Thứ Năm, 18/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Xuất khẩu lao động 2010: Malaysia vẫn là thị trường trọng tâm

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Xuất khẩu lao động 2010: Malaysia vẫn là thị trường trọng tâm

Thanh Thương

Người lao động theo dõi thông tin tuyển dụng tại Công ty xuất khẩu lao động Suleco, TPHCM. Ảnh: Thanh Thương

(TBKTSG Online) – Thị trường Malaysia vẫn là thị trường lớn, thu hút nhiều lao động Việt Nam trong năm 2010, đó là khẳng định của Cục trưởng Cục quản lý lao động nước ngoài, Bộ Lao động Thương binh Xã hội Nguyễn Ngọc Quỳnh sau thông tin lao động nước ngoài tại nước này bị khai thác quá mức.

>> Maylaysia: Lao động nước ngoài bị khai thác quá mức

Ông Quỳnh cho rằng thực tế việc vắt kiệt sức người lao động nước ngoài tại Malaysia cũng có thể có, nhưng không chiếm số lượng nhiều, cho đến hiện tại, không có một phản hồi nào từ phía người lao động Việt Nam về vấn đề này.

Hiện tại Malaysia, Đài Loan vẫn là các thị trường lớn mà Việt Nam hướng đến trong năm 2010 vì đây là các thị trường không đòi hỏi nhiều về trình độ chuyên môn và ngoại ngữ nên không kén chọn lao động. Đây cũng là một thị trường phù hợp cho lao động nghèo đi xuất khẩu.

Vào năm ngoái, khi tình hình khủng hoảng kinh tế xảy ra, Malaysia đã ngưng tuyển dụng và một số lao động phải về nước trước hạn, tuy vậy, hiện nay, thị trường này đã phục hồi tốt và nhu cầu tuyển dụng đã tăng lên.

Theo Công ty xuất khẩu lao động Sovilaco thì trong tháng 1 vừa qua công ty này cũng đã đưa 54 lao động diện nghèo đi làm việc tại Malaysia với mức lương từ 4 đến 5 triệu đồng/tháng (chưa tính thời gian làm thêm). Dự kiến trong năm nay, Sovilaco sẽ đưa 1.500 lao động đi làm việc tại các thị trường như Malaysia, Trung Đông, Các tiểu vương quốc Ả Rập, Hàn Quốc, Libya… Riêng Malaysia, công ty này đã ký kết hợp đồng với nhiều nhà máy sản xuất linh kiện điện, điện tử, gỗ nội thất, in ấn…

Trong khi đó, ông Nguyễn Trường Sơn, đại diện Công ty xuất khẩu lao động Trường Giang thì hiện tại công ty ông cũng đang tìm kiếm lao động cho thị trường Malaysia. Nhưng từ quí 1 đến nay chưa có nhiều lao động đăng ký, và công ty cũng chưa đưa được lao động nào sang thị trường này, dù mục tiêu của công ty năm nay là 70 lao động. Lý giải điều này, ông Sơn cho rằng, với mức thu nhập khá thấp so với mặt bằng chung, cùng với nhiều thông tin tiêu cực về cách quản lý lao động ở Malaysia đã khiến lao động chần chừ.

Tuy vậy, ông Quỳnh vẫn cho rằng các doanh nghiệp khi xuất khẩu lao động sang Malaysia thì phải chọn hợp đồng tốt, lương cao (trên 4 triệu đồng), có tính ổn định cao, ít rủi ro cho người lao động. Đồng thời cơ quan này cũng sẽ theo dõi, giải quyết kịp thời các vấn đề phát sinh, bảo đảm quyền lợi của người lao động, không để các vụ việc kéo dài, gây ảnh hưởng xấu tới người lao động và dư luận.

Với thị trường Đài Loan, Cục quản lý lao động nước ngoài cho biết, hiện tại đang tuyển lao động làm việc trong lĩnh vực sản xuất, chế tạo và khán hộ công trong viện dưỡng lão. Ông Quỳnh cũng cho biết bộ đang có ý định tổ chức hội nghị với Đài Loan để mở rộng nhu cầu cung cấp lao động thêm nhiều ngành và lĩnh vực.

Bên cạnh đó, thị trường Dubai đang cần 4.000 lao động làm nhân viên bảo vệ. Một số nước trong khu vực Trung Đông cũng có nhu cầu tuyển dụng lớn, nhưng yêu cầu của các nước này là tuyển dung lao động có nghề. Vì vậy ông Quỳnh cho biết cục đang mở rộng công tác hỗ trợ đào tạo các nghề có nhu cầu cao như nghề hàn, nghề xây dựng, cơ khí, dịch vụ và hỗ trợ đào tạo ngoại ngữ cho các lĩnh vực như du lịch, khách sạn, bán lẻ.

Tại Hàn Quốc, số lượng lao động Việt Nam được ký hợp đồng và làm việc luôn cao nhất trong số các nước đưa lao động sang Hàn Quốc, như năm 2009 là gần 5.000 lao động, bằng 34% chỉ tiêu tuyển dụng của nước này. Trong năm 2010, dự báo của các doanh nghiệp trong ngành thì đây tiếp tục là thị trường quan trọng khi mức lương cao, công việc ổn định.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới