Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Xuất khẩu: điểm sáng bốn tháng đầu năm 2022

Dũng Nguyễn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu trong tháng 4 lên đến 25%, cao hơn con số 17% trong tháng trước, giúp xuất khẩu trở thành điểm sáng trong bối cảnh vĩ mô hiện nay.

Các số liệu thống kê mới cho thấy tình hình xuất khẩu của Việt Nam trong tháng 4 tăng trưởng cao trở lại. Theo đó, trong tháng 4, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 33,26 tỉ đô la, tăng 25% so với cùng kỳ, còn kim ngạch nhập khẩu đạt 32,19 tỉ đô, tăng 15,5%.

Tính chung trong 4 tháng đầu năm, cán cân thương mại cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 2,53 tỉ đô la, trong đó kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu lần lượt tăng 16,4% và 15,7% so với cùng kỳ.

Theo báo cáo của Công ty chứng khoán Maybank Investment (MIB), mức tăng trưởng cao trong tháng 4 vừa qua diễn ở hầu hết các lĩnh vực xuất khẩu, chủ yếu nhờ vào sự dẫn dắt của dầu thô (tăng gần 204% so với mức giảm 6% trong tháng 3), sắt thép (tăng 23,6% so với mức 3,5%), hàng dệt mayy (tăng 25,4% so với 11,9%), máy vi tính, các mặt hàng điện tử và linh kiện (23,2% so với 13,5%), điện thoại và linh kiện (62,8% so với 42,4%).

“Sự gián đoạn chuỗi cung ứng do chiến tranh Nga và Ukraine và việc Trung Quốc phong tỏa dường như không ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam, có thể do các công ty đang xuất hàng tồn kho hiện có trước nhu cầu phục hồi”, báo của của MIB nhận định.

Thống kê của Công ty chứng khoán Mirae Asset cho thấy cơ cấu xuất khẩu các thị trường chính đã phục hồi mạnh trong tháng 4 vừa qua. Theo đó, tỷ trọng xuất khẩu phân đều tăng lên đáng kể so với tháng 3 và cùng kỳ với các thị trường chủ lực của Việt Nam, bao gồm Mỹ, EU, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản.

Xuất nhập khẩu Việt Nam qua các năm (tỉ đô – cột trái) và tăng trưởng (%, cột phải). Nguồn: Standard Chartered.

Sự phục hồi của xuất khẩu là một tín hiệu tốt trong bối cảnh Việt Nam đang nỗ lực triển khai các biện pháp phục hồi nền kinh tế nói chung hậu đại dịch Covid-19. Xuất khẩu trong thời gian tới dự kiến sẽ còn tăng mạnh.

Động lực tăng trưởng đến từ việc các doanh nghiệp khôi phục hoạt động, nhà máy mở cửa trở lại và công suất hoạt động trở lại trạng thái bình thường. Ngoài ra, nhu cầu quốc tế được cải thiện và sự tham gia ngày càng sâu rộng của Việt Nam vào chuỗi cung ứng toàn cầu và tận dụng được lợi thế từ các hiệp định thương mại chủ chốt sẽ đóng góp đáng kể vào sản lượng xuất khẩu, theo Mirae Asset.

Kỳ vọng xuất khẩu tăng cũng đến từ Hiệp định thương mại tự do RCEP đã có hiệu lực từ đầu năm 2022. Theo báo cáo công bố cuối tháng 4 của Standard Chartered, danh mục xuất khẩu chính dự kiến ​​sẽ được hưởng lợi từ RCEP bao gồm lĩnh vực công nghệ thông tin, dệt may, da giày, nông nghiệp, ô tô và viễn thông.

Ngoài ra, Việt Nam cung cấp một phần đáng kể đầu vào sản xuất của mình từ các nước RCEP như Nhật Bản (đối với sản xuất điện tử), Trung Quốc (đối với sản xuất hàng dệt may) và Hàn Quốc (đối với cả hai).

Các mặt hàng này sẽ được hưởng các ưu đãi về thuế quan theo hiệp định, giúp sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam trở nên cạnh tranh hơn. Về lâu dài, thỏa thuận có thể dẫn đến việc hình thành một chuỗi cung ứng khu vực với Việt Nam là một phần của nó – thúc đẩy hàng xuất khẩu của việt nam.

“RECP sẽ giúp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu và tiếp cận tốt hơn với các thị trường tiêu dùng lớn như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Indonesia. Hiệp định này sẽ giúp các nhà sản xuất tại Việt Nam giảm thiểu chi phí và tiếp cận chuỗi cung ứng trên khắp khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Phần lớn nguyên liệu thô phục vụ cho xuất khẩu của Việt Nam được nhập từ các nước tham gia RCEP”, ông Tim Leelahaphan, chuyên gia kinh tế phụ trách Thái Lan và Việt Nam, Ngân hàng Standard Chartered, chia sẻ.

Dù có nhiều yếu tố tác động tích cực nhưng hoạt động xuất khẩu cũng sẽ phải đối diện nhiều thách thức. Trước hết là ở RCEP, Việt Nam cũng sẽ phải đối mặt với nhiều sự cạnh tranh hơn, ở cả trong nước lẫn tại các thị trường xuất khẩu, khi là thành viên của RCEP, theo Standard Chartered.

Xuất khẩu tăng cũng đi kèm theo nhập khẩu tăng theo, chủ yếu là từ giá hàng hóa thế giới tăng cao, điều này cũng tạo áp lực đến lạm phát. Trên thực tế trong tháng 4 vừa qua, nhập khẩu cũng tăng mạnh so với cùng kỳ. Thặng dư thương mại trong tháng 4 chỉ hơn 1 tỉ đô la, thấp hơn nhiều so với con số 2 tỉ đô trong tháng 3.

Bên cạnh đó, theo Mirae Asset, về mặt vĩ mô, hoạt động xuất khẩu cũng đối mặt với rủi ro là nhu cầu các nước phục hồi thấp hơn kì vọng và rủi ro gián đoạn chuỗi cung ứng gia tăng.

Trước đó, trong năm 2021 Việt Nam đã phải đối mặt với tình trạng thâm hụt thương mại trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu tắc nghẽn, sản xuất ngừng trệ. Tuy nhiên, kết thúc năm thì thặng dư thương mại vẫn ghi nhận tăng cao.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới