Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Xuất khẩu ‘không giới hạn’ và cuộc chinh phục rào cản của các doanh nghiệp Việt

Vân Ly

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Vẫn đang trong giai đoạn hồi phục sau đại dịch Covid-19, thương mại toàn cầu lại tiếp tục diễn biến khó lường do ảnh hưởng bởi lạm phát tăng cao, khủng hoảng năng lượng… Bối cảnh khó khăn chung đã khiến hoạt động xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt là nhiều ngành hàng chủ lực, tăng trưởng chậm lại. Chính vì vậy, xuất khẩu trực tuyến là một trong những kênh hữu hiệu để các nhà sản xuất tiếp cận tới mọi thị trường, gia tăng doanh số.

Tuy nhiên, theo nhận định từ các chuyên gia, xuất khẩu trực tuyến qua các nền tảng xuyên biên giới không phải là “cây đũa thần” đưa doanh nghiệp đến với thị trường quốc tế nhanh chóng nếu thiếu sự chủ động và chuyên nghiệp.

Gian hàng Việt Nam trên sàn thương mại điện tử Alibaba.com. Ảnh: Vân Ly

Kiên trì trên hành trình xuất khẩu trực tuyến

Khi thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ, với tốc độ tăng trưởng bình quân 30%/năm, xu hướng giao dịch và bán hàng toàn cầu của các doanh nghiệp trong nước cũng ngày một lan rộng. Xuất khẩu trực tuyến đang là đích đến của nhiều doanh nghiệp, với đủ loại hình và quy mô hoạt động, bởi đây không còn là xu thế mà đã trở thành thực tế.

Phân tích từ các chuyên gia cho thấy, trước đây hoạt động xuất nhập khẩu dường như chỉ dành cho các doanh nghiệp có quy mô lớn và khả năng tiềm lực kinh tế cao. Tuy nhiên, hiện nay những doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa cũng có thể bình đẳng vươn tới thương mại toàn cầu nếu họ thực sự chủ động.

Tại Hội nghị Định hướng chiến lược kinh doanh trên nền tảng số do Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương vừa tổ chức vào ngày 1-3, Công ty Cổ phần Cà phê Mê Trang được chọn là doanh nghiệp chia sẻ câu chuyện kinh doanh, tìm kiếm khách hàng xuất khẩu qua Alibaba.com.

Kể về hành trình gian nan khi xuất khẩu trực tuyến, ông Dương Khánh Toàn, Giám đốc Phát triển kinh doanh quốc tế của Cà phê Mê Trang cho biết, để bán được hàng qua nền tảng quốc tế, công ty cũng trải qua không ít gian nan.

Cụ thể Mê Trang đã bán hàng qua Alibaba.com từ năm 2014 đến 2018 mà không có khách hàng. Do đó, năm 2019, doanh nghiệp rời khỏi ngôi chợ trực tuyến này. Đến năm 2021, đại dịch Covid-19 đã tác động lớn đến hoạt động kinh doanh của Mê Trang, doanh nghiệp đã quyết định quay lại sàn vào năm 2022.

Khi quay trở lại với Alibaba.com, Mê Trang đồng thời thay đổi tư duy, xem đây là kênh quan trọng và tập trung nguồn lực để khai thác, tìm kiếm khách hàng. Ngoài việc đầu tư kinh phí để nâng cấp tài khoản bán hàng, có thêm công cụ, tiện ích hỗ trợ việc kinh doanh, có chứng nhận và tạo được lòng tin từ người mua.

Doanh nghiệp cũng dành sự ưu tiên cho công tác phát triển nhân sự chuyên cho kênh bán hàng trên sàn Alibaba.com, đi cùng với việc kiểm tra và đánh giá việc khai thác kênh bán hàng này hiệu quả như thế nào… và sau đó đã hái “quả ngọt” là những đơn hàng lớn.

Năm 2023 này, Mê Trang đặt mục tiêu tăng gấp 3 doanh thu xuất khẩu qua Alibaba.com, mở rộng khách hàng tại thị trường châu Âu và Trung Đông.

Mê Trang đánh giá Alibaba.com không chỉ là kênh bán hàng mà còn là giải pháp hỗ trợ hoạt động tiếp thị (marketing) và quảng bá thương hiệu, giúp nhà sản xuất tìm kiếm khách hàng tiềm năng. Công ty cho rằng việc trả chi phí để được bán hàng qua Alibaba.com (khoảng 10.000 đô la Mỹ một năm) hoàn toàn đáng “đồng tiền bát gạo”.

Ông Toàn chia sẻ các doanh nghiệp xuất khẩu nên có sự tham khảo, lựa chọn trong danh sách các đại lý của Alibaba.com tại Việt Nam một đối tác phù hợp thì khả năng thành công sẽ cao hơn.

Mê Trang là một thương hiệu cà phê Việt gần đây đẩy mạnh xuất khẩu trực tuyến. Ảnh: DNCC

Bà Xuân Hải Yến, Phó giám đốc Proline Việt Nam – nhà cung ứng màng nhựa, băng keo… cho biết doanh nghiệp bắt đầu bán hàng trên Alibaba.com từ năm 2015. Lúc đầu, việc bán hàng trên sàn trực tuyến này không hiệu quả, không có lượng truy cập, không tiếp cận được khách hàng mục tiêu… Tuy nhiên, doanh nghiệp không từ bỏ giấc mơ xuất khẩu qua sàn thương mại điện tử nên đã đầu tư tài chính để tối ưu hóa tài khoản, đầu tư nguồn lực.

Đến nay, toàn bộ đơn hàng xuất khẩu của Proline Việt Nam đều đến từ Alibaba.com. Tăng trưởng doanh thu của công ty trong năm 2020 gấp 3 lần so với năm 2019, doanh nghiệp có khách hàng tại nhiều nước trên thế giới…

Có thể nói, Alibaba.com là sự lựa chọn thích hợp giúp các doanh nghiệp tìm được khách hàng tiềm năng trong thị trường quốc tế rộng lớn, còn việc xuất khẩu có hiệu quả hay không còn phụ thuộc vào sự tuân thủ các tiêu chí, quy định toàn cầu về chất lượng, tính an toàn.

Cung cấp thông tin cho KTSG Online, nhiều đại lý của Alibaba.com tại Việt Nam cho biết, nếu muốn thành công khi bán hàng trên sàn trực tuyến, các doanh nghiệp cần chú ý tới một số kinh nghiệm quan trọng. Trước hết, đó là sự kiên trì và nhẫn nại, cố gắng phát triển sản phẩm, tích lũy kinh nghiệm dần dần theo thời gian.

Kế tiếp, cần tạo ra ưu thế trước những đối thủ, bởi tính cạnh tranh tại ngôi chợ quốc tế này khá gay gắt. Một trong những cách thức đơn giản và hiệu quả nhất mà các doanh nghiệp có thể thực hiện đó là đầu tư cho hình ảnh và nội dung của sản phẩm.

Một mắt hàng có hình ảnh đẹp, được xây dựng nội dung hấp dẫn sẽ có sức thu hút đối với khách hàng, giúp doanh nghiệp chiến được cảm tình của nhiều khách hàng tiềm năng.

Việc tìm hiểu và tiếp thu những tập quá, phong tục và nét văn hóa mới mẻ của khách hàng đến từ nhiều quốc gia khác nhau là điều cần thiết. Tùy theo từng khách hàng, doanh nghiệp cần phải ứng xử, tư vấn cho sao cho phù hợp với văn hóa của đất nước họ, tránh gây ra những hiểu nhầm khiến người mua hàng cảm thấy khó chịu, ác cảm. Việc thấu hiểu và ứng xử phù hợp với phong tục, văn hóa của khách hàng còn khiến họ yêu thích nhà xuất khẩu hơn và trở thành một khách hàng lâu dài.

Doanh nghiệp không nên bỏ qua hoặc có thái độ hời hợt với khách hàng nhỏ lẻ bởi có thể chính họ là những khách lâu dài, tiềm năng sau này.

Alibaba.com không lấy phí giao dịch hoặc chiết khấu hàng hoá. Mà thay vào đó, người bán sẽ phải trả một khoản phí hằng năm khi khởi tạo tài khoản bán hàng (khoản phí này là duy nhất và chỉ phải trả một lần/năm). Tài khoản miễn phí cho phép đăng 50 sản phẩm đầu tiên lên sàn để kiếm khách hàng tiềm năng. Để được hỗ trợ thêm về thủ tục và nhiều tính năng thì doanh nghiệp cần phải trả phí.

Hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu trực tuyến

Chia sẻ tại hội nghị, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho biết năm 2023 là năm bản lề trong việc thực hiện thành công kế hoạch phát triển kinh tế giai đoạn 2021 – 2025, trong đó mục tiêu số hoá các hoạt động xúc tiến thương mại đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong công tác xúc tiến là một nội dung quan trọng. Cùng với sự nỗ lực của các cơ quan chức năng, doanh nghiệp cũng cần chủ động, tích cực, đáp ứng các quy định của thị trường nhập khẩu, tham gia triển khai hoạt động xúc tiến thương mại để đón đầu cơ hội từ thị trường, đặc biệt là các thị trường có hiệp định thương mại tự do FTA.

Ông Phú cho hay, Bộ Công Thương đã phối hợp với các đối tác trong nước và quốc tế tiến hành các hoạt động nhằm hỗ trợ doanh nghiệp đa dạng các kênh phát triển thị trường. Alibaba.com là một trong những kênh thương mại điện tử uy tín toàn cầu với hơn 260 triệu nhà mua hàng trên phạm vi 190 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đây là thị trường tiềm năng cho các doanh nghiệp Việt Nam mở rộng quy mô kinh doanh và bán hàng tới khách hàng trên toàn thế giới.

Cục Xúc tiến thương mại đã phối hợp với Alibaba.com để kết nối cho các doanh nghiệp bán hàng trên website này. Hàng loạt sự kiện đã được tổ chức, như Hội nghị Thương mại điện tử quốc tế B2B Alibaba.com năm 2021, Hội nghị Quốc tế “Xuất khẩu trực tuyến qua nền tảng TMĐT Alibaba.com” năm 2022 và khai trương “Gian hàng Quốc gia Việt Nam – Vietnam Pavilion năm 2022.

Ngoài ra, hơn 200 khoá huấn luyện, khóa đào tạo được hai đơn vị phối hợp triển khai ở các tỉnh thành trên phạm vi toàn quốc, tập trung vào các nội dung như tiếp cận với phương thức kinh doanh trên nền tảng số, cách thức vận hành gian hàng số, bán hàng trực tuyến (livestream)… Đã có khoảng 5000 doanh nghiệp cả nước được hỗ trợ bán hàng trên nền tảng Alibaba.com.

TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương cho hay, xuất khẩu Việt Nam được kỳ vọng tăng trưởng 6% năm 2023, mở ra kì vọng kinh doanh mới cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, nền kinh tế Việt Nam cũng đang đứng trước nhiều thách thức khó khăn, đòi hỏi các doanh nghiệp phải có các bước chuẩn bị tương ứng, trong đó các mô hình kinh doanh mới, đặc biệt là thương mại điện tử cần được áp dụng nhiều hơn. Đây cũng là giải pháp hữu hiệu giúp tiết giảm chi phí để vượt qua khó khăn hiện nay.

Còn ông Roger Luo, Giám đốc Alibaba.com khu vực châu Á – Thái Bình Dương cho hay, thông qua dữ liệu xuất khẩu của Việt Nam trong những năm vừa qua, có thể nhận thấy nhiều đối tác mua hàng coi Việt Nam là sự lựa chọn hàng đầu về điểm thu mua hàng. Nhiều sản phẩm từ các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam đã được đánh giá cao về chất lượng thành phẩm, kỹ năng xuất khẩu cũng như dịch vụ chăm sóc khách hàng.

Ông Roger Luo cho biết, các nhà cung cấp tại Việt Nam hiện có trên 800.000 sản phẩm đã được niêm yết trên Alibaba.com và có hơn 70.000 tin nhắn hỏi hàng mỗi tháng. Đây là những cơ hội để hàng hóa Việt Nam có thể đến với các doanh nghiệp trên toàn thế giới. Để thành công trên nền tảng Alibaba.com, nhà bán hàng cần có kỹ năng đàm phán tốt. Bên cạnh đó, việc đầu tư vào vận hành nền tảng là điều cần thiết giúp nhà bán hàng tiếp cận nhiều khách hàng hơn.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới