Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ: Gặp khó vì “ăn xổi”

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ: Gặp khó vì “ăn xổi”

Thái Hằng

Khách hàng tìm hiểu hàng nội thất từ lục bình tại hội chợ Vietstyle 2010 – Ảnh:Thái Hằng

(TBKTSG Online) – Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ đã chậm lại đáng kể trong 3 tháng trở lại đây khi doanh nghiệp gặp khó với đơn hàng. Những lúc khó khăn như hiện nay, những vấn đề bức xúc của ngành hàng này lại được nhắc đến, mà điển hình là việc ngồi chờ đơn hàng theo mẫu mã của nước ngoài hay tâm lý “ăn xổi” của các doanh nghiệp…

Ngồi chơi xơi nước

Theo Hội mỹ nghệ và chế biến gỗ TPHCM (Hawa), hàng thủ công mỹ nghệ, đặc biệt là nhóm hàng mây tre cói thảm, trong 5 tháng đầu năm tăng trưởng lên đến 20% là nhờ vào các đơn hàng trước đó, tức là từ cuối năm 2009. Còn trong khoảng 3, 4 tháng trở lại đây đơn hàng bị giảm, xuất khẩu chậm lại, thậm chí có doanh nghiệp “ngồi chơi xơi nước”.

Ông Lê Phúc Thịnh, Giám đốc Công ty Saigon Palm, chuyên sản xuất hàng làm từ lục bình và các loại vật liệu tre lá khác, cho biết từ đầu mùa hè đến nay, không chỉ doanh nghiệp ông mà rất nhiều nhà xuất khẩu khác đều không hiểu vì sao đơn hàng xuất khẩu sụt giảm mạnh như vậy.

“Như các năm trước, sản xuất các mặt hàng này chỉ giảm trong khoảng tháng 7, tháng 8, sau đó hồi phục trở lại do tính chất đặc trưng của nguồn nguyên liệu và thị trường. Tuy nhiên trong 3 tháng trở lại đây lượng đơn hàng từ khách nước ngoài rất ít”, ông Thịnh cho biết.

Theo ông Đặng Quốc Hùng, Phó chủ tịch Hawa, các doanh nghiệp xuất khẩu đi thị trường châu Âu phần thì chịu sức mua kém, phần thì bị nhà nhập khẩu ép giá nên gặp nhiều khó khăn. “Tình trạng phổ biến hiện này mà các doanh nghiệp đang gặp là có đơn hàng nhưng giá rất thấp, trong khi giá thành, đặc biệt là giá nguyên liệu, đang tăng mạnh, khiến cho nhiều doanh nghiệp phải bỏ đơn hàng”.

Đó là nguyên nhân khách quan nhưng cũng không thể không kể đến những nguyên nhân chủ quan đến từ sản phẩm và cách tổ chức của chính các doanh nghiệp thủ công mỹ nghệ hiện nay.

Phụ thuộc vào thiết kế nước ngoài

Hàng thủ công mỹ nghệ làm từ gốc cây-Ảnh: Hồng Văn

Kiểu dáng sản phẩm, chất lượng sản phẩm, giá cả luôn là những yếu tố tác động trực tiếp đến sản xuất, xuất khẩu của ngành hàng thủ công mỹ nghệ, và cũng chính là nguyên nhân đưa đến tình trạng khó khăn của mặt hàng này, trong khi những ngành hàng khác như đồ gỗ, gốm sứ thì lại phát triển mạnh.

Ông Hùng kể một công ty chuyên thu mua hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam xuất sang thị trường Nhật Bản đã nói thẳng với doanh nghiệp là họ không muốn tiếp tục mua hàng ở Việt Nam mà chuyển sang các nước như Trung Quốc, Philippines… , vì sản phẩm của Việt Nam sau bao nhiêu năm hầu như không có sự thay đổi, sáng tạo về kiểu dáng; trong khi đây là mặt hàng luôn đòi hỏi những thiết kế, kiểu dáng đặc sắc đáp ứng yêu cầu đa dạng của khách hàng.

Trên thực tế, dù là những sản phẩm truyền thống, đặc trưng của Việt Nam nhưng thiết kế chủ yếu do khách hàng nước ngoài đặt, doanh nghiệp trong nước chỉ đơn giản thực hiện công đoạn gia công.

Trước đây cũng có những doanh nghiệp đầu tư cho phòng thiết kế nhưng nhanh chóng đóng cửa vì kiểu dáng mới không dễ một sớm một chiều được khách hàng chấp nhận. Và cũng vì tâm lý “ăn xổi”, chạy theo thiết kế có sẵn, không tốn công đầu tư nghiên cứu phát triển sản phẩm mà mặt hàng vốn có thế mạnh về nguồn nguyên liệu và lực luợng lao động dồi dào, sau hơn 10 năm tham gia xuất khẩu đã không phát triển như mong muốn.

“Vì dựa dẫm hoàn toàn vào nước ngoài nên hết đơn hàng là doanh nghiệp… ngồi chơi xơi nước chờ đến khi có đơn hàng mới”, ông Hùng nhận xét.

Chất lượng sản phẩm lại là một vấn đề khác. Những năm gần đây nhiều nhà xuất khẩu chuyển sang làm hàng nội thất kết hợp thủ công mỹ nghệ có giá trị và lợi nhuận cao hơn. Nhưng cũng chính từ đây, tình trạng bị bồi thường đơn hàng, phạt tiền cũng diễn ra thường xuyên vì những bộ bàn ghế, tủ từ vật liệu lục bình, mây tre Việt Nam xuất sang các nước chỉ sau vài tháng đã bị hư hỏng, mối mọt. Điều này đã làm giảm uy tín và giảm luôn số lượng đơn hàng xuất khẩu.

Đa số các doanh nghiệp xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ đều hình thành và phát triển từ những cơ sở nhỏ, hoặc lớn lên từ các làng nghề truyền thống nên khi tham gia xuất khẩu thường chỉ đáp ứng được những đơn hàng nhỏ với yêu cầu hạn chế về số lượng, chất lượng và kiểu dáng sản phẩm.

“Tỷ lệ hao hụt sản phẩm cho mỗi container hàng thủ công mỹ nghệ thường không dưới 30%, chuyện phải bồi thường, bị phạt tiền diễn ra thường xuyên”, một doanh nghiệp tiết lộ.

Đầu tư cho công nghệ xử lý, quản lý chất lượng sản phẩm hầu như bị bỏ ngỏ nên lợi nhuận thu từ những sản phẩm này rất thấp, trong khi nhà sản xuất đang phải bỏ ra nhiều tiền hơn, thậm chí là nhập khẩu những vật liệu vốn vẫn được coi là có sẵn như lục bình, các loại cây lá.

Ông Hùng cho biết thêm, việc liên kết vì lợi ích chung như chia sẻ đơn hàng, máy móc, công nghệ giữa các nhà xuất khẩu được đặt ra từ rất lâu nhưng đến gần đây mới có một phòng trưng bày, tiếp nhận đơn hàng… liên kết giữa 5, 6 nhà xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ chuẩn bị ra mắt ở quận 1, TPHCM.

“Nếu không có những cái nhìn xa hơn những món hàng quà tặng đơn điệu dễ làm, dễ thay đổi thì còn lâu ngành thủ công mỹ nghệ của Việt Nam mới đi xa được”, ông chia sẻ.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới