Thứ Ba, 10/09/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Xuất khẩu gạo Việt Nam sang Bắc Âu tăng trưởng 73% nhờ EVFTA

N.Tân

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Xuất khẩu gạo sang thị trường Bắc Âu đã đạt tốc độ tăng trưởng trung bình 73%/năm trong giai đoạn 2017-2021. Trong năm 2021, các nước Bắc Âu nhập từ Việt Nam gần 5.700 tấn gạo trị giá đạt hơn 5,5 triệu đô la Mỹ. Kết quả này có được một phần là nhờ Hiệp định Thương mại tự do Liên minh châu Âu – Việt Nam (EVFTA).

Gạo mang thương hiệu của doanh nghiệp Việt xuất sang châu Âu. Ảnh: LTG

Theo Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển trong năm 2021, các nước Bắc Âu nhập khẩu 136.471 tấn gạo, trị giá 169,75 triệu đô la. Trong đó, kim ngạch nhập khẩu từ Việt Nam đạt 5,52 triệu đô la với 5.646 tấn, giá trung bình là 981 đô la/tấn.

Hiện nay, Việt Nam chỉ mới xuất khẩu gạo xay xát sang khu vực Bắc Âu. Tuy kim ngạch xuất khẩu chưa nhiều, chỉ chiếm 3,3% thị phần nhập khẩu tại Bắc Âu nhưng tốc độ tăng trưởng rất ấn tượng, trung bình 73%/năm trong giai đoạn 2017-2021.

Trước năm 2019, Thụy Điển hầu như không nhập khẩu gạo Việt Nam. Từ năm 2019, với việc vận động, xúc tiến thương mại mặt hàng gạo của Thương vụ để chuẩn bị đón đầu Hiệp định Thương mại tự do Liên minh châu Âu – Việt Nam (EVFTA), kim ngạch nhập khẩu gạo của Thụy Điển từ Việt Nam đã có bước tăng trưởng đáng kể, từ hơn 100.000 đô la đã lên đến 2,79 triệu đô la năm 2021.

Xuất khẩu gạo Việt Nam sang Na Uy cũng tăng từ 1,8 triệu đô la năm 2018 lên hơn 2,34 triệu đô la năm 2021. Nhập khẩu gạo của Đan Mạch từ Việt Nam chưa nhiều, chỉ ở mức  394.000 đô la trong năm 2021.

Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển cho biết, thị trường Bắc Âu nói riêng và Liên minh châu Âu (EU) nói chung là khu vực thị trường tiềm năng nhưng rất khó tính và đòi hỏi cao về sản phẩm.

EU đã ban hành Quy định (EU) 2022/741 liên quan đến chương trình phối hợp kiểm soát nhiều năm của Liên minh trong năm 2023, 2024 và 2025 để đảm bảo các sản phẩm nhập khẩu vào EU tuân thủ mức dư lượng thuốc bảo vệ thực vật tối đa, để đánh giá mức độ phơi nhiễm của người tiêu dùng đối với dư lượng thuốc trừ sâu trên và trong thực phẩm có nguồn gốc động vật.

Hiện nay, không chỉ EU mà các nước Bắc Âu không thuộc EU như Na Uy, Iceland cũng đang tăng cường các chương trình kiểm tra theo quy định này. Gạo là mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Bắc Âu bị kiểm tra nhiều nhất theo chương trình này. Trong đó, các chất Hexaconazole và Tricyclazole thường vượt ngưỡng trong sản phẩm vi phạm.

Để hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục giữ đà tăng trưởng xuất khẩu cũng như dần có vị trí vững chắc tại thị trường gạo khu vực Bắc Âu, Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển đã biên soạn cuốn sách “Thị trường gạo Bắc Âu”. 

Sách giới thiệu tổng quan về thị trường gạo của Bắc Âu cũng như quy mô, xu hướng, phân khúc thị trường, tình hình sản xuất, xuất nhập khẩu, các kênh phân phối, các qui định thị trường, thuận lợi, khó khăn, để từ đó đưa ra các khuyến nghị đối với doanh nghiệp.

Cuốn sách cũng cung cấp danh sách các doanh nghiệp nhập khẩu gạo để tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận và xuất khẩu vào thị trường Bắc Âu.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới