Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Xuất khẩu sang Canada tăng 70% sau khi CPTPP có hiệu lực

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Xuất khẩu sang Canada tăng 70% sau khi CPTPP có hiệu lực

Thùy Dung

(TBKTSG Online) – Chỉ hơn 4 tháng sau khi CPTPP có hiệu lực, xuất khẩu nội khối đã tăng đáng kể, trong đó riêng xuất khẩu sang thị trường Canada đã tăng lên khoảng 70% so với cùng kỳ năm trước.

Xuất khẩu sang Canada tăng 70% sau khi CPTPP có hiệu lực
Doanh nghiệp ngành gỗ đang tận dụng cơ hội tốt từ CPTPP. Ảnh: Minh Tiến

Tại phiên trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội sáng ngày 6-6, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho hay, trong 4-5 tháng qua, thông qua Hiệp định CPTPP (Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương), thương mại của Việt Nam với một số nước là thành viên nội khối đã tăng lên so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo số liệu Phó Thủ tướng đưa ra, xuất khẩu sang Canada đã tăng trên 70%, Mexico trên 8%. Đây là những nước Việt Nam không có hiệp định thương mại tự do trước đó. Riêng đối với thị trường Nhật, Việt Nam đã có hiệp định trong khuôn khổ ASEAN, nhưng thương mại của Việt Nam với Nhật Bản cũng tăng 4%.

Thực tế, lấy ví dụ riêng đối với ngành gỗ, tham gia CPTPP đã mang lại cơ hội lớn thông qua việc cắt giảm thuế quan. Theo đó, một số đối tác chưa có hiệp định thương mại với Việt Nam đã xóa bỏ đa số các dòng thuế đối với các mặt hàng đồ gỗ nội thất, văn phòng, nhà bếp ngay khi CPTPP có hiệu lực.

Cụ thể là, Peru sẽ xóa bỏ 32% số dòng thuế đối với sản phẩm gỗ nhập khẩu vào nước này trong lộ trình 6 năm, Mexico xóa bỏ 50% số dòng thuế đối với sản phẩm gỗ nhập khẩu sẽ được xóa bỏ theo lộ trình 10 năm, theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.

“Điều này cho thấy CPTPP đã bắt đầu có tác dụng”, Phó Thủ tướng nói tại phiên chất vấn.

Tuy nhiên, việc tham gia CPTPP cũng đặt ra nhiều thách thức cho nền kinh tế, theo người đứng đầu Bộ Ngoại giao.

Thứ nhất: Các doanh nghiệp có thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam, như dệt may, phải đáp ứng được quy tắc xuất xứ nếu muốn hưởng thuế 0% hoặc mức thuế thấp hơn hiện nay.

Thứ 2, Việt Nam cũng phải đối phó với hàng nước ngoài lợi dụng quy tắc xuất xứ để hưởng ưu đãi từ các FTA, trong đó có CPTPP.

Thứ 3, trong các FTA, nhất là CPTPP, có những điều khoản cho phép doanh nghiệp có thể kiện chính phủ trong các tranh chấp thương mại.

“Đây là những thách thức, đảm bảo chúng ta phải thực hiện đúng các quy định về pháp luật, không để doanh nghiệp FDI khởi kiện chính phủ”, Phó Thủ tướng nói.

Chính phủ sẽ đẩy nhanh công tác hoàn thiện thể chế, pháp luật và các văn bản pháp luật thực thi CPTPP. Tới nay, đã có 21 bộ, ngành và 54 địa phương đã ban hành kế hoạch thực hiện CPTPP. Chính phủ cũng đang xây dựng 8 luật liên quan trong cam kết CPTPP; 4 nghị định quy định chi tiết việc thực hiện một số điều liên quan tới Luật cạnh tranh, Luật sở hữu trí tuệ, Luật quản lý ngoại thương và Luật về an toàn thực phẩm.

GDP Việt Nam thiệt hại 6.000 tỉ đồng trong 5 năm tới do chiến tranh thương mại Mỹ – Trung

Nền kinh tế Việt Nam, với độ mở cao và tổng kim ngạch xuất nhập khẩu dự kiến cao gấp đôi GDP, về dài hạn sẽ bị thiệt hại không nhỏ bởi những tác động từ cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung. Cụ thể, GDP được dự báo sẽ sụt giảm khoảng 6.000 tỉ đồng trong 5 năm tới.

Đây là thông tin được Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đưa ra trước Quốc hội sáng ngày 6-6.

Chiến tranh thương mại giữa Mỹ – Trung Quốc leo thang khi Mỹ đang cân nhắc tiếp tục áp thuế lên 300 tỉ đô la hàng hóa của Trung Quốc trong thời gian tới. Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) băn khoăn cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung đang vào hồi quyết liệt và yêu cầu Phó Thủ tướng cho biết hành động của Việt Nam như thế nào cho phù hợp.

Bên cạnh đó, nhiều đại biểu cũng bày tỏ mối lo ngại về dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI đổ vào Việt Nam những tháng gần đây tăng đột biến so với cùng kỳ năm trước dưới tác động của cuộc thương chiến. Các đại biểu đề nghị cho biết giải pháp của Chính phủ trong việc quản lý nguồn vốn này.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho hay, cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung là vấn đề đáng quan tâm của toàn thế giới, không chỉ riêng Việt Nam. Tổng giám đốc Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) đã nói rằng "một trong bốn đám mây" bao phủ nền kinh tế toàn cầu là cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung.

Các tổ chức tài chính quốc tế đánh giá, cuộc thương chiến này kéo dài sẽ ảnh hưởng tới kinh tế và thương mại toàn cầu. Dự đoán, tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ giảm tốc, từ mức tăng 3,5% xuống còn 3,2%, cung cầu thương mại toàn cầu sẽ bị ảnh hưởng.

Như vậy, Việt Nam, một nền kinh tế có độ mở lớn, tổng giá trị xuất nhập khẩu so với GDP lên tới hơn 200%, chắc chắn sẽ chịu ảnh hưởng từ cuộc chiến thương mại này.

Nói về những chuẩn bị từ phía Việt Nam, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho hay, ngay khi cạnh tranh thương mại Mỹ – Trung xảy ra năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập một ban chỉ đạo, nghiên cứu đánh giá tình hình và nghiên cứu chính sách.

Nghiên cứu cho thấy, về ngắn hạn, cạnh tranh hiện nay sẽ thúc đẩy một số mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam. Nhưng về dài hạn, cuộc chiến này có thể làm giảm 0,2-0,3% điểm % trong GDP và trong 5 năm tới có thể giảm GDP của Việt Nam khoảng 6.000 tỉ đồng.

“Đây là phân tích đánh giá ban đầu. Nhưng cạnh tranh thương mại đang ảnh hưởng tới kinh tế, thương mại thế giới và về lâu dài sẽ tác động trực tiếp tới chúng ta”, Phó Thủ tướng nói.

Người đứng đầu ngành ngoại giao cũng đưa ra 4 biện pháp mà Chính phủ đã đề ra:

Thứ nhất, Việt Nam đã xây dựng nhiều kịch bản và biện pháp cần thiết để đảm bảo nền kinh tế tiếp tục phát triển.

Thứ hai, tiếp tục duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát và đảm bảo linh hoạt tỷ giá.

Thứ ba, nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trong xuất nhập khẩu, cải thiện môi trường đầu tư và đảm bảo khả năng cạnh tranh.

Thứ 4, tình hình hiện nay làm tăng dòng vốn đầu tư chảy vào Việt Nam. Vì vậy, đây là lúc Việt Nam phải có sự lựa chọn đầu tư vào lĩnh vực ưu tiên về chất lượng và đảm bảo tính thân thiện với môi trường, công nghệ. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý cũng phải hết sức cảnh giác tình trạng hàng hóa được xuất khẩu qua thị trường Việt Nam và tiếp tục đưa vào thị trường đánh thuế cao nhằm tránh thuế.

Theo Tổng cục Thống kê, tính từ đầu năm đến thời điểm 20-5, Việt Nam có hơn 1.360 dự án cấp giấy phép mới với số vốn đăng ký đạt xấp xỉ 6,46 tỉ đô la Mỹ, tăng 38,7% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2018. Nếu cộng thêm số vốn điều chỉnh tăng từ các dự án trước đó, tổng số vốn đầu tư trực tiếp (FDI) của Việt Nam trong 5 tháng đầu năm đạt gần 9,09 tỉ đô la Mỹ, tăng hơn 27% so với cùng kỳ năm 2018.

Mời đọc thêm:

Nguy cơ Chính phủ bị khởi kiện theo CPTPP: Mối lo mang tên “phân cấp đầu tư”

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới