Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Xuất khẩu gạo, kịch bản mất mùa nhưng không được giá?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Xuất khẩu gạo, kịch bản mất mùa nhưng không được giá?

Nguyễn Đình Bích

(TBKTSG) – Nếu chỉ nhìn trên tổng thể, có thể suy đoán rằng kịch bản giá gạo xuất khẩu năm nay của nước ta sẽ diễn ra theo logic thông thường của thị trường thế giới. Đó là, khi thế giới mất mùa lúa gạo, giá gạo xuất khẩu sẽ tăng. Tuy nhiên, hiện đã có những căn cứ ban đầu cho thấy, kịch bản này sẽ khó xảy ra.

Đầu xuân “bói quẻ” xuất khẩu gạo

Thị trường thay đổi tạo "cơ hội" dịch chuyển cơ cấu xuất khẩu gạo

Xuất khẩu gạo, kịch bản mất mùa nhưng không được giá?
Thu hoạch lúa tại Bến Lức, Long An. Ảnh: N.K

Bài học từ El Nino năm 2016 

Như vậy là chỉ sau bốn năm ngắn ngủi, châu Á, vựa lúa chiếm tới trên dưới 90% tổng sản lượng của thế giới lại bị El Nino đe dọa.

Nếu nhìn lại El Nino năm 2016, có thể thấy, tổng diện tích lúa của thế giới đã giảm gần 2 triệu héc ta, tương ứng với tỷ lệ giảm 1,2%, còn sản lượng gạo đã giảm gần 5,7 triệu tấn, tương ứng 1,2%.

Trong điều kiện sản xuất như vậy, các số liệu thống kê của Tổ chức Lương nông Liên hiệp quốc (FAO) năm 2016 cho thấy, giá gạo thế giới từ mức đáy 195 điểm phần trăm (ĐPT) vào tháng đầu năm (năm 2002-2004 = 100) đã đạt đỉnh 200 ĐPT vào tháng 7, còn sau đó hạ nhiệt và chạm đáy ở mức 185 ĐPT vào tháng 11.

Trong đó, điều đặc biệt đáng lưu ý là giá gạo thơm có biên độ dao động lớn nhất với mức tăng (+) 11,4% và giảm (-) 10,2%, tiếp theo là gạo Indica chất lượng thấp (gạo trắng) với tỷ lệ tương ứng là + 9,9% và – 9,1%, còn giá gạo Indica chất lượng cao là + 7,8% và – 13,5%, trong khi giá gạo Japonica hầu như liên tục giảm.

Thực tế đó có nghĩa là, El Nino năm 2016 dẫn đến giảm sản lượng lúa của châu Á và tình trạng này tác động chủ yếu và trước hết đến giá cả các loại gạo được tiêu dùng chủ yếu trong khu vực này, cũng như khu vực nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới là châu Phi và Trung Đông vốn phụ thuộc nặng nề vào các nguồn cung từ khu vực Nam Á và Đông Nam Á.

Thế nhưng, vấn đề ở chỗ, trước khi chúng ta có những con số cuối cùng nói trên về hậu quả của El Nino và những tác động đến thị trường gạo của nó, thế giới đã được chứng kiến những con số được dự báo về thiệt hại lớn hơn rất nhiều.

Cụ thể, nếu theo dự báo đầu tiên vào tháng 5-2015 về tổng sản lượng gạo thế giới năm 2016, Bộ Nông nghiệp Mỹ đã đưa ra con số 482,1 triệu tấn, tức là sẽ tăng 3,6 triệu tấn, nhưng đến cuối năm này thì con số này “co lại” chỉ còn 469,3 triệu tấn và đến tháng 2-2016 thì cũng chỉ nhích lên 469,5 triệu tấn, tức là năm 2016 thế giới sẽ mất mùa 9,1 triệu tấn gạo, tương ứng 1,9% so với năm 2015.

Không những vậy, các số liệu thống kê cũng cho thấy, sản lượng gạo thế giới năm 2015 đã “giậm chân tại chỗ” như năm 2014, còn tiêu dùng gạo thế giới thì vẫn nhúc nhích tăng. Đây chính là nguyên nhân “kép” dẫn đến dự trữ gạo thế giới cũng “giậm chân tại chỗ” ở mức “nguy hiểm” chỉ với 68 ngày tiêu dùng giống như ở thời điểm El Nino năm 2008 từng diễn ra cơn sốt nóng giá gạo “khủng khiếp” mà thế giới đã được chứng kiến.

Như vậy, có thể nói, việc giá gạo thế giới đạt đỉnh vào tháng 7 là do liên tục trước đó lo ngại thế giới mất mùa lớn, nhưng khi thực tế thấp xa dự báo càng sáng tỏ thì việc “quả bóng giá gạo xì hơi” hầu như ngay lập tức cũng chỉ là hệ quả tất yếu.   

Bối cảnh năm nay đã khác xa

Cho tới thời điểm hiện tại, tuy đã có những động thái như thể thị trường gạo thế giới đã bắt đầu chuyển động do tác động của El Nino, nhưng thực tế câu chuyện lại khác.

Đó trước hết là: 

Thứ nhất, xét trên bình diện toàn cầu, tác động của El Nino năm nay chắc chắn sẽ không lớn bằng cách đây bốn năm, vì tổng diện tích lúa của thế giới năm nay sẽ chỉ giảm 1,53 triệu héc ta so với gần 2 triệu héc ta, còn sản lượng gạo sẽ chỉ giảm gần 3 triệu tấn so với gần 5,7 triệu tấn…

Thứ hai, trong khi sản lượng gạo thế giới giảm không nhiều như vậy, nhưng kho gạo dự trữ của thế giới lại quá đầy, cho nên tác động tiêu cực đến cán cân cung – cầu gạo thế giới của El Nino hầu như sẽ bị triệt tiêu.

Bởi lẽ, từ các số liệu thống kê của Bộ Nông nghiệp Mỹ, có thể tính được rằng, từ 122 ngày tiêu dùng vào đầu năm 2019, tổng khối lượng gạo dự trữ của thế giới đầu năm nay đã đạt 130 ngày và cuối năm nay sẽ đạt 132 ngày, chỉ kém không đáng kể so với kỷ lục 136 ngày vào năm 2001, thời điểm cơn sốt lạnh giá gạo thế giới khiến hầu như tất cả các quốc gia xuất khẩu gạo đều rơi vào tình trạng khó khăn.

Nhìn từ góc độ khác, cho dù tổng sản lượng gạo thế giới năm nay bị giảm, nhưng tổng tiêu dùng vẫn thấp hơn tổng sản lượng 5,2 triệu tấn.

Trong điều kiện nguồn cung dồi dào như vậy, không có lý do gì để giá gạo thế giới tăng, còn tăng cao là kịch bản có thể loại trừ.

Thứ ba, trong điều kiện cán cân cung – cầu như vậy, tổng nhu cầu nhập khẩu gạo của thế giới năm nay sẽ chỉ đạt gần 42,7 triệu tấn, giảm nhẹ so với hơn 43,1 triệu tấn năm 2019, cho nên đây sẽ là năm thứ hai liên tiếp giảm so với kỷ lục gần 46,6 triệu tấn trong năm 2018.

Rõ ràng, khi nhu cầu nhập khẩu gạo không lớn, cũng không có lý do gì để giá gạo tăng cao.

Thứ tư, cho dù bị ảnh hưởng tiêu cực bởi El Nino, nhưng các quốc gia sản xuất và xuất khẩu gạo lớn của châu Á đang nỗ lực đẩy mạnh xuất khẩu gạo, cho nên khả năng giá gạo xuất khẩu tăng cao là điều khó xảy ra.

Theo dự báo tháng 2-2020 của Bộ Nông nghiệp Mỹ, Thái Lan bị ảnh hưởng nặng nề nhất với diện tích lúa bị giảm tới 830.000 héc ta và sản lượng lúa bị giảm 2,8 triệu tấn, còn hai quốc gia đứng đầu và thứ hai thế giới về sản xuất loại lương thực quan trọng nhất nhì thế giới này là Trung Quốc và Ấn Độ thì cặp số liệu này là 500.000 héc ta; 2,5 triệu tấn và 300.000 héc ta; 2,1 triệu tấn.

Trong đó, Thái Lan có lẽ sẽ là quốc gia bị “mắc kẹt” nhất trong việc đẩy mạnh xuất khẩu gạo trong thời gian tới. Bởi lẽ, theo số liệu thống kê của quốc gia này, trong khi tỷ giá bình quân trong nửa đầu năm ngoái là 31,61 baht/đô la Mỹ thì tổng khối lượng gạo xuất khẩu đạt gần 4,4 triệu tấn, còn trong nửa cuối năm tỷ giá hơn 30,49 baht/đô la Mỹ thì khối lượng gạo “rơi tự do” 26% xuống chỉ còn hơn 3,2 triệu tấn.

Trong khi đó, đối với Ấn Độ, sau nhiều tháng treo tỷ giá ở ngưỡng dưới 70 rupee/đô la Mỹ và khối lượng gạo trắng xuất khẩu giảm mạnh, dự trữ liên tục tăng vọt và đạt kỷ lục mới, trong hai tháng gần đây, với tỷ giá 71 rupee/đô la, giá gạo xuất khẩu giảm và khối lượng xuất khẩu khôi phục trở lại. Đây có lẽ sẽ là xu thế của cường quốc xuất khẩu gạo số 1 thế giới trong những tháng tới.

Bên cạnh đó, với việc tăng gấp đôi khối lượng gạo xuất khẩu trong năm 2018 và đạt ngưỡng 2 triệu tấn, còn năm 2019 đã đạt gần 2,8 triệu tấn, thì việc Trung Quốc sẽ xuất khẩu 3,2 triệu tấn trong năm nay chắc chắn sẽ góp phần tăng đáng kể nguồn cung trên thị trường gạo thế giới, và do vậy cũng sẽ góp phần khiến giá gạo thế giới khó tăng cao trong năm nay.

Nói tóm lại, cho dù hiện tại chưa thể biết chắc tác động cuối cùng của El Nino đối với  khu vực châu Á, nhưng với những dự báo hiện tại, khó có khả năng giá gạo thế giới sẽ tăng mạnh trong năm nay. 

Vị trí đặt bình chọn

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới