Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Xuất khẩu trái cây đang bớt phụ thuộc thị trường Trung Quốc

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Xuất khẩu trái cây đang bớt phụ thuộc thị trường Trung Quốc

Nam Bình

(TBKTSG Online) – Hoạt động xuất khẩu trái cây Việt Nam đang ngày càng bớt lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc – một thị trường hiện đặt ra nhiều yêu cầu khắt khe với hàng nhập khẩu, trừ chuyện tăng giá. Tỷ trọng xuất khẩu rau quả Việt Nam vào các thị trường có tiếng là khó tính như Mỹ, EU, Nhật Bản đang gia tăng dần. Đây là nỗ lực của doanh nghiệp bên cạnh sự trợ lực từ các hiệp định thương mại tự do (FTA).

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, xuất khẩu mặt hàng rau quả của Việt Nam trong tháng 1-2021 đã tăng trưởng trở lại, sau khi giảm liên tiếp kể từ tháng 9-2020. Thị trường xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam cũng đã có sự dịch chuyển rõ nét trong tháng 1-2021, giảm dần sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.

Tỷ trọng xuất khẩu vào Trung Quốc giảm 

Theo đó, thời điểm trước Tết Nguyên đán, Trung Quốc đẩy mạnh nhập khẩu hàng rau quả để phục vụ nhu cầu tiêu thụ tăng cao tại thị trường nội địa. Vì vậy, trị giá xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam tới thị trường Trung Quốc trong tháng 1-2021 đạt hơn 182,9 triệu đô la Mỹ, tăng 24,4% so với tháng 12-2020 và tăng 5,4% so với tháng 1-2020.

Tuy nhiên, tỷ trọng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc đã giảm xuống còn 59,1%, từ mức 61,7% trong tháng 1-2020. Trong khi đó, tỷ trọng xuất khẩu sang các thị trường khác, như Thái Lan, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Đài Loan… tăng. Cụ thể, tỷ trọng xuất khẩu trái cây Việt Nam sang các thị trường như Hoa Kỳ tăng từ 3,9% lên 4,3%, Thái Lan từ 5% lên 5,2%, thị trường Đài Loan từ 1,3% lên 2,9%…

Xuất khẩu trái cây đang bớt phụ thuộc thị trường Trung Quốc
Chuối Việt Nam đang được đánh giá là có nhiều tiềm năng đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường EU, giảm tỷ trọng xuất khẩu vào Trung Quốc. Ảnh: Nam Bình.

Tăng trưởng ở thị trường khó tính

Việt Nam hiện là thị trường cung cấp chuối lớn thứ 3 cho Trung Quốc. Chỉ tính riêng 8 tháng đầu năm 2020, trị giá nhập khẩu chuối từ Việt Nam đạt 95 triệu đô la Mỹ, tăng hơn 10% so với cùng kỳ năm 2019. Chuối là một trong những trái cây của Việt Nam lâu nay chỉ xuất sang thị trường Trung Quốc, bên cạnh các sản phẩm khác như dưa hấu, thanh long ruột đỏ…

Bước sang năm 2021, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã cho biết đang chuyển sang trồng và sản xuất loại trái cây này theo các tiêu chuẩn, phù hợp với các yêu cầu của một số thị trường khó tính khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU)… Tính tới cuối tháng 1-2021, Việt Nam là thị trường cung cấp mặt hàng chuối (mã HS 0803) lớn thứ 55 cho EU.

Điều đáng chú ý là trong khi giá nhập khẩu bình quân chuối từ các thị trường chính vào EU đều giảm thì giá nhập khẩu chuối bình quân từ Việt Nam tăng mạnh và ở mức rất cao, đạt 3.192,9 euro/tấn, tăng 16,4% so với cùng kỳ năm 2019. Hiện tại, chuối được đánh giá là nông sản có nhiều cơ hội ở thị trường EU.

Trước đó, từ cuối năm 2020, Hợp tác xã Thanh Bình, huyện Trảng Bom (Đồng Nai), đã xuất khẩu những container chuối đầu tiên vào thị trường EU và được người tiêu dùng EU đón nhận tích cực. Dự kiến trong tháng 3 hoặc tháng 4 tới đây, hợp tác xã này sẽ xuất khẩu sang EU khoảng 4-5 container chuối già Nam Mỹ (tương đương 80 – 100 tấn).

Hay như hồi đầu tháng 2 vừa qua, Công ty cổ phần Thành Thành Công Biên Hòa (TTC Sugar), cũng đã xuất khẩu lô chuối Nam Mỹ đầu tiên sang Hàn Quốc. Đây cũng là thành quả đầu tiên sau gần một năm hợp tác bao tiêu mua bán và chuyển giao kỹ thuật trồng chuối Nam Mỹ giữa TTC Sugar và Dole Asia Holding PTE. LTD triển khai từ tháng 3-2020.

Các thị trường xuất khẩu trái cây lớn của Việt Nam trong tháng 1-2021. Đồ họa: BCT.

Ngoài thị trường Hàn Quốc, đại diện TTC Sugar cho biết, trong thời gian tới loại chuối Nam Mỹ của dự án sẽ được đẩy mạnh tiêu thụ trong nước và xuất khẩu sang Nhật Bản, Malaysia…

Hay như trước đây, thị trường tiêu thụ chính của thanh long Việt Nam chủ yếu là Trung Quốc. Trong thời gian gần đây, lượng xuất khẩu thanh long sang các nước như Nhật Bản, thị trường EU… đã tăng hơn trước. Ông Trương Quang An, Giám đốc HTX thanh long Tầm Vu (huyện Châu Thành, Long An), cho biết, Trung Quốc đang ngày càng đưa ra nhiều yêu cầu khắt khe đối với trái cây nhập khẩu, như yêu cầu gắn mã QR cho trái cây nhập khẩu mới đây nhưng và luôn muốn "neo" giá trái cây từ Việt Nam ở mức thấp – thấp hơn nhiều so với cùng loại trái cây Việt Nam vào các thị trường khác. 

Để giảm lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc, trái cây Việt cần được đầu tư nhiều hơn nữa về công nghệ bảo quản sau thu hoạch, kho lạnh…  Ảnh: Nam Bình.

Trợ lực từ các hiệp định thương mại tự do

Ông Đặng Phúc Nguyên – Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam – cho rằng, từ khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh Châu Âu (EVFTA) có hiệu lực, hơn 94% trong tổng số 547 dòng thuế rau quả và các chế phẩm từ rau quả xuất khẩu vào các nước EU được giảm về mức 0%. Đây là điều kiện giúp nhiều sản phẩm trái cây là thế mạnh của Việt Nam như vải, nhãn, chôm chôm, thanh long, dứa, dưa… có thêm lợi thế tiếp cận thị trường EU.

Cũng theo ông Nguyên, Trung Quốc không còn là thị trường dễ tính khi đặt ra các yêu cầu về chất lượng ngày càng cao, thậm chí tương đương với các tiêu chuẩn ở một số thị trường khó tính khác. Đáp ứng được các yêu cầu về chất lượng này, đồng nghĩa với việc nông sản Việt cũng đã đủ tự tin để đáp ứng mọi tiêu chuẩn khắt khe của các thị trường như Mỹ, Nhật, Đức…

“Khi đó, cùng với công nghệ chế biến, hệ thống kho lạnh hiện đại thì sẽ không lo việc bị lệ thuộc vào bất cứ thị trường nào”, ông Nguyên nhận định.

Trong Đề án Đổi mới phương thức kinh doanh, tiêu thụ nông sản giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 9-2 vừa qua, Bộ Công Thương cũng đưa ra nhiều hoạt động với mục tiêu giúp nông sản Việt Nam bớt bị phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.

Cụ thể, trong số các nhóm dự án chủ yếu để thực hiện Đề án nêu trên, trong giai đoạn từ 2021 – 2023, ngân sách nhà nước sẽ đầu tư khoảng 15 tỉ đồng, cùng với nguồn vốn xã hội hóa khoảng 785 tỉ đồng, để đầu tư xây dựng kho ngoại quan dự trữ, bảo quản nông sản và các dịch vụ hỗ trợ xuất khẩu ở khu vực cửa khẩu phía Bắc (gồm các tỉnh Quảng Ninh, Lào Cai, Lạng Sơn).

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, việc xây dựng các kho dự trữ, chế biến và bảo quản nông sản nhằm chủ động thị trường và giá nông sản xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, hạn chế tình trạng bị ép giá, ép cấp nông sản. Từ đó, tạo bước đột phá, nâng cao năng lực cạnh tranh cũng như xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt Nam khi xuất khẩu sang Trung Quốc. 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới