Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Xuất khẩu cuối năm: nhiều lo lắng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Xuất khẩu cuối năm: nhiều lo lắng

Thái Hằng

Xuất khẩu cuối năm: nhiều lo lắng
Doanh nghiệp xuất khẩu vẫn rất cần vốn để mua nguyên liệu, nâng cao trang thiết bị, công nghệ. Ảnh: TL

(TBKTSG Online) – Bất chấp những con số đẹp về xuất khẩu trong 9 tháng đầu năm, các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nhiều lĩnh vực xuất khẩu vẫn bày tỏ lo ngại về tình hình cuối năm nay và sang đầu năm sau.

Kim ngạch xuất khẩu trong 9 tháng ước đạt 70 tỉ đô la Mỹ, tăng 35% so với cùng kỳ. Riêng xuất khẩu nhóm hàng nông lâm thủy sản, chiếm 21% với 14,9 tỉ đô la Mỹ, tăng gần 40% so với cùng kỳ, trong đó cà phê tăng 64%, gạo tăng 20%, cao su tăng 60%, hạt tiêu tăng đến 93%. 

Nhưng tại hội nghị giao ban xuất khẩu diễn ra ở TPHCM sáng 11-10, ông Nguyễn Thành Biên, Thứ trưởng Bộ Công Thương, cho biết những dấu hiệu bất ổn từ nền kinh tế toàn cầu đang gia tăng, đặc biệt nguy cơ suy thoái kép tại Mỹ, khủng hoảng nợ công và cắt giảm chi tiêu ngân sách tại EU, sẽ tác động xấu đến xuất khẩu quí 4 và đầu quí 1-2012.

Đại diện các hiệp hội doanh nghiệp tại hội nghị cũng cho rằng, cần phải có những giải pháp thực tế hơn để hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Theo ông Trần Quốc Mạnh, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM (Hawa), quí 4 và đầu quí 1 là mùa làm ăn của doanh nghiệp ngành gỗ, nhưng xu hướng cho thấy khó khăn đang bắt đầu. Trong tháng 9, kim ngạch xuất khẩu của ngành này đã giảm 7% so với tháng trước. Nguyên nhân chính là chi phí đầu vào tăng nhanh hơn so với giá bán thành phẩm.

“Điều này chứng tỏ kinh tế khó khăn đang bắt đầu ngấm vào các doanh nghiệp. Tình trạng doanh nghiệp nhỏ sang nhượng nhà xưởng, từ chối đơn hàng tăng nhiều so với tháng trước”, ông nói. Cũng theo ông Mạnh, khó khăn nhất là hàng loạt chi phí đầu vào tăng, trong khi đơn đặt hàng của ngành gỗ thì chững lại.

Còn theo ông Đặng Hoàng Giang, Tổng thư ký Hiệp hội điều Việt Nam (Vinacas), chính sách thắt chặt tín dụng đã ảnh hưởng lớn đến các doanh nghiệp xuất khẩu điều, mà đa phần là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. “Trong bối cảnh tín dụng thắt chặt, chỉ cần thị trường không thuận lợi là các doanh nghiệp nhỏ sẽ lập tức chịu tổn thương”, ông nói.

Theo ông Giang, theo chu kỳ tăng giảm giá như các năm trước, giá điều thường tăng từ quí 3, thời điểm chuẩn bị cho nhu cầu thị trường mùa Noel, năm mới, nhưng năm nay bất chợt giá điều nhân xuất khẩu lại đạt đỉnh ngay trong quí 2. Nhiều doanh nghiệp phán đoán sai, nên trong quí 3 đã phải bán tháo, thậm chí bán thấp hơn giá mua vào để trả nợ ngân hàng đã đến hạn.

Ngày 12-10, các doanh nghiệp ngành điều cùng một số ngành đặc biệt khó khăn khác có buổi làm việc với Bộ Công Thương và Ngân hàng Nhà nước để tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn về vốn.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới