Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Xuất khẩu cá tra: vẫn bài toán giá thành

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Xuất khẩu cá tra: vẫn bài toán giá thành

Thái Hằng

Bài toán giá thành đang làm đau đầu nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cá tra. Ảnh TL

(TBKTSG Online) – Xuất khẩu cá tra trong 3 tháng đầu năm nay đã tăng 5% về lượng và 21% về giá trị. Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp, những khó khăn về nguyên liệu và chi phí sản xuất nói chung nếu không sớm được tháo gỡ sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả xuất khẩu cả năm.

Giá thành gần bằng giá bán

Giá xuất khẩu cá tra trung bình tính trên giá trị lô hàng trong tháng 3 tăng so với trung bình tháng 1 và tháng 2, từ 2,55 đô la Mỹ/kg lên 2,62 đô la Mỹ/kg, và tăng so với giá xuất khẩu trung bình 2,14 đô la Mỹ/kg của năm 2010. Đặc biệt, giá xuất đi thị trường Mỹ đến 4 đô la Mỹ/kg, xuất đi châu Âu 3,4 đến 3,5 đô la Mỹ/kg… Dự báo giá xuất khẩu trung bình quí 2 sẽ tiếp tục tăng.

Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp tại hội nghị sơ kết xuất khẩu do Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (Vasep) tổ chức ngày 25-4 tại TPHCM, đây chưa hẳn là tin vui vì mặt dù giá xuất khẩu tăng nhưng giá thành sản xuất cũng đã gần bằng giá bán.

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Ký, Tổng giám đốc công ty Agifish ở An Giang, đứng thứ 4 trong nhóm doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản cao nhất trong 3 tháng đầu năm, nói rằng tình trạng thiếu hụt nguyên liệu đang ảnh hưởng mạnh đến doanh nghiệp, kể cả các doanh nghiệp có tổ chức vùng nuôi, liên kết nuôi. Trong kế hoạch sản xuất năm 2011, công ty này sẽ cần đến 65.000 tấn cá nguyên liệu.

“Vừa qua, khi làm việc với hơn 100 nhà nuôi cá nguyên liệu thì họ cho biết sẽ chỉ cung cấp được tối đa 20.000 tấn cá trên tổng số 60.000 tấn. Đã “xoay” hầu như tất cả các nguồn nhưng trong 9 tháng còn lại của năm tôi vẫn còn thiếu đến 1/3 lượng cá nguyên liệu”, ông cho biết về thực trạng thiếu hụt nguyên liệu hiện nay.

Ông Thái An Lai, Phó chủ tịch Hiệp hội thủy sản Đồng Tháp, cho biết riêng tỉnh Đồng Tháp tính đến hết quí 1 thì diện tích thả nuôi lẫn sản lượng đều sụt giảm, cụ thể diện tích chỉ đạt 861 héc ta, hụt hơn 201 héc ta, và sản lượng thì thấp hơn 10.800 tấn so với cùng kỳ năm 2010.

Theo ông Lai, khó khăn lớn nhất là thiếu vốn sản xuất. Trong năm 2010, nhiều hộ nuôi thua lỗ, không có vốn sản xuất, tiếp cận vốn ngân hàng thương mại càng khó. Bên cạnh đó, từ quí 3-2010 đến nay, nguồn giống cá tra liên tục thiếu hụt. Tâm lý người nuôi cũng ngán ngại đầu tư do chi phí đầu vào ngày càng tăng.

Phân tích hàng loạt chi phí, ông cho biết, tính từ đầu 2011 đến nay, thức ăn thủy sản tăng 5 lần, từ 9.500 đồng lên gần 11.500 đồng và không có dấu hiệu dừng lại. Giá cá giống 2 phân là 2.200 đồng, trong khi hồi giữa năm 2010 giá chỉ từ 1.400 đến 1.600 đồng/con.

“Như vậy mặc dù giá cá tra trên 28.000 đồng/kg nhưng giá thành sản xuất đã vượt trên 25.000 đồng/kg. Đó là trong điều kiện lý tưởng nhất, tức là cá không bị dịch bệnh, cá bột không bị chết…”, ông nói.

Vẫn do quản lý kém

Ông Nguyễn Văn Ký cho rằng việc thiếu hụt nguyên liệu, tương tự như bất cập trong chất lượng con giống, chất lượng thức ăn chăn nuôi và thuốc thú y lâu nay có phần do công tác quản lý, quy hoạch yếu kém, là những vấn đề nằm ngoài khả năng giải quyết của doanh nghiệp.

“Là một trong những doanh nghiệp lớn của tỉnh An Giang, có hơn 18 héc ta ao nuôi tự cung cấp nguyên liệu nhưng tôi gần như chưa từng được cơ quan chức năng đến để tìm hiểu, thống kê về nguyên liệu tại doanh nghiệp. Như thế thì làm gì nói đến công tác quy hoạch, dự báo phân bổ nguyên liệu cho phù hợp, để từ đó chính doanh nghiệp Việt Nam mới có quyền định đoạt giá cả, chứ không phải bị ép giá như hiện nay”, ông bức xúc.

Bên cạnh đó, theo Vasep, mặc dù đã có những quy định về giá sàn trong 3 tháng đầu năm, vẫn xảy ra trường hợp bán dưới giá sàn, hay có lô hàng sản phẩm kém chất lượng, bị lỗi… vẫn “lọt lưới” cơ quan chức năng, để bán tại thị trường nước ngoài, gây ảnh hưởng đến uy tín và mặt bằng giá sản phẩm cá tra Việt Nam nói chung.

Nhiều ý kiến tại hội nghị cũng cho rằng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần nhanh chóng hoàn thiện dự thảo nghị định quản lý sản xuất và tiêu thụ cá tra, được coi như kim chỉ nam của ngành. Dự thảo nói trên sẽ bao trùm hầu hết các vấn đề nổi cộm hiện nay từ quy hoạch, nuôi, chế biến, xuất khẩu, tiêu thụ và các dịch vụ phục vụ sản xuất và tiêu thụ cá tra.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới