Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Xuất khẩu dệt may vào các thị trường chủ lực đều tăng hơn 20% trong 8 tháng

Lê Hoàng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Xuất khẩu dệt may lần đầu tiên Việt Nam ghi nhận trong một tháng đạt kim ngạch cao 4 tỉ đô la Mỹ vào tháng 8 vừa qua. Đáng chú ý, các thị trường xuất khẩu chủ lực về dệt may của Việt Nam đều tăng hơn 20% trong 8 tháng đầu năm nay.

Điều này lý giải phần nào hàng loạt nhà cung cấp máy móc thiết bị và nguyên phụ liệu lớn thế giới trong ngành dệt may đến tìm cơ hội ở thị trường Việt Nam tại Triển lãm chuyên ngành này được mở cửa tại TPHCM từ ngày 21-9.

Nhiều tập đoàn lớn trên thế giới mang máy móc và công nghệ dệt may giới thiệu tại VTG 2022 diễn ra SECC. Ảnh: Lê Hoàng

Tăng hơn 20% ở các thị trường xuất khẩu lớn

Theo số liệu cập nhật của Tổng cục Hải quan, giá trị xuất khẩu mặt hàng dệt may Việt Nam trong tháng 8 vừa qua lần đầu tiên đạt mốc 4 tỉ đô la Mỹ sau khi đạt mức trên 3 tỉ đô la mỗi tháng của 6 tháng liên tiếp trước đó.

Đáng chú ý, theo cơ quan hải quan, xuất khẩu hàng dệt may trong 3 tháng gần đây (tháng 6, 7, 8) đều tăng tốt, lập đỉnh liên tiếp và lần đầu tiên xuất khẩu đạt mốc 4 tỉ đô la vào tháng 8 vừa qua, tăng 8,7% so với tháng liền kề trước đó.

Tính đến hết tháng 8 vừa qua, xuất khẩu hàng dệt may đạt 26,28 tỉ đô la, tăng 24,3%, tương ứng tăng 5,14 tỉ đô la so với cùng kỳ năm ngoái, đóng góp lớn thứ 2 vào tăng xuất khẩu cả nước chỉ sau nhóm máy móc thiết bị, dụng cụ, phụ tùng.

Đáng chú ý, theo cơ quan hải quan, trong 8 tháng năm 2022, một số thị trường xuất khẩu chủ lực về dệt may của Việt Nam đều có mức tăng cao trên 20% so với cùng kỳ năm trước. Đây là tốc độ tăng trưởng cao nhất của ngành trong hơn 10 năm qua.

Cụ thể, xuất khẩu hàng dệt may sang thị trường lớn nhất là Mỹ đạt 12,88 tỉ đô la, tăng 22,6%, tương ứng tăng 2,73 tỉ đô la hay thị trường châu Âu (EU) đạt 3,02 tỉ đô la, tăng đến 41,1%, tương ứng tăng 879 triệu đô la. Các thị trường như Nhật Bản, trong cùng thời gian trên cũng tăng 22%, đạt đạt 2,54 tỉ đô la, tương ứng tăng 458 triệu đô la và thị trường Hàn Quốc đạt 2,14 tỉ đô la, tăng 20,5%, tương ứng tăng 365 triệu đô la so với cùng kỳ năm ngoái.

Các nhà sản xuất công nghệ dệt may tìm đến Việt Nam

Kết quả của tháng 8 và 8 tháng đầu năm cho thấy hoàn toàn trái ngược với những lo ngại và kêu ca của các nhà sản xuất, gia công may mặc trong nước khi cho rằng từ tháng 6 đến nay họ liên tục bị cắt giảm đơn hàng đột ngột hoặc đơn hàng mới bị giảm mạnh do các nhà nhập khẩu khó khăn về tiêu thụ sản phẩm.

Nhiều nhà sản xuất máy móc và công nghệ dệt may thế giới đến Việt Nam tìm cơ hội kinh doanh.

Tại sự kiện Triển lãm Quốc tế về máy móc thiết bị ngành công nghiệp dệt & may Việt Nam (VTG) 2022 đang diễn ra tại SECC, TPHCM, KTSG Online đặt câu hỏi một chuyên gia (không cho nêu tên) trong ngành dệt may về kết quả tăng trưởng xuất khẩu của ngành nói trên. Chuyên gia này cho rằng giá trị xuất khẩu đạt kỷ lục nói trên của ngành trong tháng 8 là do 2 tháng trước đó nhiều nhà nhập khẩu chưa nhận hàng nên đã dồn qua tháng 8.

Cũng theo ghi nhận của chuyên gia này, hiện nay các doanh nghiệp dệt may đang bị sụt giảm đơn hàng khá nhiều so với 6 tháng đầu năm mà nguyên nhân là do các thị trường xuất khẩu lớn như Mỹ, Nga… lạm phát tăng cao và người tiêu dùng có xu hướng giảm chi tiêu cho hàng may mặc. “Một số doanh nghiệp trước đây có tổ chức sản xuất 3 ca giờ quay trở lại 2 ca; trong khi số doanh nghiệp sản xuất 1 ca do đơn hàng thiếu hụt cũng không phải là ít”, chuyên gia này lưu ý và dự báo tình hình này có thể kéo dài đến năm sau.

Ông cũng nhận định rằng với khó khăn đơn hàng hiện nay, mục tiêu xuất khẩu 43 tỉ đô la (theo kịch bản cao) trong năm 2022 của ngành dệt may là thách thức lớn.

Xung đột Nga – Ukraine khiến chi phí đầu vào tăng lên, đặc biệt là chi phí xăng dầu, vận chuyển, tác động đến giá thành, kéo lợi nhuận của doanh nghiệp dệt may Việt Nam giảm tốc mạnh.

Tuy nhiên, chuyên gia này cho rằng sự sụt giảm đơn hàng sản xuất hiện nay là tình hình chung trên thế giới. Và trong các nước xuất khẩu dệt may, Việt Nam vẫn được các nhà mua hàng quốc tế đánh giá cao về chất lượng sản phẩm, ổn định và là nước có chính sách mở cửa hoạt động bình thường sớm nhất so với Bangladesh, Ấn Độ và Trung Quốc…

Cùng với đó là việc hội nhập sâu rộng của Việt Nam qua việc tham gia nhiều Hiệp định đối tác thương mại song phương và đa phương giúp hàng hóa sản xuất từ Việt Nam có thêm nhiều thị trường và cạnh tranh về giá nhờ giảm thuế quan.

Điều này đã lý giải phần nào dù tình hình khó khăn nhưng VTG 2022 đang diễn ra tại TPHCM vẫn thu hút nhiều nhà sản xuất máy móc, công nghệ lớn trên thế giới tham gia tiếp cận doanh nghiệp dệt may Việt Nam.

Sau 3 năm trì hoãn, Triển lãm quốc tế lần thứ 20 về máy móc thiết bị công nghiệp ngành dệt và may (VTG 2022), VitaTex – Triển lãm quốc tế về nguyên phụ liệu ngành dệt – may và DYECHEM – Triển lãm quốc tế ngành công nghiệp hóa chất – nhuộm Việt Nam đã cùng diễn ra tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn (SECC) từ ngày 21 đến 24-9, kết hợp với nền tảng trực tuyến kéo dài từ ngày 21 đến 27-9-2022.Triển lãm thu hút 200 doanh nghiệp từ 15 quốc gia và vùng lãnh thổ giới thiệu các chuỗi cung ứng tiên tiến, công nghệ hiện đại và xu hướng phát triển trong tương lai của ngành dệt may.

Cũng trong ngày 21-9, tại SECC đã khai mạc Triển lãm quốc tế lần thứ 20 về máy và thiết bị ngành công nghiệp đóng gói bao bì và in ấn (VietnamPrintPack). Triển lãm giới thiệu các sản phẩm, công nghệ in ấn và bao bì tân tiến nhất để giúp các doanh nghiệp trong ngành kết nối lại với thị trường Việt Nam.VietnamPrintPack 2022 quy tụ hơn 170 nhà triển lãm đến từ 15 quốc gia và vùng lãnh thổ, như Trung Quốc, Đức, Hồng Kông, Ấn Độ, Indonesia, Ý, Nhật Bản, Malaysia, Philippines, Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan, Anh…Cả hai cụm Triển lãm nói trên đều do Công ty cổ phần Quảng cáo và Hội chợ thương mại (Vinexad) phối hợp với Công ty TNHH Dịch vụ Thương mại và Tiếp thị Yorkers tổ chức.

1 BÌNH LUẬN

  1. Đề nghị các nhà thống kê nên “cầu toàn” hơn khi thông tin số liệu. Doanh số xuất khẩu, xuất nhập siêu… hoành tráng kiểu gì đi nữa, cũng phải đi cùng với chỉ tiêu Tiền lương/ Thu nhập của người lao động có cải thiện hay không ?

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới