Thứ Ba, 16/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Xử nghiêm chủ đầu tư làm chậm tiến độ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Xử nghiêm chủ đầu tư làm chậm tiến độ

T.H

(TBKTSG Online) – Bộ Tài chính kiến nghị cần có chế tài nghiêm khắc với các chủ đầu tư, chủ dự án, tổ chức cá nhân cố tình gây khó khăn, cản trở, làm chậm tiến độ giao, thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công. Kiến nghị này được đưa ra tại cuộc họp Thường trực Chính phủ trực tuyến với các địa phương về đẩy mạnh thực hiện, giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2020 ngày 21-8 tại Hà Nội.

Theo Bộ Tài chính, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự tích cực của các bộ, ngành, địa phương, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trong 7 tháng là: 193.040 tỉ đồng, đạt 40,98% và ước đến 31/8 là 221.774,1 tỉ đồng, đạt 47,08% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao đầu năm (471.032,733 tỉ đồng), đã có sự chuyển biến tích cực hơn so với các tháng trước, đặc biệt là ở các địa phương.

Tuy đã có cải thiện nhưng việc giải ngân vốn đầu tư công nhìn chung vẫn chậm. Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã nêu một số nguyên nhân chính vẫn ảnh hưởng đến giải ngân vốn đầu tư công.

Xử nghiêm chủ đầu tư làm chậm tiến độ
Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công được xem là một trong những giải pháp nhằm bù đắp phần thiếu hụt tăng trưởng của nền kinh tế do ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Ảnh minh họa: TTXVN

Trong đó, về cơ chế chính sách, các quy định về quản lý chi phí đầu tư xây dựng, trong đó có một số quy định mới về thẩm quyền thẩm định, phê duyệt dự toán chuẩn bị đầu tư, sử dụng chi phí dự phòng của dự án, ban hành đơn giá… chưa được hướng dẫn cụ thể trong những tháng đầu năm.

Chính sách về giải phóng mặt bằng, tái định cư vẫn còn vướng mắc, dẫn đến tình trạng khiếu kiện của người dân, ảnh hưởng đến công tác giải phóng mặt bằng triển khai dự án.

Ngoài ra các quy định về quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA, vay ưu đãi nước ngoài, có nội dung liên quan đến quy trình điều chỉnh hiệp định vay dẫn đến các bộ, địa phương, chủ dự án còn lúng túng trong quá trình triển khai dự án.

Vốn bố trí lớn nhưng tỷ lệ giải ngân còn thấp

Về tổ chức thực hiện, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục giải ngân kế hoạch năm 2019 được phép kéo dài song song với việc giải ngân kế hoạch vốn 2020, cũng ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020.

Hơn nữa, dịch Covid-19 ảnh hưởng đến việc huy động nhân lực, vật tư, tổ chức thi công, nhiều công trình phải tạm dừng thi công. Một số dự án sử dụng vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài gắn với khâu nhập máy móc, thiết bị, huy động chuyên gia, nhà thầu nước ngoài, tư vấn giám sát, thống nhất với nhà tài trợ (đặc biệt là Ngân hàng Thế giới) đối với từng hoạt động và kế hoạch của dự án… ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ thực hiện, dẫn đến không có khối lượng, hoặc nếu có khối lượng thì cũng chậm được xác nhận làm giải ngân cũng ngưng trệ.

Một số dự án được bố trí kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020 lớn song tỷ lệ giải ngân còn thấp như: Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng Hàng không quốc tế Long Thành mới giải ngân 2.190,299 tỉ đồng/18.195,035 tỷ đồng, đạt 12,7% do vướng mắc trong xác định nguồn gốc đất, áp khung giá đất bồi thường, phê duyệt đơn giá cấu phần có xây dựng; Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, TPHCM đang phải thực hiện các thủ tục điều chỉnh hiệp định vay với nước ngoài… nên chưa có khối lượng giải ngân cũng như chưa đủ cơ sở pháp lý để triển khai, dẫn đến chưa thể lập hồ sơ rút vốn.

Một số dự án khởi công mới nhưng đang trong quá trình thẩm định thiết kế bản vẽ thi công chưa giải ngân; một số dự án vốn kéo dài từ năm 2019 sang năm 2020 hiện đang trong quá trình quyết toán dự án hoàn thành nên chưa giải ngân…

Để khắc phục khó khăn, Bộ Tài chính đã triển khai một số giải pháp để thúc đẩy giải ngân.

Cụ thể, lãnh đạo Bộ Tài chính đã tham gia các đoàn kiểm tra, đôn đốc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 do Lãnh đạo Chính phủ làm trưởng đoàn; đồng thời, đã tổ chức đoàn công tác do Bộ trưởng Bộ Tài chính làm trưởng đoàn làm việc với 4 địa phương gồm các tỉnh: Bắc Kạn, Cao Bằng, Lạng Sơn và Hải Dương.

Qua kết quả làm việc với các địa phương, Bộ Tài chính nhận thấy các bộ, ngành địa phương đã quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2020, coi đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm trong năm 2020, song kết quả giải ngân vốn đầu tư công vẫn còn chậm.

Qua làm việc tại các địa phương, các nguyên nhân đã được Bộ Tài chính tổng hợp báo cáo như: Chậm trễ trong việc giao kế hoạch chi tiết cho các dự án sử dụng nguồn dự phòng chung kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Trung ương  giai đoạn 2016-2020; chủ đầu tư chậm trễ trong việc phê duyệt thiết kế kỹ thuật và dự toán công trình, dự án; chậm trễ trong lựa chọn nhà thầu, ký kết hợp đồng; vướng mắc trong giải phóng mặt bằng; đối với các dự án sử dụng vốn nước ngoài (ODA), nhiều dự án đang phải thực hiện các thủ tục điều chỉnh dự án (điều chỉnh chủ trương đầu tư) và điều chỉnh hiệp định vay với nước ngoài; công tác chuẩn bị dự án không kỹ, phát sinh vướng mắc, phải tiến hành các thủ tục gia hạn thời gian thực hiện dự án… ảnh hưởng tới tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.

Những giải pháp cấp thiết

Bộ Tài chính đã có văn bản gửi địa phương hướng dẫn việc kéo dài thời gian thực hiện và thanh toán kế hoạch vốn đầu tư bổ sung từ nguồn dự phòng, hay tháo gỡ vướng mắc về giải ngân các dự án ODA chuyển từ cơ chế ghi thu ghi chi sang giải ngân theo cơ chế trong nước.

Lãnh đạo Bộ Tài chính cũng đã có văn bản gửi tỉnh Bắc Kạn, Cao Bằng, Lạng Sơn, kiến nghị với các địa phương này một số nội dung nhằm thúc đẩy kết quả giải ngân trong các tháng cuối năm, đồng thời báo cáo kiến nghị ngoài thẩm quyền lên lãnh đạo Chính phủ.

Bộ Tài chính cũng kiến nghị nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công thời gian tới. Trước mắt, cần sớm tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền điều chỉnh hoặc thu hồi kế hoạch vốn năm 2020 đối với các trường hợp chưa đủ điều kiện bố trí vốn hoặc không còn nhu cầu sử dụng vốn (18.902 tỉ đồng), các dự án chậm tiến độ sang các dự án có tiến độ giải ngân tốt và có nhu cầu bổ sung vốn để thực hiện theo đề nghị của các bộ, ngành Trung ương và địa phương, để các cấp có thẩm quyền kịp thời điều chỉnh kế hoạch.

Theo Nghị quyết 84/NQ-CP, đến hết tháng 8-2020, các bộ, ngành, địa phương giải ngân toàn bộ số vốn kéo dài các năm 2018, 2019 sang năm 2020. Tuy nhiên, đến 31-8 ước giải ngân nguồn vốn năm 2019 kéo dài sang 2020 là 39.663,7 tỉ đồng (bằng 40,88% kế hoạch), đồng thời qua nắm bắt tại các đoàn kiểm tra của Lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đều kiến nghị cho phép kéo dài thời hạn giải ngân nguồn vốn này đến hết năm 2020, cần sớm thống nhất thực hiện.

Các chủ đầu tư cần hoàn thành việc thu hồi vốn ứng trước, thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản của các dự án được giao kế hoạch trong năm 2020; hoàn thành thủ tục đầu tư các dự án; thực hiện các thủ tục thanh toán vốn đầu tư cho dự án trong thời hạn 4 ngày kể từ ngày có khối lượng được nghiệm thu theo quy định.

Cần chủ động rà soát, điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2020 và báo cáo cấp có thẩm quyền điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2019 kéo dài sang năm 2020 của các dự án chậm tiến độ sang các dự án khác có tiến độ giải ngân tốt, có nhu cầu bổ sung vốn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, sớm hoàn thành đưa vào sử dụng…

Theo baochinhphu.vn

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới