Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Xuất khẩu đồ gỗ hướng đến tăng trưởng bền vững

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Xuất khẩu đồ gỗ hướng đến tăng trưởng bền vững

Nguyên Bộ Trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển-Ảnh: HỒNG VĂN

(SGTO) – Xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam hiện đang tăng trưởng nhanh nhưng kéo theo nhiều yếu tố ẩn chứa sự phát triển không bền vững. Các chuyên gia đã nói gì để hướng đến mục tiêu phát triển bền vững của ngành công nghiệp chế biến gỗ.

Ông Trương Đình Tuyển, Nguyên Bộ Trưởng Bộ Thương mại:

Bảo đảm nguồn gỗ nguyên liệu cho chế biến là vấn đề quan trọng nhất, nếu không giải quyết tốt sẽ hạn chế rất nhiều khả năng chế biến và xuất khẩu đổ gỗ của Việt Nam. Theo tôi, để đảm bảo phát triển bền vững có hai hướng đi chính. Một là đẩy nhanh tốc độ trồng rừng, các doanh nghiệp chế biến gỗ nên đầu tư vào trồng rừng để chủ động nguyên liệu cho mình, đi đôi với thiết lập các mối quan hệ hợp đồng với các chủ trang trại trồng rừng.

Thứ hai là hình thành các công ty chuyên về nhập khẩu gỗ. Các công ty này do chính các nhà máy chế biến gỗ có tiềm lực mạnh góp vốn thành lập để nhập khẩu và phân phối gỗ nguyên liệu. Chính các công ty này sẽ đảm nhận việc xây dựng và quản lý các chợ đầu mối gỗ theo hướng ba miền nên có ba chợ đầu mối gỗ nguyên liệu.

 

Ông Võ Trường Thành, Tổng giám đốc Công ty Cồ phần gỗ Trường Thành, Bình Dương – Ảnh: HỒNG VĂN

Ông Võ Trường Thành, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần gỗ Trường Thành:

Hiện nay các giám đốc doanh nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu gặp nhau không còn khoe thành tích xuất khẩu bao nhiêu triệu đô la Mỹ hay đã đầu tư nhà xưởng bao nhiêu tiền mà là tuyển dụng được bao nhiêu công nhân, tay nghề thế nào, đội ngũ thiết kế ra sao? Điều này chứng tỏ nguồn nhân lực là nhân tố quan trọng trong phát triển chế biến gỗ xuất khẩu của Việt Nam và cốt lõi vẫn phải là đào tạo từ cấp quản lý, chuyên viên đến người công nhân chế biến gỗ.

Theo thống kê hiện có 170.000 cán bộ, công nhân tham gia trực tiếp vào chế biến gỗ xuất khẩu nhưng cả nước lại chỉ có năm trường dạy nghề có liên quan tới gỗ. Trong đó bốn trường chuyên đào tạo công nhân trồng rừng, khai thác gỗ từ rừng, chỉ duy nhất một trường ở Hà Nam dạy nghề chế biến gỗ nhưng lại chế biến gỗ mỹ nghệ, chạm khắc. Chứng tỏ, công nhân chế biến gỗ xuất khẩu hiện nay gần như chỉ được đào tạo ngay chính trong nhà máy của mình chứ không có trường đào tạo ban đầu.

Tổ chức hợp tác kỹ thuật GTZ của Đức đã chọn Trường Thành làm doanh nghiệp đối tác xây dựng trung tâm đào tạo chế biến gỗ. Theo thỏa thuận, GTZ tài trợ 50%, công ty chịu 50% để xây dựng một trung tâm đào tạo chế biến gỗ tại Dak Lak với tổng kinh phí đầu tư 7 tỉ đồng. Trung tâm này đã đi vào họat động từ tháng 4 năm nay. Ngoài ra, Bộ Ngọai giao Đức còn hỗ trợ 3 chuyên gia sang giảng dạy miễn phí tại trung tâm trong hai năm đầu thành lập. Theo kế hoạch, 80% học viên của trung tâm sẽ đến từ các doanh nghiệp chế biến gỗ trong nước và 20% từ sáu nhà máy của Trường Thành.

Ông Trần Quốc Mạnh, Phó chủ tịch Hội mỹ nghệ và chế biến gỗ TPHCM – Ảnh: HỒNG VĂN

Ông Trần Quốc Mạnh, Phó chủ tịch Hội mỹ nghệ và chế biến gỗ TPHCM (HAWA):

Ở trong nước, các doanh nghiệp chế biến gỗ đang phải đối mặt với chi phí sản xuất tăng, như tăng lương cho công nhân, xăng dầu, cước vận tải, đóng gói container, điện, và nhiều chi phí khác. Trong khi đó, một nghịch lý là giá đồ gỗ xuất khẩu trên thị trường thế giới tăng rất ít, nếu có tăng thì may ra chỉ tăng 1%-5% trong 1- 2 năm, chưa kể nhiều mặt hàng phải giảm giá do cạnh tranh trong xuất khẩu với các quốc gia có nền công nghiệp gỗ phát triển như Trung Quốc, Ý.

Ngoài khó khăn do chi phí sản xuất tăng thì nhu cầu của khách hàng về mẫu mã, tính thẩm mỹ và chất lượng sản phẩm cũng ngày càng gắt gao hơn. Để đáp ứng thị hiếu của khách hàng, vòng đời của sản phẩm đồ gỗ ngày càng giảm nhanh, nên mẫu mã cũng phải thay đổi liên tục để có tính cạnh tranh trên thị trường.

Một trong những hướng đi mà các nhà chế biến gỗ trong nước theo đuổi để hướng đến sự phát triển bền vững là giải quyết vấn đề thiếu nguyên liệu và kết hợp nguyên liệu gỗ với các nguyên liệu khác, tạo nên dòng sản phẩm độc đáo và có giá trị cao.

Chẳng hạn đồ gỗ ngoài trời (outdoor) thường kết hợp gỗ với nhôm, inox, vải, nhựa. Đồ gỗ trong nhà (indoor) thường kết hợp với sắt, inox, mây, tre, bèo, cói, kính, vải. Dòng sản phẩm này được nhiều thị trường nhập khẩu quan tâm như Mỹ, EU, Nhật và giá bán lại cao hơn đồ gỗ chỉ thuần tuý gỗ. Thậm chí theo nhu cầu của nhà nhập khẩu, nhiều doanh nghiệp Việt Nam phải sản xuất mây giả làm bằng nhựa để phối hợp với gỗ do mây thật trong nước đang khan hiếm.

Những sản phẩm đồ gỗ kết hợp như vậy vừa tiết kiệm nguyên liệu gỗ, vừa tận dụng được những vật liệu có sẵn trong nước như mây, tre, bèo, cói… Nếu dùng inox, nhôm thì góp phần tạo điều kiện cho các ngành công nghiệp khác trong nước phát triển giải quyết được lao động.

Ông Tom Russell, Biên tập viên tại chí Furniture Today-Ảnh: HỒNG VĂN

Ông Tom Russell, Biên tập viên tạp chí Furniture Today chuyên ngành đồ gỗ của Mỹ:

Các nhà nhập khẩu đồ gỗ Mỹ đã lo ngại về các nhà sản xuất gỗ Việt Nam không đủ năng lực đáp ứng nhu cầu thị trường. Họ cho rằng các nhà sản xuất Việt Nam nên đầu tư thêm công nghệ, chẳng hạn như phòng sấy khô để kiểm soát độ ẩm của gỗ. Ngoài ra, các doanh nghiệp nên lập bộ phận thiết kế mẫu mã và tự thiết kế mẫu mã, thay vì chờ đợi mẫu mã từ nhà nhập khẩu.

Bên cạnh đó, nguyên liệu chế biến cũng là điều đáng quan tâm. Khác với khách hàng châu Au, khách hàng Mỹ thường thích đồ gỗ sử dụng nguyên liệu gỗ cứng của Mỹ hay Canada và tuy không bắt buộc về pháp lý nhưng tập quán kinh doanh gỗ ở Mỹ là sử dụng nguyên liệu gỗ có chứng nhận quản lý rừng bền vững FSC (The Forest Stewardship Council).

HỒNG VĂN thực hiện

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới