Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Xuất khẩu khoáng sản: Tạm lắng chứ chưa hết lo

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Xuất khẩu khoáng sản: Tạm lắng chứ chưa hết lo

Ngọc Lan

Việc khai thác, xuất khẩu khoáng sản hiện nay rất lộn xộn, gây nhiều thiệt hại cho đất nước. Ảnh: Duy Khương.

(TBKTSG) – Để hạn chế tối đa nạn chảy máu tài nguyên, Chính phủ trực tiếp cấp từng tờ giấy phép xuất khẩu khoáng sản. Thống kê thực tế của hải quan 11 tháng qua cho thấy có vẻ tình hình diễn ra êm xuôi, trong tầm kiểm soát. Song, thực tế mới đây, đã có tỉnh phải ban hành lệnh cấm xuất khẩu khoáng sản vì hoạt động khai thác, vận chuyển và xuất khẩu trên địa bàn đã trở nên rất lộn xộn.

Đó là quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Nguyễn Văn Vịnh, ban hành từ cuối tháng 11 vừa qua. Theo thông báo khẩn của UBND tỉnh, kể từ ngày 25-11, tỉnh Lào Cai thống nhất tạm dừng toàn bộ hoạt động xuất khẩu khoáng sản trên địa bàn tỉnh.

Đồng thời hàng loạt các biện pháp mạnh sẽ được áp dụng để lập lại trật tự khai khoáng, vận chuyển, xuất khẩu khoáng sản trên địa bàn tỉnh, từ việc yêu cầu mỗi doanh nghiệp phải xây dựng phương án vận chuyển cụ thể trong nội địa để tỉnh phê duyệt, đăng ký kê khai (có kiểm soát của các cơ quan chức năng đến từng xe tải), lắp thêm trạm cân ở cửa khẩu, thanh tra từng kho hàng hóa.

Nếu các đơn vị không chấp hành, sẽ có những biện pháp mạnh như rút giấy phép khai thác. Công an tỉnh cũng phải rà soát, đánh giá lực lượng cảnh sát làm nhiệm vụ ở những nơi vận chuyển khoáng sản đi qua nhằm tránh tình trạng doanh nghiệp “làm luật” với công an để vận chuyển và xuất khẩu trái phép.

Lý do nào tỉnh Lào Cai phải làm như vậy khi mà Luật Khoáng sản (sửa đổi) mới thông qua hồi đầu tháng 11 đã bổ sung thêm nhiều điều khoản siết chặt lại việc khai khoáng?

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tính đến trung tuần tháng 11, riêng mặt hàng quặng sắt được xuất qua cửa khẩu Lào Cai đạt hơn 282.000 tấn trong tổng số 723.487 tấn quặng sắt xuất khẩu của cả nước (tức hơn 25%).

Trong khi đó, theo thống kê của Bộ Công Thương, sản lượng, kim ngạch các nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản xuất khẩu đã giảm mạnh trong 11 tháng qua, chẳng hạn như dầu thô và than đá giảm từ 26-42% so với cùng kỳ năm trước. Thế nhưng, quặng và các khoáng sản khác chỉ giảm khoảng 4% về kim ngạch xuất khẩu, điều này cho thấy việc hạn chế xuất khẩu khoáng sản thô và sơ chế chưa mang lại kết quả trong thực tế.

Chính UBND tỉnh Lào Cai cũng thừa nhận rằng: “Thời gian gần đây, công tác quản lý giám sát hoạt động khai thác và vận chuyển, xuất khẩu khoáng sản của các ngành và chính quyền trong tỉnh có dấu hiệu chủ quan, quản lý chưa chặt chẽ, thống nhất, gây búc xức trong dư luận xã hội và nhân dân địa phương” (Thông báo số 145 ngày 22-11 của UBND tỉnh gửi đoàn đại biểu Quốc hội và nhiều nơi liên quan). Và đây mới là tình hình thực tế buộc UBND tỉnh phải ban hành quyết định nói trên.

Nhưng chỉ riêng quyết tâm của tỉnh Lào Cai thì không đủ để hạn chế việc xuất khẩu khoáng sản thô. Bởi xuất khẩu khoáng sản chính ngạch được phép thực hiện tại hơn 10 cửa khẩu trong cả nước và nếu như tỉnh này cấm, thì doanh nghiệp sẽ có phương án xuất khẩu qua tỉnh… không cấm, miễn là có trong tay giấy phép được Chính phủ cấp. Nhưng Chính phủ và cơ quan tham mưu là Bộ Công Thương khó có thể kiểm soát đến nơi đến chốn việc xuất khẩu của doanh nghiệp.

Xét về nguyên tắc, vì tuân thủ quy định hạn chế tối đa xuất khẩu khoáng sản thô, Chính phủ chỉ cho phép doanh nghiệp xuất khẩu quặng (chủ yếu qua Trung Quốc) để đối lưu hàng hóa (than mỡ, than cốc…). Hầu hết các giấy phép xuất khẩu đều ghi rõ như vậy. Nhưng do thời hạn của giấy phép xuất khẩu khá dài, kéo từ năm trước qua năm sau, nên việc kiểm soát không dễ. Doanh nghiệp có thể xuất khoáng sản đi mà chưa chắc đã nhập hàng đối lưu về.

Hơn nữa, hàng chục doanh nghiệp được cấp giấy phép xuất khẩu là các doanh nghiệp tư nhân nhỏ và vừa nằm rải rác ở nhiều địa phương, việc kiểm soát tình hình xuất khẩu lại càng khó, nhất là tình trạng quay vòng giấy phép hoặc “làm luật” với một số cơ quan quản lý địa phương.

Như TBKTSG đã phân tích (xem thêm bài Chưa sờ đến gốc trên số 44, ra ngày 28-10-2010), Luật Khoáng sản (sửa đổi) thực ra mới chỉ điều chỉnh đến khâu khai thác mà không điều chỉnh khâu chế biến và sử dụng khoáng sản vì các vấn đề lộn xộn nằm ở khâu này rất nhiều, như trường hợp ở tỉnh Lào Cai. Do đó, dự thảo nghị định hướng dẫn thực thi Luật Khoáng sản (sửa đổi) đang được các cơ quan chức năng soạn thảo cần phải mạnh tay hơn với tình trạng “chảy máu” tài nguyên.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới