Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc: Tiềm năng nhưng đầy rủi ro

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc: Tiềm năng nhưng đầy rủi ro

Thùy Dung

Nhiều mặt hàng trái cây, nông sản của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc liên tục bị ách tắc tại cửa khẩu Tân Thanh trong nhiều năm qua vẫn là do thói quen buôn bán tiểu ngạch của doanh nghiệp. Ảnh: BM.

(TBKTSG Online) – Trung Quốc được coi là thị trường tiềm năng cho các mặt hàng nông sản Việt Nam song làm ăn với thị trường này không hề đơn giản, cần phải có sự hỗ trợ của các cơ quan liên quan nếu không theo nhiều chuyên gia, mặt trái của nó là gây bất ổn thị trường và ảnh hưởng tới thương hiệu nông sản Việt Nam.

Khách hàng lớn…

Theo Vụ châu Á – Thái Bình Dương, Bộ Công Thương, Việt Nam bắt đầu nhập siêu từ Trung Quốc từ năm 2000 và mức nhập siêu không ngừng tăng, từ 210 triệu đô la Mỹ năm 2000 đã lên đến 19 tỉ đô la Mỹ vào năm 2012. Riêng 10 tháng đầu năm nay, mức nhập siêu này đã là 19,6 tỉ đô la Mỹ.

Tuy nhiên, trái ngược với xu hướng nhập siêu chung của cả nước, Trung Quốc lại là nước tiêu thụ nông sản lớn nhất của Việt Nam. Tính đến hết tháng 11, kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang Trung Quốc đạt khoảng 7,5 tỉ đô la Mỹ, chiếm 30% tổng giá trị xuất khẩu nông sản của cả nước, theo số liệu của Vụ này.

Ngoài những mặt hàng truyền thống như cao su, gỗ, hạt điều, tiêu…gần đây Trung Quốc còn tiêu thụ mạnh các mặt hàng mới như rau quả, sắn và các sản phẩm từ sắn, thủy sản, gạo, thịt lợn…

Theo ông Nguyễn Văn Kỳ, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit), 11 tháng đầu năm nay, tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam đạt khoảng gần 1 tỉ đô la Mỹ, tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm ngoái; trong đó Trung Quốc là thị trường lớn nhất, chiếm 30% tỉ trọng kim ngạch xuất khẩu và có mức tăng trưởng gần 40% so với cùng kỳ năm ngoái.

Còn theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN-PTNT), những năm trước sắn là một sản phẩm có kim ngạch xuất khẩu thấp nhưng một vài năm gần đây, kim ngạch xuất khẩu sắn sang Trung Quốc luôn đạt hơn 500 triệu đô la Mỹ, chiếm trên 90% tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam.

Nhưng cũng rất “khó chịu”

Khi được hỏi, nhiều chuyên gia đều cho rằng, Trung Quốc là một khách hàng lớn, đầy tiềm năng nhưng không hề dễ chịu. Ngoài những mặt hàng truyền thống, họ còn mua những thứ rất “oái ăm” như lợn mỡ, đỉa, ốc bươu vàng, vịt đẻ…với giá rất cao và trong thời gian ngắn nên gây rối loạn thị trường.

Đặc biệt, thời gian qua phía thương lái Trung Quốc đã thu mua số lượng lớn loại heo mỡ, trên 100 kg. Trước hiện tượng này, ông Nguyễn Đăng Vang, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam, cảnh báo người nuôi không nên xác định nuôi heo trên 1 tạ làm sản phẩm lâu dài, vì nếu sản xuất nhiều, sau này phía Trung Quốc không thu mua nữa thì chỉ thiệt người nuôi.

Hơn nữa, đầu tháng 12, Công an tỉnh Tiền Giang phát hiện và xử lý 8 đối tượng có quốc tịch Thái Lan thu gom trái cây trái pháp luật trên địa bàn huyện Cai Lậy (Tiền Giang) để xuất đi Trung Quốc. Đặc biệt, các đối tượng này đã dùng hóa chất mang từ Trung Quốc sang để thúc quả chín và bảo quản.

Sau khi cơ quan chức năng phát giác vụ việc, hoạt động tiêu thụ sầu riêng gặp nhiều khó khăn, giá bán giảm mạnh, từ 50.000 đồng/kg xuống chỉ còn khoảng 30.000 – 35.000 đồng/kg. Chính điều này đã gây bất ổn cho thị trường nông sản Việt Nam.

Đây không phải là trường hợp duy nhất, trước đó, từ tháng 1 đến tháng 7-2013, Công an tỉnh Tiền Giang cũng phát hiện 3 vụ thương nhân Trung Quốc sang thu mua sầu riêng, dứa, mực tươi trái phép.

Theo Vinafruit, khi biết thông tin sầu riêng Việt Nam được ủ chín bằng hóa chất, các đối tác nước ngoài có thể sẽ đặt dấu hỏi với các loại trái cây khác của chúng ta. Và đây mới là mất mát lớn nhất đối với thương hiệu nông sản của Việt Nam nếu các cơ quan chức năng không vào cuộc.

Chờ đề án xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc

"Cần có đại diện của Việt Nam ngay tại Trung Quốc nắm nhu cầu hàng hóa và chủ động về vấn đề hợp đồng, pháp lý… khi tiến hành xuất khẩu nông sản”

Ông Đoàn Xuân Hòa,

Phó Cục trưởng Chế biến Thương mại Nông lâm thủy sản và Nghề muối

Ông Đoàn Xuân Hòa, Phó Cục trưởng Chế biến Thương mại Nông lâm thủy sản và Nghề muối, Bộ NN-PTNT cho hay, Việt Nam chưa có nhiều kênh thông tin về thị trường Trung Quốc, không biết các thương lái mua các sản phẩm nông sản “rất lạ” cho mục đích gì.

Ngoài ra, thời gian vừa qua, rất nhiều trường hợp xe vận tải hoa quả phải xếp hàng dài tại các cử khẩu là do Việt Nam chủ yếu xuất khẩu theo đường biên mậu, trong khi các chính sách thương mại biên mậu của Trung Quốc thường xuyên thay đổi, rất khó khăn cho giao thương nông sản, mặt hàng rất dễ bị hư hỏng. Bên cạnh đó, sự lỏng lẻo, thiếu thận trọng trong hợp tác làm ăn của doanh nghiệp Việt Nam với thương nhân Trung Quốc dễ phát sinh rủi ro lớn.

Theo ông Hòa, để tránh rủi cho nông dân qua xuất khẩu biên mậu, cần phải có hệ thống “bao biên”, tức là hệ thống những người thu mua tại biên giới theo lệnh từ xa. Hệ thống những người thua mua bao biên này thường nhận lệnh thu mua của những doanh nghiệp nhập hàng thực sự thường nằm rất sâu trong nội địa.

Cũng theo ông Hòa, hiện nay hai nước đã thống nhất với nhau về việc mở thêm một số cửa khẩu phụ để tăng giao thương hai bên. Vì vậy cơ hội giao thương cho nông sản sẽ càng mở rộng, mặt khác, khi giao dịch cũng cần có đầu mối giữa hai nước tại cửa khẩu.

“Thậm chí cần có đại diện của Việt Nam ngay tại Trung Quốc nắm nhu cầu hàng hóa và chủ động về vấn đề hợp đồng, pháp lý… khi tiến hành xuất khẩu nông sản”, ông Hòa nhấn mạnh.

Mặc dù xác định thị trường Trung Quốc tiềm ẩn nhiều rủi ro nhưng Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát khảng định đây là thị trường đầy tiềm năng cho nông sản Việt Nam. Vừa qua, Bộ NN-PTNT phối hợp với Bộ Công Thương tiến hành lập đề án xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc. Tuy nhiên, Bộ trưởng không cho biết đến khi nào đề án này sẽ hoàn thành.


BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới