Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Xuất khẩu đồ gỗ: lạc quan trong lo lắng  

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Xuất khẩu đồ gỗ: lạc quan trong lo lắng  

Hồng Văn  

Đơn hàng đồ gỗ đã có nhiều, chứng tỏ xuất khẩu gỗ hồi phục-Ảnh: Hồng Văn

(TBKTSG Online) – Năm ngoái, nhiều doanh nghiệp chế biến đồ gỗ xuất khẩu phải hoạt động cầm chừng, thậm chí có cơ sở tạm đóng cửa vì thiếu đơn hàng, thì năm nay gần như nhà máy nào cũng có hợp đồng, có khách hàng trở lại, như một minh chứng cho hồi phục của ngành công nghiệp này.  

Thế nhưng, những khó khăn nội tại của doanh nghiệp và nền kinh tế hiện nay đã gây không ít lo lắng cho các nhà chế biến đồ gỗ.  

Hồi phục một phần nhờ đa dạng sản phẩm  

Phải nói rằng, ngành công nghiệp chế biến gỗ trong nước 7 tháng đầu năm 2009 bị sốc thực sự trước khó khăn của nền kinh tế thế giới và trong nước. Từ một ngành mà tăng trưởng xuất khẩu thuộc diện nóng trong gần chục năm qua, liên tục tăng trưởng 30-40% mỗi năm, có năm hơn 50%, vậy mà 7 tháng đầu năm 2009 giảm 17%.  

Hàng loạt doanh nghiệp chế biến gỗ hoạt động cầm chừng vì thiếu đơn hàng, không vay được ngoại tệ để nhập nguyên liệu, có nhà máy phải cho công nhân nghỉ việc không lương… Đến những tháng cuối năm, dần dà xuất khẩu gỗ hồi phục và quý 4-2009 tăng 3%, đã phần nào giúp cả năm ngoái kim ngạch xuất khẩu chỉ giảm 9,9%, xuống 2,55 tỉ đô la Mỹ (không tính hàng thủ công mỹ nghệ, gốm sứ).  

Theo Bộ Công Thương, xuất khẩu đồ gỗ trong 2 tháng đầu năm nay tăng mạnh, tới 60% so với cùng kỳ, đưa kim ngạch lên 617 triệu đô la Mỹ. Nếu đà tăng trưởng này tiếp tục giữ vững thì 3 tỉ đô la Mỹ đồ gỗ xuất khẩu nằm trong tầm tay của các doanh nghiệp.  

Ông Nguyễn Chiến Thắng, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TPHCM (Hawa), hiệp hội có doanh nghiệp hội viên chiếm tỷ trọng lớn trong xuất khẩu đồ gỗ Việt Nam, cho biết hiện tại dù đơn giá xuất khẩu gỗ không tăng nhưng đơn hàng thì không thiếu. “Có doanh nghiệp gỗ năm ngoái sản xuất cầm chừng, thậm chí sắp đóng cửa, cho công nhân giãn việc thì nay có đơn hàng cho công nhân làm đều đều là quá tốt”, ông Thắng nói và điều này giải thích tại sao ngành gỗ tăng trưởng mạnh trong 2 tháng qua.  

Ông Trần Quốc Mạnh, Tổng giám đốc Sadaco, một doanh nghiệp chế biến gỗ lớn ở TPHCM, cho rằng hiện tại rất khó thuyết phục khách hàng nước ngoài nâng đơn giá, bởi lý do mà khách hàng đưa ra cũng khá thuyết phục, rằng “hồi phục kinh tế chưa bền vững nên khó lòng để người tiêu dùng móc hầu bao trả thêm cho hàng trang trí nội thất”.  

Trong khi đó, xuất khẩu đồ gỗ của một số nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia hay Malaysia hồi phục chậm hơn Việt Nam, mà theo ông Mạnh, là nhờ Việt Nam có lợi thế về lao động, thiết bị và kỹ thuật thể hiện trên cấu trúc sản phẩm nội thất.

“Lao động Việt Nam có kỹ thuật, gỗ nguyên liệu thì hoàn toàn gần như nhập khẩu theo đơn đặt hàng của khách hàng nước ngoài, nên họ có thể đặt hàng từ Việt Nam khá đa dạng các loại sản phẩm từ các loại nguyên liệu khác nhau. Hay nói cách khác, khách có nhu cầu làm đồ gỗ loại gì thì Việt Nam đều làm được, đều chào hàng được”, ông Mạnh phân tích.  

Còn các nước như Thái Lan thì có thế mạnh về gỗ kết hợp da, vải…; Indonesia thì nguyên liệu rừng tự nhiên dồi dào;  Malaysia thì mạnh về gỗ cao su chứ các nước này không đa dạng sản phẩm như các doanh nghiệp Việt Nam.  

Vừa khỏi bệnh lại mang vác nặng  

Nguyên liệu gổ nhập khẩu đang tăng giá, càng khiến nhà xuất khẩu lo lắng, trong ảnh là bãi gỗ nguyên liệu của một nhà máy ở Bình Dương-Ảnh: Hồng Văn

“Đơn hàng thì nhiều nhưng đơn giá thì không tăng, thậm chí có doanh nghiệp phải giảm giá để có đơn hàng nên tỷ lệ lợi nhuận thấp, có khi hòa vốn hay chỉ giữ chân khách hàng truyền thống và công nhân”, ông Huỳnh Văn Hạnh, Giám đốc Công ty TNHH gỗ Minh Phương ở Bình Dương cho hay. Điều làm ông Hạnh và nhiều doanh nghiệp khác lo lắng chính là chi phí đầu vào của sản xuất trong nước lẫn nguyên liệu gỗ nhập khẩu đã, đang và sẽ tăng giá.  

Theo Hawa, giá gỗ thông nhâp khẩu (loại gỗ mà doanh nghiệp Việt Nam thường nhập làm nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu) trong vòng 3-4 tháng qua đã tăng hơn 20%, cước vận chuyển quốc tế lẫn vận tải nội địa cũng tăng, bao bì đóng gói hàng đồ gỗ tăng 20-30%, lương cho công nhân, bảo hiểm xã hội đều tăng và sắp tới lại có thêm phí bảo vệ môi trường.  

Bức xúc nhất hiện nay của các doanh nghiệp hội viên Hawa chính là giá điện tăng. Dù không phải là ngành sử dụng điện nhiều như sắt thép, xi măng nhưng theo ông Hạnh, điện chiếm 5-6% trong giá thành sản phẩm gỗ, giá điện tăng cũng tác động tới giá thành chế biến gỗ. Ngoài ra, do giá điện tăng nên giá đầu vào của các mặt hàng nguyên phụ liệu cho đồ gỗ như bao bì, ốc vít, sơn… cũng tăng đã đẩy chi phí điện thực sự trong giá thành đồ gỗ lên hơn 7%.  

Ông Mạnh thì cho rằng tháng 10 năm trước tới tháng 5 năm sau là thời vụ làm ăn của công nghiệp gỗ mà giá điện tăng từ đầu tháng 3, nhằm ngay vào thời vụ đã tác động mạnh tới các nhà máy chế biến gỗ, nên không doanh nghiệp nào không khỏi lo lắng.  

Ông Thắng, Chủ tịch Hawa thì ví von “các doanh nghiệp gỗ như những con bệnh vừa xuất viện, cơ thể còn ốm yếu mà lại bắt phải mang vác nặng thì rất đáng lo ngại”.  

Hơn nữa, chi phí sản xuất trong nước tăng cũng là yếu tố làm giảm khả năng cạnh tranh của đồ gỗ Việt Nam so với Trung Quốc và các nước trong khu vực, những quốc gia mà các nhà xuất khẩu không ít thì nhiều có sự hỗ trợ, ưu đãi của chính phủ hay không phải nhập nhiều nguyên liệu như Việt Nam.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới