Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Xuất khẩu nông sản, thực phẩm sang Mỹ sẽ gian nan hơn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Xuất khẩu nông sản, thực phẩm sang Mỹ sẽ gian nan hơn

Thuỳ Dung

Xuất khẩu nông sản, thực phẩm sang Mỹ sẽ gian nan hơn
Xuất khẩu sang Mỹ sẽ gặp khó – Ảnh: TL

(TBKTSG Online) – Luật hiện đại hoá an toàn thực phẩm (FSMA) của Mỹ sẽ gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu nông sản, thực phẩm sang thị trường này, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Theo đó, sẽ không còn cung cách làm ăn “ngẫu hứng" mà các doanh nghiệp phải có kế hoạch chuẩn bị thực sự bài bản thì mới có thể tiếp cận được thị trường này.

Hết thời làm ăn “ngẫu hứng"

Theo thông tin tại một hội thảo về an toàn thực phẩm diễn ra sáng nay 23-5 tại Hà Nội, FSMA tiếp cận giải quyết vấn đề an toàn thực phẩm thông qua phòng ngừa mọi rủi ro liên quan đến an toàn thực phẩm (ATTP) trong suốt quá trình sản xuất, cung cấp nguyên liệu, chế biến, dán nhãn, đóng gói, vận chuyển và đưa ra sản phẩm ra thị trường. Do đó, khác với trước kia, hàng hoá chỉ kiểm tra ở cửa khẩu thì quy định mới này sẽ phân bổ áp lực cho tất cả các nhân tố trong chuỗi: các nhà bán lẻ của Mỹ, nhà phân phối, nhà nhập khẩu và trách nhiệm được chuyển về nhà sản xuất đầu vào, chế biến, đóng gói.

Ông Đào Đức Huấn, Giám đốc Trung tâm Phát triển nông thôn, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn (Ipsard), thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) cho hay, FSMA đòi hỏi các nhà sản xuất, chế biến của các nước phải đầu tư lớn để xây dựng và quản lý chuỗi cung ứng định hướng sản xuất thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng ngay từ cơ sở trong nước, sau đó đăng ký kế hoạch ATTP dưới sự giám sát và kiểm tra phòng ngừa rủi ro từ Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA).

Những thay đổi lớn này của FSMA, theo ông Huấn, sẽ đặt ra nhiều thách thức cho doanh nghiệp xuất khẩu sang Mỹ. Theo đó, thói quen thương mại theo kiểu ngẫu nhiên, tình cờ gặp đối tác tiềm năng là xuất khẩu sẽ phải thay đổi. Nếu sản xuất xong mới tìm đối tác thì sẽ thất bại mà phải chuẩn bị thiết lập hệ thống giám sát, phòng ngừa từ trước.

Bên cạnh đó, quy đinh mới của FSMA cũng khiến chi phí phí sản xuất tăng lên do phải đáp ứng nhiều thủ tục từ phía Mỹ. Đồng thời, quy định cũng hạn chế sự tham gia của nhà cung ứng quy mô nhỏ và vừa.

Luật này đã ra từ năm 2011 và có hiệu lực từ 1-9 năm nay nhưng các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa còn hiểu rất lơ mơ về FSMA. Đằng sau những câu chữ trong luật là một loạt những tiêu chuẩn, quy chuẩn mà doanh nghiệp sẽ phải đáp ứng. “Nếu như đáp ứng được các tiêu chuẩn GlobalGap hay các tiêu chuẩn quốc tế khác đã khó thì đáp ứng quy định mới của FSMA còn khó hơn rất nhiều", ông Huấn nói.

Tăng tần suất kiểm tra

Ông Nestor Scherbey, Tổng giám đốc Công ty TNHH Customs, Trade&Risk Management services, Cố vấn cấp cao, Liên minh thuận lợi hoá toàn cầu cho hay, tại Mỹ có 2 cơ quan chịu trách nhiệm về an toàn thực phẩm là FDA and USDA (Bộ Nông nghiệp Mỹ). Trong đó, USDA kiểm tra 100% sản phẩm liên quan tới thịt, gia cầm, sản phẩm sữa và rau quả. FDA kiểm tra các loại nông sản chế biến khác. Trước kia, FDA bị chỉ trích vì chỉ kiểm tra 2% lô hàng nhập khẩu nên có thể tạo ra các rủi ro về an toàn thực phẩm.

“Bây giờ, với cách tiếp cận mới, họ sẽ tăng cường số lượng kiểm tra lô hàng hơn. Nhưng càng kiểm tra nhiều thì rủi ro các lô hàng bị trả về càng cao", ông Nestor Scherbey nói và cho biết thêm, cơ quan quản lý của Mỹ không tiết lộ sẽ tăng lên bao nhiêu phần trăm số lô hàng bị kiểm soát và điều này phụ thuộc vào mức độ rủi ro của sản phẩm, của đơn vị cung cấp sản phẩm… Thông thường thì hải sản có mức độ rủi ro cao. Do đó, trong trường hợp của Pangasius (cá da trơn), 100% các lô hàng đến cảng Mỹ sẽ bị kiểm tra từ 1-9 tới.

Đây là gánh nặng lớn cho tất cả chủ thể tham gia vào chuỗi sản xuất và phân phối, không chỉ ở Việt Nam mà còn ở Mỹ. Doanh nghiệp bán lẻ của Mỹ phải đảm bảo rằng chuỗi cung ứng của họ an toàn cho dù họ nhập ở đâu, bao gồm cả Việt Nam. Họ sẽ phải tới nước cung cấp sản phẩm tối thiểu 1 năm/lần và kiểm tra về quy tình an toàn thực phẩm của nhà cung cấp.

Doanh nghiệp cần làm gì?

Theo ông Nestor Scherbey, nếu các công ty của Việt Nam chưa làm việc chặt chẽ với nhà mua hàng/nhà nhập khẩu Mỹ để biết và hiểu về những thay đổi liên quan đến các yêu cầu về an toàn thực phẩm và có những hành động thích hợp cần thiết, đừng cố gắng xuất khẩu các sản phẩm thực phẩm qua nước này nữa cho tới khi doanh nghiệp Việt Nam và các đối tác thương mại Mỹ hoàn thành những yêu cầu của quy định mới.

“Nếu bạn chưa tuân thủ theo yêu cầu mà vẫn cố xuất khẩu thì có rủi ro cao là nhà mua hàng/nhà nhập khẩu Mỹ hoặc người đại diện sẽ gặp rắc rối “nghiêm trọng” với hải quan, FDA và USDA và công ty của bạn sẽ có nguy cơ bị phạt rất nhiều tiền, bao gồm cả việc bị cấm xuất khẩu sang thị trường Mỹ”, ông Nestor Scherbey nói.

Còn theo ông Huấn (Ipsard), cần phải có một nghiên cứu, đánh tác tác động cụ thể của FSMA đến doanh nghiệp. Trên cơ sở đó, xây dựng hệ thống nghiên cứu và phân tích “cảnh báo nhập khẩu” để hỗ trợ doanh nghiệp và tăng cường phổ biến thông tin về các quy định mới. Đồng thời phải hỗ trợ xây dựng hệ thống giám sát của bên thứ 3 (Bộ NN&PTNT hỗ trợ các hiệp hội, tổ chức chứng nhận).

“Đến ngày 1-9 là FSMA có hiệu lực nhưng giờ chúng ta vẫn ngồi đây để bàn về những thủ tục mới trong luật là quá muộn", ông Huấn nói.

Để biết thêm thông tin về quy định mới, mời độc giả truy cập đường link dưới đây

https://www.fda.gov/Food/GuidanceRegulation/FSMA/ucm239907.htm

Mời đọc thêm:

Bài toán khó cho xuất khẩu thực phẩm Việt Nam sang Mỹ

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới