Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Xuất khẩu gạo sẽ tiếp tục khó khăn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Xuất khẩu gạo sẽ tiếp tục khó khăn

Nguyễn Đình Bích

(TBKTSG) – Nếu chỉ căn cứ vào những nhận định của các quan chức Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho tới thời điểm này, có thể thấy tình trạng “phú quý giật lùi” trong xuất khẩu gạo. Thế nhưng, với dự báo vừa mới được Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ công bố, tình hình sẽ còn tiếp tục khó khăn.

Nhớ lại thời điểm đầu năm nay, nhiều ý kiến cho rằng năm 2010 sẽ là năm vàng cho xuất khẩu gạo, với số “vốn giắt lưng” có lẽ lớn nhất từ trước đến nay. Cơ sở cho nhận định này là thắng lợi của Việt Nam trong bốn cuộc đấu thầu cung cấp trên 1,4 triệu tấn gạo cho Philippines với giá trên 570 đô la Mỹ/tấn và trên 150.000 tấn theo con đường hợp đồng thương mại với các doanh nghiệp nước này. Mục tiêu xuất khẩu 6 triệu tấn gạo với doanh thu chưa từng có 3-3,2 tỉ đô la Mỹ (giá bình quân 500-533 đô la Mỹ/tấn) đã được nhiều người tính đến.

Thế rồi, chỉ sau hai tháng, trước việc giá gạo thế giới tụt dốc cỡ 10-12%, bàn dân thiên hạ vẫn được trấn an rằng, khi nhiều quốc gia trên thế giới mất mùa do ảnh hưởng biến đổi khí hậu và môi trường, vào quí 2 sẽ có nhiều nước có nhu cầu gạo, tất yếu sẽ có biến động thuận lợi giá cho gạo xuất khẩu của Việt Nam.

Còn đến đầu tháng 5, cho dù giá gạo thế giới vẫn tiếp tục tụt dốc thêm cỡ 5-10% nữa, và khối lượng gạo xuất khẩu của nước ta tụt dốc cỡ 300.000 tấn so với cùng kỳ năm 2009, người dân lại thêm một lần được trấn an rằng “đến thời điểm này, chúng ta không có gì lo lắng”, chỉ có điều khác là thị trường xuất khẩu gạo phải “sau quí 2 mới tốt hơn”.

Hẳn nhiên, không có ai lại mong đợi những dự báo như nói trên sai “quá tam ba bận”, nhưng nếu như những dự báo mới đây nhất của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ về cán cân cung cầu gạo thế giới là chính xác, thì điều đó hoàn toàn có thể xảy ra.

– Thứ nhất, trong số nhiều quốc gia trên thế giới mất mùa do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu mà lãnh đạo VFA có nhắc tới vào thời điểm đầu tháng 3 ở trên, Ấn Độ không mất mùa tới gần 16,2 triệu tấn như dự báo bi quan hồi cuối năm 2009 mà sản lượng gạo của nước này chỉ giảm 12,2 triệu tấn (đạt 87 triệu tấn).

Trên thực tế, Chính phủ Ấn Độ đã có những động thái tích cực để nhập khẩu gạo với quy mô lớn, nhưng ngay từ cuối tháng 11-2009, nước này đã không chạy đua với Philippines để nhập khẩu gạo với giá “trên trời”, mà giải quyết tình trạng thiếu hụt gạo quá lớn của mình bằng hai cách. Một mặt, tung hơn 9 triệu tấn gạo dự trữ cho dân xài; mặt khác, tận dụng triệt để ưu thế sử dụng đồng thời cả gạo lẫn lúa mì làm lương thực chính của mình, tăng sử dụng 7,3 triệu tấn lúa mì để đáp ứng tổng nhu cầu tiêu dùng lương thực của hơn 1 tỉ người dân.

Bên cạnh đó, tuy không phải lúc nào cũng chính xác, nhưng ngay ở thời điểm đưa ra dự báo bi quan nhất về tình hình mất mùa lúa gạo của Ấn Độ vào đầu tháng 11-2009, Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ cũng vẫn cho rằng năm nay Ấn Độ sẽ chỉ nhập khẩu “tượng trưng” 200.000 tấn gạo và đúng một tháng sau đã rút lại dự báo này. Và điều này hoàn toàn đúng với thực tế.

Có thể nói, cho dù chỉ là một phần của thế giới, nhưng việc Ấn Độ mất mùa lớn chính là tác nhân đặc biệt quan trọng dẫn tới tình trạng cán cân cung – cầu gạo thế giới bất ổn. Tuy nhiên, bằng hai giải pháp tự túc lương thực trong những tháng qua, cũng chính Ấn Độ đã giúp “tháo ngòi nổ quả bom” giá gạo thế giới.

Không những vậy, cũng cần nói thêm rằng, trong những tháng gần đây, Ấn Độ đã liên tục có những động thái nới lỏng lệnh cấm xuất khẩu lương thực ban hành từ đầu năm 2008, chứng tỏ vấn đề an ninh lương thực quốc gia của “người khổng lồ” thứ hai thế giới này đã được bảo đảm.

– Thứ hai, nếu căn cứ vào việc thương nhân Trung Quốc sang nước ta tìm mua gạo hồi đầu năm do một số tỉnh gần nước ta mất mùa để cho rằng giá gạo xuất khẩu sẽ tăng là điều khó có thể xảy ra.

Bởi lẽ, tình trạng mất mùa đó chỉ là cục bộ, còn trên toàn cục thì những năm gần đây Trung Quốc liên tục được mùa và điều quan trọng khác là kho dự trữ gạo của nước này luôn luôn đầy ắp và thường xuyên chiếm 43-48,5% tổng khối lượng gạo dự trữ của thế giới, gấp 2-3 lần khối lượng gạo dự trữ của Ấn Độ trong khi dân số Trung Quốc hiện tại chỉ hơn dân số Ấn Độ 180 triệu người.

Những điều nói trên có nghĩa là, an ninh lương thực của Trung Quốc “vững như bàn thạch, cho nên mất mùa cục bộ như vậy có thể được giải quyết bằng con đường nhập khẩu, nhưng chỉ khi với “giá bèo”, còn khi giá gạo nhập khẩu tăng cao, chắc chắn Trung Quốc sẽ giải quyết tình trạng thiếu hụt bằng cách điều động giữa các vùng.

– Thứ ba, trong khi các yếu tố có thể gây đột biến trên thị trường gạo thế giới nói trên không xuất hiện, việc giá gạo thế giới trong những tháng qua “nguội” nhanh chắc chắn là do hai nguyên nhân chủ yếu sau đây:

Trước hết, thay vì thiếu hụt khoảng 4,5-4,8 triệu tấn gạo như dự báo hồi cuối năm 2009, dự báo trung tuần tháng 5 vừa qua của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ cho thấy, tổng sản lượng gạo thế giới năm nay sẽ đạt 442,2 triệu tấn, tức là tăng trên 10 triệu tấn so với dự báo hồi cuối năm 2009, cho nên gần như đủ để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng (442,6 triệu tấn).

Trong khi thế giới không mất mùa quá lớn, nhập khẩu gạo của thế giới trong năm nay cũng sẽ chỉ dừng lại ở dưới ngưỡng 30 triệu tấn, gần bằng năm 2009, trong khi kho gạo dự trữ của Thái Lan lại phình lên quá nhanh, mặc dù cường quốc xuất khẩu gạo số 1 thế giới vẫn đang đẩy mạnh xuất khẩu.

Các số liệu thống kê của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ cho biết, tính đến ngày 9-5 vừa qua, Thái Lan đã xuất khẩu trên 2,1 triệu tấn, tăng 9,7% so với cùng kỳ năm 2009. Cũng vẫn theo cơ quan này, cho dù năm nay Thái Lan sẽ tăng xuất khẩu gần 1 triệu tấn so với cuối năm 2009, nhưng kho dự trữ gạo vẫn tăng rất mạnh từ gần 4,8 triệu tấn lên gần 6,3 triệu tấn và đây sẽ là năm thứ hai tăng mạnh liên tiếp (cuối năm 2008 chỉ ở mức 2,7 triệu tấn).

Bên cạnh đó, cũng phải kể đến việc Pakistan đang tăng tốc xuất khẩu tới 37% so với cùng kỳ năm 2009 và sẽ đạt kỷ lục 4,1 triệu tấn vào giữa năm nay (tính từ tháng 7-2009 đến tháng 6-2010).

– Thứ tư, trong khi giá gạo thế giới đã giảm mạnh, các nhà xuất khẩu gạo thế giới đang đứng trước triển vọng một năm còn khó khăn hơn nữa.

Dự báo mới nhất của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ cho thấy thay vì giảm 5,7 triệu tấn trong niên vụ hiện nay, thế giới sẽ được mùa rất lớn và đạt kỷ lục chưa từng có 459,7 triệu tấn, tăng gần 4% và vượt tới 11,8 triệu tấn so với kỷ lục của niên vụ 2008-2009. Chính do được mùa lớn như vậy, cho dù tiêu dùng gạo trong niên vụ tới sẽ tăng 10,8 triệu tấn, tức là tăng kỷ lục trong vòng tám năm trở lại đây, đạt kỷ lục chưa từng có 453,4 triệu tấn, nhưng thế giới vẫn có thêm 6,3 triệu tấn gạo để tăng dự trữ.

Thay vì mất mùa lớn làm cho cán cân cung – cầu gạo thế giới nghiêng ngả như trong thời gian qua, niên vụ tới Ấn Độ gần như sẽ tái lập được kỷ lục 99,2 triệu tấn gạo của niên vụ 2008-2009, tức là sẽ tăng được 11,5 triệu tấn và đóng góp gần hai phần ba vào tổng mức tăng gần 17,6 triệu tấn gạo của thế giới. Việc dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm xuất khẩu gạo trắng của nước này có lẽ chỉ còn là vấn đề thời gian.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới