Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

“Xuất khẩu” nông sản tại vườn: Tiềm ẩn nhiều rủi ro

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

“Xuất khẩu” nông sản tại vườn: Tiềm ẩn nhiều rủi ro

Tạ Minh Tuấn*

(TBKTSG Online) – Gần đây dư luận phản ánh nhiều chiều về việc thương nhân Trung Quốc tới tận ruộng vườn mua nông sản. Một số nông dân và một số người tham gia diễn đàn trên trang Nông sản TBKTSG Online theo cách nhìn trực diện phát hiểu cảm nhận việc bán được hàng, bán giá cao là có lợi cho nông dân. Một số hiệp hội có hoạt động xuất khẩu tỏ ra bức xúc bị mất nguồn cung, buộc lâm vào thế xáo trộn đầu vào bế tắc đầu ra. Nhà quản lý thương mại lo lắng cho doanh nghiệp trong nước do mất nguyên liệu sẽ mất thị trường.

Thương nhân Trung Quốc (đứng) thuê nhà dân ở Bắc Giang và thuê nhân cộng lao động để mua và đóng vải thiều chở về Trung Quốc, một hình ảnh rõ ràng nhất về việc mua tận gốc của thương nhân Trung Quốc – Ảnh: Minh Tuấn

Hiện tượng mới nhất đáng báo động khi doanh nghiệp xuất khẩu cà phê buộc phải thu mua đắt hơn giá bán vì phải thực hiện hợp đồng đã ký và tránh bị phạt theo luật pháp quốc tế. Câu hỏi là ai hưởng lợi và ai bị hại trong chuyện này và vì đâu nên nỗi?

Hội nhập kiểu mậu biên

Sau sự kiện nước ta trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), môi trường xuất khẩu được mở rộng chưa từng có trong lịch sử thương mại Việt Nam. “Đùng” một cái, các doanh nghiệp được trao “chìa khóa” mở cửa hơn 150 thị trường. Tương tự, doanh nghiệp nhập khẩu có hàng trăm nguồn cung cấp hàng hóa từ nguyên liệu tới thành phẩm tiềm năng.

Lý thuyết là thế, trên thực tế cần quan sát thêm các hiệp định song phương hay đa phương và cán cân thương mại của các cặp đối tác, các dòng sản phẩm xuất nhập khẩu được chỉ định.

Một điều quan trọng về sự bảo đảm tính minh bạch và ngang bằng về quyền lợi giữa các doanh nghiệp xuất nhập khẩu trong hội nhập WTO là việc thực hiện hàng loạt các hiệp định thương mại, an toàn thực phẩm, thuế quan và lộ trình giảm thuế.

Trải qua bốn năm vận hành, một số doanh nghiệp xuất khẩu đã hội nhập tốt, trong đó có không ít doanh nghiệp “trẻ” và hoàn toàn mới. Kinh nghiệm từ các doanh nghiệp thành công là bám sát tiến độ hội nhập, khảo sát nắm chắc nhu cầu của thị trường cùng với sự nhìn nhận và khả năng vượt qua các hàng rào kỹ thuật thương mại; xây dựng chuỗi cung ứng cùng với xác định chuỗi giá trị gia tăng cho từng ngành hàng.

Trong những thành công của các doanh nghiệp xuất khẩu sang Trung Quốc có một số mô hình giúp cải thiện hoạt động mậu biên theo hướng chính quy nên giữ được thế ổn định và phát triển.

Các mô hình mậu biên tuy giải quyết được yêu cầu giao lưu sản phẩm giữa các vùng giáp ranh hai nước (Việt – Trung) nhưng cách thức quản lý này ít nhiều làm chậm lại sự phát triển của sản xuất và thị trường theo yêu cầu thương mại hội nhập.

Trường hợp thương nhân nước ngoài trực tiếp đưa tàu vào đến cửa sông Mê Kông ở phía Nam mua dừa, thuê nhà dân Bắc Giang ở phía Bắc làm nơi mua trái vải … là những ví dụ ta đã không làm chủ được môi trường thương mại, buông lỏng quản lý. Trong nhiều trường hợp một số cá nhân, doanh nghiệp trong nước đã bao che cho các vi phạm. Họ nhận tiền mua hàng của doanh nhân nước ngoài trực tiếp tranh mua cà phê, trái cây và các nông sản (giá cao hơn) tại địa bàn sản xuất, thậm chí làm thủ tục đưa hàng qua biên giới “giúp” thương hàng nước ngoài.

Bỏ quên vai trò làm chủ các chuỗi cung ứng

Các chuỗi cung ứng hình thành từ rất lâu đời và ngày nay đang phát triển theo sự phân công quốc tế về các lĩnh vực, ngành hàng nhất định. Hệ thống siêu thị bán lẻ trong nước và quốc tế là những biểu thị của mô hình chuỗi cung ứng liên hoàn những mặt hàng tiêu dùng. Sự đầu tư của nhà bán lẻ chuyên nghiệp cho sản xuất và sau đó chính họ bán lẻ sản phẩm cho người tiêu dùng.

Trong sản xuất và xuất khẩu nông sản rất cần các chuỗi cung ứng liên hoàn và nhà xuất khẩu đóng vai trò chủ động. Quy hoạch dài hạn được vạch ra cho những sản phẩm thế mạnh đồng thời xây dựng chuỗi cung ứng để thực hiện các chương trình hợp tác song phương. Để các thương nhân hay doanh nghiệp nước ngoài trực tiếp hay gián tiếp thu mua nông sản trên địa bàn sản xuất tức là đánh mất quyền chủ động xây dựng chuỗi cung ứng.

Trong trường hợp này (thường là một vài mặt hàng, một vụ, một chuyến hàng) nhà nông có thể được người mua trả giá cao hơn bình thường một vài giá; nhà doanh nghiệp “đại diện” cho thương nhân nước ngoài hưởng lợi thêm chút ít nhờ làm trung gian, lo khâu giấy tờ …nhưng giá trị gia tăng của chuỗi tiếp thị không được phát huy, thuế nhà nước cũng không thu được để hỗ trợ doanh nghiệp tái sản xuất hoặc phát triển thị trường.

Bán sản phẩm cho doanh nghiệp nước ngoài trên địa bàn sản xuất tác động đến việc phá vỡ quy hoạch sản xuất, xói mòn tính chiến lược trong cạnh tranh. Những tổ chức, thương nhân nước ngoài trực tiếp mua sản phẩm tại địa bàn sản xuất không có chứng từ để chứng minh tính minh bạch của sản phẩm tham gia thị trường.

Liên kết

Hiện tượng “mua tận gốc, bán tận ngọn” nói trên của các thương nhân nước ngoài thực chất chỉ làm giàu cho doanh nghiệp nước ngoài, làm suy yếu sản xuất trong nước. Kinh nghiệm của các nước có nông sản xuất khẩu manh đều xuất phát từ một quy hoạch dài hạn sản xuất và thị trường tiêu thụ, như Thái Lan gần ta chẳng hạn.

Mỗi nước xác định một số sản phẩm riêng (không đụng hàng) và có khả năng cạnh tranh. Tính quyết định chi phối giá cả thị trường luôn nằm trong tay nhà cung ứng nắm nhiều hơn về sản lượng hàng hóa và có năng lực cạnh tranh về giá cung cấp. Điều đó chỉ có thể được thực hiện trong các liên kết giữa doanh nghiệp với nhà sản xuất để tạo ra nhiều sản phẩm và có ưu thế cạnh tranh.

Mặt khác các doanh nghiệp xuất khẩu tìm kiếm và liên kết với đối tác nhập khẩu uy tín để quảng bá và tổ chức phân phối hàng nhập khẩu đến tay người tiêu dùng. Nếu chỉ vài người hám lợi qua việc cho thuê mặt bằng đóng hàng (trái vải), mỗi nhà vườn bán được vài chục dừa cho tàu nước ngoài đến địa phương …đã làm xói mòn, yếu thế chiến lược sản xuất và xuất khẩu của doanh nhân nước nhà.

———————-

* Chuyên viên Hiệp hội rau quả Việt Nam

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới