Thứ Năm, 28/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Xuất khẩu khó khăn, doanh nghiệp tự cứu mình

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Xuất khẩu khó khăn, doanh nghiệp tự cứu mình

T.Thu

Xuất khẩu khó khăn, doanh nghiệp tự cứu mình
Công nhân đang sản xuất tại một nhà máy nhựa ở TPHCM. Ảnh minh hoạ: Thu Nguyệt

(TBKTSG Online) – Do dự báo tình hình kinh tế thế giới trong sáu tháng cuối năm nay sẽ còn khó khăn hơn nên các doanh nghiệp phải tự cứu mình trước bằng cách đa dạng sản phẩm, thị trường và nguồn vốn vay, theo đề xuất tại hội nghị giao ban xuất khẩu của Bộ Công Thương hôm 17-7.

Nhiều khó khăn vẫn ở phía trước

Tại hội nghị, một số doanh nghiệp kêu rằng chưa năm nào họ phải đối mặt với nhiều khó khăn về thị trường như năm nay. Các doanh nghiệp cho rằng tình hình sẽ còn nghiêm trọng hơn trong sáu tháng cuối năm 2012.

Theo ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch Hội đồng quản trị của Tập đoàn Hoa Sen và là Phó chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, những thông tin ông có được cho thấy tình hình sáu tháng cuối năm nay sẽ rất xấu. Trong đó, các nước như Brazil, Ấn Độ, Trung Quốc đang giảm tăng trưởng khá mạnh.

“Còn thị trường Nhật Bản, châu Âu, và Mỹ thì không có gì để lạc quan”, ông Vũ nói. Theo đó, có khả năng xuất khẩu thép của Việt Nam sẽ bị giảm sút và tình hình sẽ khó khăn hơn.

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên, tình hình sáu tháng đầu năm nay cũng cho thấy khó khăn lớn nhất là khó khăn về thị trường. Trong đó, sức mua của nhiều thị trường suy giảm đáng kể, khả năng thanh toán của khách hàng giảm sút, nhiều doanh nghiệp thiếu đơn hàng dài hạn.

“Nếu trước đây, doanh nghiệp có đơn hàng trước sáu tháng, thậm chí một năm thì hiện số doanh nghiệp có được đơn hàng dài hạn rất ít, chủ yếu chỉ có 2-3 tháng, thậm chí một tháng”, ông Biên nói.

Theo bà Mai Thị Ánh Tuyết, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh An Giang, trong sáu tháng đầu năm nay, tỉnh này chỉ xuất khẩu được 214.000 tấn gạo, bằng 79% so với cùng kỳ, và chỉ đạt gần 40% so với kế hoạch. Do đó, tỉnh này lo lắng, vì xuất khẩu đóng góp lớn cho GDP của tỉnh.

Đa đạng sản phẩm, nguồn tín dụng…

Thay vì chỉ phụ thuộc vào xuất khẩu gạo, và cá tra như bấy lâu (hai mặt hàng xuất khẩu trong năm nay bị rớt giá mạnh so với những năm trước), tỉnh Anh Giang đang dần chuyển đổi sang trồng hoa màu như một hướng đi tiềm năng.

Theo đó, từ tháng 5-2012, chương trình hợp tác trồng đậu bắp xuất khẩu sang Nhật Bản, kết hợp giữa tỉnh An Giang và Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (Satra) bắt đầu được thực hiện. Hiện việc trồng thí điểm được thực hiện trên diện tích 16 héc ta, sẽ tăng thêm 10 héc ta trong cuối tuần này, dự kiến tăng lên thành 50 héc ta vào cuối năm 2012 và lên 100 héc ta vào năm 2013. Hiện nay Satra xuất trực tiếp mặt hàng này sang Nhật Bản.

Tỉnh An Giang cũng đang xây dựng đề án với một doanh nghiệp khác để xuất khẩu nấm rơm sang Hong Kong. Theo bà Tuyết, tỉnh đang thực hiện mô hình sản xuất theo chuỗi gắn với doanh nghiệp. Tức là, doanh nghiệp sẽ căn cứ vào nhu cầu thị trường để đặt hàng người nông dân sản xuất.

Ngoài việc phải đa dạng sản phẩm, thị trường thì các doanh nghiệp cũng tìm cách nâng năng suất lao động, tiếp cận nhiều nguồn vốn tín dụng để có được mức lãi suất phù hợp.

Ông Điền Quang Hiệp, Giám đốc Công ty đồ gỗ Mifaco, cho rằng doanh nghiệp phải tự cứu mình, phải làm sao tăng được năng suất lao động, giảm chi phí để giữ thị trường. Bởi lẽ, một khi doanh nghiệp giữ được thị trường, thì ngân hàng đồng ý cho vay, thậm chí doanh nghiệp có thể đàm phán lãi suất với ngân hàng.

Ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, cho rằng Chính phủ nên khuyến khích doanh nghiệp lập công ty ở nước ngoài và vay ở nước ngoài để tăng nguồn vốn mới.

Hawa kiến nghị cho thông quan ngay lô hàng gỗ ở Cát Lái

Ông Điền Quang Hiệp, Thường trực Ban chấp hành Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TPHCM (Hawa) cho biết bên lề hội nghị hôm 17-7, ban chấp hành hội đã có cuộc họp khẩn tối hôm 16-7 và đã gửi văn bản khẩn cấp kiến nghị Cục Hải quan TPHCM phối hợp với phía kiểm lâm để tháo gỡ khó khăn, làm thủ tục thông quan các lô hàng đồ gỗ xuất khẩu của doanh nghiệp bị vướng thông tư 01 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Theo ông Hiệp, số doanh nghiệp bị vướng theo thống kê hội nắm được đến nay là khoảng 11 doanh nghiệp, nhưng thực tế có thể cao hơn nữa vì có nhiều doanh nghiệp có hàng hóa bị vướng ở cảng nhưng chưa thông báo.

“Số thiệt hại quy ra tiền cũng đang chờ doanh nghiệp thống kê rồi báo cáo lại. Nhưng theo tôi, thiệt hại đáng kể nhất phải nói là thời gian giao hàng, doanh nghiệp đã ký hợp đồng thì phải giao hàng đúng hẹn, nếu trễ sẽ bị đối tác phạt tiền, chưa kể thất tín với đối tác”.

Trước đó, vào cuối tuần, Hải quan cảng Cát Lái đã thông báo không làm thủ tục thông quan cho các lô hàng đồ gỗ xuất khẩu đa phần làm từ gỗ nhập khẩu nhưng chưa có bảng kê lâm sản có xác nhận của kiểm lâm theo quy định của thông tư 01.

Thông tư số 01/2012/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có hiệu lực từ tháng 2/2012, quy định hồ sơ lâm sản hợp pháp và kiểm tra nguồn gốc gỗ, lâm sản ngoài gỗ khai thác, vận chuyển, chế biến, kinh doanh, cất giữ tại Việt Nam.

Thái Hằng

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới