Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Xuất khẩu tăng nhưng doanh nghiệp kêu lỗ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Xuất khẩu tăng nhưng doanh nghiệp kêu lỗ

Ngọc Hùng

Xuất khẩu tăng nhưng doanh nghiệp kêu lỗ
Gạo đang được đưa lên tàu ở cảng Sài Gòn trước khi xuất khẩu. Ảnh: Triệu Bạch Hồng

(TBKTSG Online) – Tính đến hết tháng 8-2011, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam ước đạt 60,8 tỉ đô la Mỹ, tăng 33,7% so với cùng kỳ năm 2010,  song theo các doanh nghiệp, do chi phí đầu vào như xăng dầu, công lao động tăng, lãi suất ngân hàng cao nên doanh nghiệp chẳng hưởng được lợi nhiều từ xuất khẩu.

Đây là thông tin được nhiều doanh nghiệp đưa ra tại buổi tọa đàm đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam nhằm mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô do Văn phòng Trung ương Đảng, Bộ Công Thương phối hợp tổ chức tại TPHCM ngày 22-9.

Theo ông Nguyễn Công Hoàng, Phó tổng giám đốc Công ty cà phê Việt Nam (Vinacafe), với giá cà phê đang ở mức cao, năm nay giá trị xuất khẩu của ngành cà phê ước đạt 2,5 tỉ đô la Mỹ, nhưng doanh nghiệp xuất khẩu cà phê sẽ không có lời là bao nhiêu vì lãi suất ngân hàng quá cao.

Ông Hoàng cho biết, hiện Vinacafe đã trả hơn 300 tỉ đồng tiền lãi ngân hàng.

“Việt Nam chuẩn bị vào vụ cà phê mới nhưng đa phần các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê không có vốn tự có để mua cà phê nên bắt buộc phải vay ngân hàng để mua cà phê và với lãi suất cao như hiện nay thì chẳng có doanh nghiệp nào có lời”, ông Hoàng nói.

Còn ông Phạm Gia Hưng, phụ trách Ban đối ngoại Hiệp hội Dệt may Việt Nam, cho rằng ngành dệt may đang đứng đầu cả nước về kim ngạch xuất khẩu với 9 tỉ đô la Mỹ trong năm nay nhưng 80-90% phải nhập nguyên liệu, nghĩa là ngành dệt may đang sống nhờ gia công là chính. Do vậy, dù ngành dệt may có đặt mục tiêu xuất khẩu trong những năm tới lên 11 hay 13 tỉ đô la Mỹ thì lợi nhuận thực thu về không cao.

Ông Vũ Đức Thịnh, Tổng giám đốc điều hành Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết, trong 8 tháng đầu năm tập đoàn xuất khẩu đạt giá trị 1,6 tỉ đô la Mỹ, tăng 26% so với cùng kỳ năm 2010 nhưng lợi nhuận của Vinatex không như mong muốn. Nguyên nhân là do tiền lương tăng, chi phí đầu vào tăng trong khi đầu ra cố định vì những hợp đồng đã ký từ đầu năm nên không thể lấy lý do đầu vào tăng để tăng giá bán.

“Muốn giảm chi phí đầu vào, cách duy nhất là tăng cường quản lý, đầu tư vào công nghệ mới, nhưng như vậy thì cần một nguồn vốn lớn mà lãi suất cao như hiện tại thì chẳng có doanh nghiệp nào dám đầu tư để hạ chi phí đầu vào”, ông Thịnh nói.

Ông Đỗ Hà Nam, Phó chủ tịch Hiệp hội Cà phê ca cao Việt Nam cho biết, cứ đầu năm các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê thường lên kế hoạch kinh doanh, cùng với đó là số tiền cần phải vay từ ngân hàng để hoạt động.

Căn cứ trên kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp, ngân hàng đồng ý cho vay một nguồn vốn nhất định nhưng đùng một cái Chính phủ đưa ra kế hoạch kiềm chế lạm phát, ngân hàng không cho doanh nghiệp vay tiền dài hạn. Thay vào đó, doanh nghiệp phải vay với thời gian ngắn, lãi suất cao. Để vay được tiền thì phải có hợp đồng, bắt buộc doanh nghiệp phải bán cà phê vào đầu vụ cho các doanh nghiệp nước ngoài với giá thấp hơn.

Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp cũng cho rằng, hiện đang có một bất cập là doanh nghiệp mua đô la Mỹ từ ngân hàng với giá thỏa thuận nhưng khi bán đô la Mỹ lại cho ngân hàng với giá cố định, chỉ riêng sự chênh lệch này cũng khiến doanh nghiệp mất đi một khoản tiền đáng kể.

“Vì chính cách quy định bán và mua đô la Mỹ giữa ngân hàng và doanh nghiệp như hiện nay mà trong năm qua một công ty con của Vinacafe lỗ 40 tỉ đồng khi hoàn thành một hợp đồng bán cà phê”, ông Hoàng dẫn chứng.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới