Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Xuất khẩu gạo theo Nghị định 109: Cái nông dân cần thì không có

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Xuất khẩu gạo theo Nghị định 109: Cái nông dân cần thì không có

Hoàng Kim, Đồng Tháp

Theo bạn Hoàng Kim ở Đồng Tháp thì cái nông dân cần lại không có trong nghị định về kinh doanh xuất khẩu gạo mới được ban hành – Ảnh: TL.

(TBKTSG Online) – Quyền lợi của nông dân trong xuất khẩu gạo nằm ở giá bán gạo xuất khẩu; nằm ở việc có đủ kho chứa khoảng 6 triệu tấn lúa gạo để điều tiết quá trình xuất khẩu gạo nhằm mục đích giữ giá gạo; nằm ở việc minh bạch giá thu mua lúa tương ứng từ giá bán gạo xuất khẩu. Những điều vừa nêu về quyền lợi của nông dân không hề có trong Nghị định 109.

>> Xuất khẩu gạo theo nghị định 109: Lợi hại ra sao?

>> Nghị định về xuất khẩu gạo: ai được, ai mất?

Nghị định 109 không qui định cách ấn định giá bán gạo xuất khẩu

Trong xuất khẩu gạo, việc ấn định giá bán gạo xuất khẩu là điều quan trọng nhất. Thế nhưng trong Nghị định 109 vấn đề giá sàn xuất khẩu gạo qui định quá chung chung và dễ bị Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) khống chế.

Giá sàn bán gạo xuất khẩu phải phù hợp với diển biến của giá gạo thế giới, giá sàn bán gạo xuất khẩu phải qui chiếu về giá bán gạo của Thái Lan, chứ không thể phù hợp với giá gạo trong nước, cũng không thể phù hợp với giá lúa định hướng hay mặt bằng giá mua lúa gạo hàng hóa trong nước.

Giá sàn cần linh động và định ra để thi hành, mà được ấn định bởi 3 bộ và một số ủy ban nhân dân các tỉnh và Hiệp hội lương thực Việt Nam, với trách nhiệm tập thể này giá sàn thực chất sẽ bị VFA khống chế. Bộ Tài chính đưa ra giá sàn 450 đô la Mỹ/ tấn. VFA nói giá sàn 400 đô la Mỹ/ tấn mới bán gạo được. Bộ Tài chính tính sao đây?

Bộ Tài chính không giảm xuống 400 đô la Mỹ/ tấn được không? Cho nên trong thực tế vẫn là VFA ấn định giá sàn.

Kho chứa lúa gạo phải tính toán ở tầm vĩ mô, chứ không nên dùng nó làm công cụ để triệt hạ cạnh tranh, bằng việc quy định có kho chứa mới đủ điều kiện xuất khẩu. Không có đủ kho chứa lúa, phải bán gạo sang tay sẽ bị khách hàng ép giá. Vì vậy xây dựng kho chứa lúa phải được nhìn ở tầm vĩ mô của số lượng gạo xuất khẩu hằng năm.

Chính phủ phải nhanh chóng xây dựng kho chứa khoảng 6 triệu tấn lúa gạo. Tôi nhấn mạnh Chính phủ chứ không phải VFA xây kho hay các doanh nghiệp nhà nước làm chủ đầu tư xây dựng. Để VFA xây kho thời gian sẽ bị kéo dài vô tận.

Quy định thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo phải có kho chuyên dùng với sức chứa tối thiểu 5.000 tấn, chẳng giải quyết được việc thiếu kho chứa lúa gạo hiện nay, mà nó còn hạn chế cạnh tranh vì xóa bỏ các doanh nghiệp nhỏ.

Khi Chính phủ ấn định được giá sàn bán gạo xuất khẩu. Nghiêm trị được các doanh nghiệp bán dưới giá sàn, thì chúng ta chẳng cần quan tâm doanh nghiệp có kho chứa hay không? Có kho chứa hay không không quan trọng, mà quan trọng là phải bán gạo trên giá sàn.

Cần minh bạch để nông dân có thể kiểm tra giá thu mua lúa có tương ứng với giá bán gạo xuất khẩu hay không?

Lúa gạo là của nông dân

Vì vậy nông dân chúng tôi phải kiểm tra được việc VFA mua lúa của chúng tôi có đúng với giá mà VFA đã bán gạo xuất khẩu hay không? VFA có tự ý để lại quá nhiều lợi nhuận hay không? Muốn vậy Nghị định 109 phải qui định VFA công khai các hợp đồng bán gạo xuất khẩu, phải minh bạch việc ấn định giá thu mua lúa tương ứng với các hợp đồng bán gạo.

Còn điều 13 quy định về mua lúa, gạo hàng hóa xuất khẩu trong Nghị định 109, chẳng có lợi gì cho nông dân, vì nông dân không thể kiểm tra giá niêm yết, giả sử nông dân bán lúa thấp hơn giá niêm yết cũng không có chổ để kiểm chứng và khiếu nại. Còn khuyến khích thương nhân mua lúa, gạo hàng hóa thông qua hợp đồng là nói cho vui chứ 8 năm nay Quyết định số 80/QĐ-TTg về tiêu thụ nông sản theo hợp đồng có thực hiện được gì đâu?

Giá lúa định hướng để làm gì? Giá thu mua lúa phải quy ra từ giá bán gạo xuất khẩu. Khi giá lúa quy từ giá bán gạo xuất khẩu thấp hơn 30% so với giá thành thì đã có Nghị quyết đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, trong đó quy định “đảm bảo người sản xuất lúa gạo có lãi trên 30% so với giá thành sản xuất”.

Vậy “sáng chế” ra giá lúa định hướng để làm gì? Không khéo, VFA sẽ lợi dụng giá lúa định hướng để chiếm lợi nhuận nhiều, khi giá thóc định hướng thấp hơn giá lúa quy ra từ giá bán gạo xuất khẩu.

Theo tôi, Nghị định 109 về kinh doanh xuất khẩu gạo xin được tóm gọn trong một câu: Cái nông dân cần thì không có, cái VFA cần thì có quá nhiều.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới