Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Xuất khẩu gạo có thể tăng trở lại

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Xuất khẩu gạo có thể tăng trở lại

Thái Hằng

Xuất khẩu gạo có thể tăng trở lại
Cuối tháng 2 vừa qua đoàn hơn 40 thương nhân Hồng Kông đã xuống các tỉnh ĐBSCL tìm hiểu mua gạo tại các công ty lương thực. Ảnh chụp tạo buổi giao thương tại TPHCM – Ảnh: Thái Hằng

(TBKTSG Online) – Giá gạo cấp thấp của Việt Nam đã giảm xuống gần với gạo Ấn Độ và việc Trung Quốc sẽ là thị trường tiêu thụ của gạo Việt Nam đã tạo cho việc xuất khẩu gạo có khả năng sôi động trở lại. 

Philippines trở lại

Tại buổi họp báo ngày 7-3, ông Phạm Văn Bảy, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), cho biết giá gạo cấp thấp của Việt Nam đang thu hẹp khoảng cách với gạo Ấn Độ. Nguyên nhân là do gạo Việt Nam giảm giá liên tục. Ngược lại, gạo Ấn Độ sau thời gian xuất khẩu tăng liên tục đã tăng giá. Bên cạnh đó, đồng tiền Ấn Độ tăng giá so với đô la Mỹ cũng đã phần nào làm giảm sức cạnh tranh về giá của quốc gia này. Giá gạo 25% (gạo cấp thấp) của Ấn Độ và Pakistan chào bán hồi đầu tuần này trung bình khoảng 370 đô la Mỹ/tấn.

Ông Bảy cho biết mặc dù giá gạo Việt Nam đã cạnh tranh hơn trên thị trường gạo cấp thấp, nhưng hiệp hội cũng khuyến cáo doanh nghiệp giữ giá hoặc tăng nhẹ để chuẩn bị đón nhu cầu thị trường Philippines.

Giữa tháng này, Philippines dự kiến mở gói thầu nhập khẩu 500.000 tấn gạo, bao gồm nhiều chủng loại từ gạo cấp cao đến cấp thấp. Ngoài 500.000 tấn gạo này ra, quốc gia này cũng còn có khả năng nhập khẩu thêm để đáp ứng nhu cầu trong nước. Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood II) là đơn vị được chỉ định đàm phán hợp đồng cung cấp gạo cho Philippines. Năm 2011, Philippines đã nhập khẩu gần 900.000 tấn gạo của Việt Nam.

Ông Bảy cho rằng Việt Nam đang có nhiều lợi thế giành được hợp đồng cung ứng gạo cho Philippines so với Ấn Độ hoặc Thái Lan vì có cự ly gần, giá cạnh tranh (rẻ hơn Thái Lan và tương đương gạo Ấn Độ) và Philippines đã quá quen với nhập khẩu gạo Việt Nam từ nhiều năm qua. Đối với một đối thủ xuất khẩu gạo khác trong khu vực là Myanmar, theo ông Bảy, mặc dù có giá chào rất thấp so với Việt Nam nhưng do cơ sở hạ tầng yếu kém và thủ tục thương mại nhiêu khê, phức tạp nên cũng không đáng ngại.

Còn thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong năm 2011 là Indonesia, với tình hình sâu bệnh hoành hành các vùng trồng lúa, có khả năng nước này mở cửa nhập sớm từ quí 2 trở đi, góp phần tiêu thụ lúa hàng hóa đông xuân và hè thu.

Xuất khẩu gạo đi Trung Quốc tăng mạnh

Bên cạnh các thị trường truyền thống, trong 2 tháng đầu năm các doanh nhân Trung Quốc đã ký hợp đồng nhập khẩu khoảng 200.000 tấn, chủ yếu là gạo thơm và gạo cao cấp 5% tấm theo đường chính ngạch. Trong khi đó, theo khảo sát của VFA, có khoảng 300.000 tấn gạo chủ yếu là gạo 15-25% tấm đã theo các chuyến tàu hàng đi từ các tỉnh phía Nam ra cảng Hải Phòng và từ đây chở qua Trung Quốc cũng như các loại nông sản khác.

Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo ở Đồng Tháp, An Giang nhận định nhờ lượng gạo cấp thấp bán qua Trung Quốc này, đã giúp giải tỏa phần nào áp lực đầu ra, nâng đỡ giá lúa gạo trong tháng 2, tháng mà mọi hoạt động thương mại về gạo hầu như ngưng trệ.

Với vai trò đang lên của thị trường này, ông Phạm Văn Bảy cho biết hiệp hội cũng đang xúc tiến thành lập Trung tâm xúc tiến xuất khẩu gạo cao cấp Việt Nam, hướng vào thị trường Trung Quốc và Hồng Kông.

Riêng thị trường Hồng Kông, trong năm 2011 đã tiêu thụ khoảng 140.000 tấn gạo thơm của Việt Nam trên tổng số sản lượng gạo thơm xuất khẩu 500.000 tấn.

Theo VFA, trong 2 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo đạt trên 627 ngàn tấn, trị giá 318 triệu đô la Mỹ, giảm 40,57% so với cùng kỳ. Cả quí 1-2012 các doanh nghiệp dự tính chỉ xuất khẩu 1 – 1,1 triệu tấn gạo, trong khi quí 1 – 2011 xuất đến 1,849 triệu tấn.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới