mang tính thực chất, khả thi, nên tránh việc đưa ra các giải pháp chỉ mang tính đối phó nhằm kéo dài thời gian cho việc xử lý nợ, phải làm sao giải pháp đưa ra được đa số các trái chủ chấp thuận và thông qua.

Cũng cần nói thêm, dù doanh nghiệp có đưa giải pháp nhằm xử lý như thế nào về những khoản nợ trái phiếu quá hạn này thì điều kiện cần và đủ ấy là các trái chủ phải đồng ý. Khoản 4, điều 1, Nghị định 65 quy định: “Đối với trái phiếu đã phát hành tại thị trường trong nước, doanh nghiệp chỉ được thay đổi điều kiện, điều khoản của trái phiếu khi đáp ứng các quy định sau: Được cấp có thẩm quyền của doanh nghiệp phát hành thông qua; Được số người sở hữu trái phiếu đại diện từ 65% tổng số trái phiếu cùng loại đang lưu hành trở lên chấp thuận; Thông tin về việc thay đổi điều kiện, điều khoản của trái phiếu phải được doanh nghiệp phát hành công bố thông tin bất thường”.

Các trái chủ, nhất là các trái chủ sở hữu một lượng lớn trái phiếu trong doanh nghiệp nhất định, khi nhận thấy phương án xử lý nợ của đơn vị đó đưa ra có tính khả thi thì cũng không nên vì quyền lợi hay các toan tính về ưu tiên thu hồi nợ riêng của mình mà bác bỏ hay không đồng thuận trong việc tổ chức, biểu quyết tại hội nghị người sở hữu trái phiếu nhằm cùng chia sẻ quyền quyết định và bảo vệ những trái chủ sở hữu lượng trái phiếu đang lưu hành ít hơn.

Ông Nguyễn Quang Thuân, Tổng giám đốc Công ty cổ phần FiinRatings: Tập trung gỡ vướng pháp lý cho các dự án bất động sản

Trong các giải pháp khi doanh nghiệp tới hạn trả nợ, giải pháp giãn/hoãn trả nợ đang được các doanh nghiệp phát hành và trái chủ triển khai rồi. Nhưng thực tế, rủi ro cho trái chủ vẫn nằm ở đó, sau thời hạn giãn nợ tối đa hai năm, nhà đầu tư có thu lại được gốc hay không vẫn bỏ ngỏ. Đây chỉ là biện pháp chuyển hy vọng về tương lai.

Giải pháp hoán đổi nợ thành tài sản bất động sản chỉ khả thi khi các dự án sạch về mặt pháp lý. Tuy nhiên đây vẫn là vấn đề khiến các doanh nghiệp loay hoay. FiinRatings cho rằng giải quyết vấn đề pháp lý cho các dự án của doanh nghiệp bất động sản là giải pháp quan trọng.

Pháp lý dự án rõ ràng khi đó ngân hàng mới phê duyệt vốn để các doanh nghiệp có thể đảo nợ, hay khi hoán đổi nợ sang bất động sản các trái chủ mới có thể yên tâm, chủ đầu tư cũng có cơ hội mở bán các bất động sản. Đây mới là giải pháp cần xem xét hiện nay và là giải pháp dễ làm nhất. Để tháo gỡ các vấn đề về pháp lý cần có sự vào cuộc của các sở ban ngành, Chính phủ.

Ngoài ra, có một giải pháp khác được đưa ra là chuyển đổi nợ thành cổ phần. Tuy nhiên, các chủ nợ cũng cần lưu ý, vào thời điểm khó khăn như hiện nay, cổ phần không có nhiều giá trị, các doanh nghiệp gặp vấn đề, giá cổ phiếu có thể giảm tới 90% từ đỉnh. Đại diện chủ nợ có thể ngồi lại cùng nhau để tập hợp lại chuyển đổi, dù vậy, chúng tôi cho rằng giải pháp này còn rủi ro hơn chuyển nợ thành bất động sản.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới