Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Xuất khẩu rau quả: không lo thiếu thị trường, chỉ sợ không an toàn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Xuất khẩu rau quả: không lo thiếu thị trường, chỉ sợ không an toàn

Ngọc Hùng

(TBKTSG Online) – Một số công ty cho biết, Mỹ, châu Âu muốn mua các loại hoa quả, trái cây của Việt Nam với số lượng lớn nhưng không dám mua nhiều vì lo ngại về an toàn vệ sinh thực phẩm.

Xuất khẩu rau quả: không lo thiếu thị trường, chỉ sợ không an toàn
Một khách hàng đang chọn mua hàng tại quầy rau quả, trái cây tại một siêu thị. Ảnh: Quang Minh

>>> Xuất trái cây vào Mỹ: Có giấy phép thôi chưa đủ!

>>> TPP mở thêm cơ hội cho trái cây Việt Nam vào Mỹ

>>> Trái cây Việt Nam nhắm đến các thị trường lớn

Tại hội thảo quốc tế về rau quả nhiệt đới Việt Nam do Cục Chế biến thương mại nông lâm thủy sản và nghề muối tổ chức ngày 14-12 tại TPHCM, nhiều nhà nhập khẩu trái cây của Việt Nam đưa ra mối lo ngại về an toàn vệ sinh thực phẩm của rau quả, trái cây Việt Nam và xem đó như là một rào cản để rau quả, trái cây mang thương hiệu Việt Nam xâm nhập thị trường thế giới với số lượng lớn.

Trước khi bắt đầu bài nói chuyện tại hội thảo, ông Jean Lue Voisin, Tổng giám đốc Công ty Vườn trái Cửu Long chia sẽ rằng câu hỏi đầu tiên khi doanh nghiệp nước ngoài muốn nhập khẩu trái cây từ công ty ông, là nếu ăn và bị ngộ độc thực phẩm, phía Vườn trái Cửu Long giải quyết thế nào.

Theo ông Jean Lue Voisin, Việt Nam nổi tiếng về những loại trái cây nhiệt đới nhưng do tập quán sử dụng thuốc bảo vệ thực vật không hợp lý nên dù có nhiều loại trái cây ngon vẫn không thể bán rộng rãi ra thị trường các nước.

Ông Eduardo A. Sabio, Trưởng đại diện Công ty Veco Việt Nam về phát triển chuỗi nông nghiệp bền vững về rau an toàn, cho rằng hiện Việt Nam đang cố gắng áp dụng VietGap cho các sản phẩm rau quả, trái cây. Đây là nền tảng để ngành nông nghiệp Việt Nam từng bước đáp ứng những yêu cầu kỹ thuật của các thị trường khác nhau. “Khi có VietGap cho rau quả, trái cây  thì Việt Nam đang tiến đến ngưỡng tiêu chuẩn thực phẩm của thế giới”, ông  Eduardo A. Sabio nói.

Ông Nguyễn Hữu Đạt, Giám đốc Trung tâm kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu, cho biết sau khi chôm chôm được phép xuất đi Mỹ vào tháng 3-2011, hiện tại trung tâm đang triển khai bước cuối cùng là phân tích nguy cơ dịch hại cho 4 loại  trái cây là  nhãn, vải, xoài, vú sữa.

Dự kiến đầu năm 2012 hai loại trái cây là nhãn, vải sẽ có mặt tại các siêu thị ở Mỹ và sang năm 2013 là xoài, vú sữa.

Ông Đạt tin rằng, sau khi các loại trái cây nói trên vào được Mỹ thì từ những kinh nghiệm và kiến thức hiện có ngành trái xuất khẩu rau quả, trái cây Việt Nam có thể xâm nhập được các thị trường khó tính khác như Chile, Úc, NewZealand…

Theo Hiệp hội rau quả Việt Nam, năm 2011 kim ngạch xuất khẩu rau quả, trái cây ước đạt 600 triệu đô la Mỹ, tăng gần 85 triệu đô la Mỹ so với năm 2010.

Hiện Việt Nam đứng thứ 5 châu Á về sản lượng rau quả, trái cây. Vì thế, với việc nâng cao đầu tư sản xuất nâng cao chất lượng thì đến năm 2020 kim ngạch xuất khẩu rau quả, trái cây của nước ta sẽ vượt mức 1,2 tỉ đô la Mỹ mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đặt ra.

Đến nay, sản phẩm rau quả, trái cây của Việt Nam đã có mặt tại 59 quốc gia trên thế giới, tuy nhiên, đa số những quốc gia này đòi hỏi tiêu chuẩn không cao nên giá bán cũng không cao nếu so sánh với những thị trường như Mỹ, Nhật Bản.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới