Xuất khẩu tăng, giá lúa nếp nội địa vẫn giảm mạnh
Trung Chánh
![]() |
Một ruộng lúa nếp của nông dân huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An được thu hoạch hôm 2-5 vừa qua. Ảnh: Trung Chánh |
(TBKTSG Online) – Trong những tháng đầu năm 2017, xuất khẩu gạo nếp tiếp tục có sự tăng trưởng so với cùng kỳ năm ngoái, nhất là ở thị trường Trung Quốc. Thế nhưng, giá sản phẩm này tại thị trường nội địa lại sụt giảm mạnh so với cùng kỳ.
Theo một nguồn tin của TBKTSG Online, nếu như trong tháng 2-2016, các doanh nghiệp xuất khẩu khoảng 50.500 tấn nếp, thì trong tháng 2-2017 đạt 74.000 tấn, tức tăng 23.500 tấn so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, tổng khối lượng gạo nếp xuất khẩu sang Trung Quốc trong tháng 2-2017 đạt 67.000 tấn, tăng trên 26.000 tấn so với cùng kỳ năm ngoái.
Bước sang tháng 3-2017, tổng khối lượng gạo nếp xuất khẩu đạt 161.000 tấn, tăng 43.000 tấn so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 87.000 tấn so với tháng trước đó. Trong đó, xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 149.000 tấn, tăng 35.000 tấn so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 82.000 tấn so với tháng trước đó.
Tuy xuất khẩu gạo nếp tăng khá mạnh, nhưng một số đầu mối chuyên thu mua lúa nếp nguyên liệu ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) cho biết, hiện giá bán loại sản phẩm này đã sụt giảm rất mạnh, đến 1.200-1.300 đồng/kg so với cùng kỳ năm ngoái.
Ông Trần Quốc Tuấn, một đầu mối chuyên thu gom, cung cấp lúa nếp cho các nhà kho, đơn vị xay xát ở tỉnh Long An, cho biết lúa nếp tươi thu hoạch bằng máy gặp đập liên hợp hiện có giá chỉ còn 5.000-5.100 đồng/kg, giảm 300-400 đồng/kg so với mức giá cách nay nửa tháng và giảm đến khoảng 1.200-1.300 đồng/kg so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo ông Tuấn, giá lúa nếp trong nước giảm là do tình hình xuất khẩu đi Trung Quốc đang chậm lại. “Tuy giá giảm lại, nhưng hiện mỗi ngày chúng tôi thu gom cũng vài trăm tấn để dự trữ, chờ giá phục hồi sẽ “tung” ra vì nhu cầu mua của Trung Quốc sắp tới vẫn còn rất lớn”, ông Tuấn giải thích.
Ông Nguyễn Thanh Phong, Giám đốc doanh nghiệp Vạn Lợi (Tiền Giang) giải thích thị trường Trung Quốc tạm thời có biến động, tiêu thụ đang chậm lại, trong khi đó, diện tích sản xuất lúa nếp ở ĐBSCL, đặc biệt là ở các tỉnh Long An, Đồng Tháp lại liên tục tăng nhanh thời gian gần đây, cho nên giá lúa nếp thị trường nội địa giảm trở lại như hiện nay cũng là điều dễ hiểu.