Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Xuất khẩu cà phê tăng kỷ lục  

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Xuất khẩu cà phê tăng kỷ lục  

Tưới nước cho cà phê. Chính quyền tỉnh Dak Lak khuyến cáo chỉ nên trồng cà phê ở những nơi có thể chủ động được nguồn nước – Ảnh: HỒNG VĂN

(SGTO) – Niên vụ cà phê 2006/2007 đã trở thành niên vụ đạt kỷ lục cao nhất từ trước tới nay khi kim ngạch xuất khẩu xấp xỉ 1,9 tỉ đô la Mỹ. Tuy nhiên, tình trạng nông dân ồ ạt trồng cà phê cũng đang dấy lên mối lo ngại mới.  

Ông Vân Thành Huy, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam (Vicofa), cho biết trong niên vụ cà phê 2006/2007 – bắt đầu từ tháng 10 năm ngoái đến tháng 9 năm nay, cả nước đã xuất khẩu 1,28 triệu tấn cà phê nhân, thu về 1,9 tỉ đô la Mỹ; giúp niên vụ này trở thành niên vụ có sản lượng và kim ngạch xuất khẩu cà phê cao nhất từ trước tới nay của Việt Nam.

Trong 10 tháng đầu năm nay, cả nước đã xuất khẩu được hơn 1 triệu tấn cà phê, đạt kim ngạch 1,6 tỉ đô la Mỹ, tăng 43% về sản lượng và 84% về kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái. Cà phê đã trở thành mặt hàng xuất khẩu có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam, cả về sản lượng lẫn kim ngạch.

“Giá cà phê trên thị trường thế giới hồi phục mạnh và ở mức cao từ niên vụ 2005/2006 là nhân tố kích thích gia tăng sản lượng cà phê, tăng kim ngạch xuất khẩu trong niên vụ vừa qua ”, ông Huy nói.

Hiện tại giá cà phê nhân robusta xuất khẩu tại cảng TPHCM đạt 1.700 đô la Mỹ mỗi tấn, giá cà phê ở thị trường nội địa là 26.000-27.000 đồng/kg, trong khi giá thành sản xuất cà phê dao động 12.000-15.000 đồng/kg.

Giá cà phê tăng cao gần gấp đôi giá thành sản xuất lại một lần nữa kích thích nông dân trồng cà phê, nhất là các tỉnh vùng Tây Nguyên, ồ ạt gia tăng diện tích như đã từng xảy ra cách nay hơn bảy năm.

Ông Phan Mưu Bính, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Daklak, địa phương có diện tích và sản lượng cà phê lớn nhất cả nước, cho biết trong hai năm qua, diện tích cà phê của tỉnh tăng thêm hơn 10.000 héc ta, dù cho ngành nông nghiệp tỉnh này khuyến cáo nông dân không nên trồng thêm cà phê.

Mặc dù chính quyền tỉnh Daklak khống chế tới năm 2010, diện tích cà phê của tỉnh đạt 170.000 héc ta với sản lượng 375.000 tấn cà phê nhân nhưng hiện nay, diện tích cà phê của tỉnh đã vượt con số nói trên, đạt 175.000 héc ta.

Đầu thập niên 2000, do giá cà phê thế giới xuống thấp vì khủng hoảng thừa, nông dân chỉ bán được 5.000-10.000 đồng/kg cà phê nhân nên nhiều nông dân thua lỗ, chặt bỏ cà phê già cỗi, năng suất thấp để chuyển sang trồng cây khác và khoảng 30.000 héc ta cà phê bị chặt bỏ trong vòng 4 năm, từ năm 2000-2004.

“Nay nông dân lại trồng lại cà phê trên chính diện tích mà họ đã từng chặt bỏ, vốn đất xấu, thiếu nguồn nước tưới, không thích hợp cho trồng cà phê”, ông Bính lo lắng. Ngoài Dak Lak, các địa phương có trồng cà phê khác như Gia Lai, Lâm Đồng, Đồng Nai đều có ghi nhận diện tích cà phê tăng trở lại, bất chấp các khuyến cáo của ngành nông nghiệp địa phương.

Trong một số cuộc hội thảo gần đây do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Vicofa tổ chức xung quanh đề tài phát triển cà phê bền vững, nhiều chuyên gia cảnh báo nguy cơ gia tăng diện tích cà phê nhanh chóng của Việt Nam có thể sẽ đẩy giá cà phê xuống thấp, bởi sản lượng cà phê robusta của Việt Nam lớn nhất thế giới, chiếm gần 50% sản lượng robusta toàn cầu.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong nhiều năm qua cũng khuyến cáo chỉ nên giữ diện tích cà phê cả nước ổn định ở mức 500.000 héc ta hiện nay với sản lượng 900.000 tới 1 triệu tấn cà phê nhân thu hoạch mỗi năm, không nên gia tăng diện tích.

HỒNG VĂN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới