Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Xuất khẩu vào EU sẽ tăng thêm 16 tỉ đô la trong 1-2 năm đầu tiên EVFTA có hiệu lực

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Xuất khẩu vào EU sẽ tăng thêm 16 tỉ đô la trong 1-2 năm đầu tiên EVFTA có hiệu lực

Lan Nhi (thực hiện)

(TBKTSG Online) – Giả sử FTA với EU có hiệu lực vào năm 2019 thì xuất khẩu vào EU sẽ tăng thêm được 16 tỉ đô la Mỹ ngay trong 1-2 năm đầu tiên so với trường hợp không có FTA. Tới 2028, sẽ tăng thêm tới 75-76 tỉ đô la so với trường hợp không có FTA. Riêng với dệt may, EVFTA có thể giúp xuất khẩu tăng thêm được 1,54 tỉ đô la vào năm 2023 và 5,82 tỉ đô la vào năm 2028.

Đây là nhận định của Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh. Dự kiến đến cuối năm 2018, Hiệp định thương mại tự do VN- EU (EVFTA) sẽ được ký kết sau 2 năm rưỡi kết thúc đàm phán. Nhưng để hiệp định này có hiệu lực còn là một chặng đường dài, để các doanh nghiệp hai bên cùng lúc hưởng các quyền ưu đãi thuế quan và quyền về bảo hộ đầu tư (IPA) theo một cấp độ mới.

Xuất khẩu vào EU sẽ tăng thêm 16 tỉ đô la trong 1-2 năm đầu tiên EVFTA có hiệu lực
Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh và đại diện Cao ủy Liên minh châu Âu ký kết thúc đàm phán pháp lý EVFTA. Ảnh: Bộ Công Thương

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã có cuộc trao đổi với báo giới chiều ngày 28-6 xung quanh những vấn đề này:

TBKTS Online: Thưa bộ trưởng, lãnh đạo Việt Nam và EU tuyên bố kết thúc đàm phán từ tháng 12-2015 nhưng cách đây vài ngày, hai bên mới kết thúc rà soát pháp lý để chuẩn bị cho việc ký kết chính thức. Việc kéo dài đó có ảnh hưởng và làm thay đổi thế nào đến các nội dung của FTA?

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Với các hiệp định khác, thường mất thời gian từ 6 tháng đến 1 năm để rà soát pháp lý và đi đến ký chính thức. Tuy nhiên, EVFTA phức tạp hơn do EU có những thay đổi về quy trình phê chuẩn các FTA.

Theo phán quyết của Tòa án Công lý châu Âu với trường hợp của Singapore (nước cũng đã kết thúc đàm phán pháp lý với EU trước Việt Nam), tất cả các FTA đều phải tách riêng các nội dung bảo hộ đầu tư ra.

Singapore là nước đầu tiên thực hiện và mất hơn 4 năm để chờ phán quyết của tòa án châu Âu và sau đó là thảo luận, thống nhất hai hiệp định FTA và Hiệp định bảo hộ đầu tư (IPA).

Quá trình thảo luận của Việt Nam với EU có thuận lợi hơn nên ta cũng kết thúc quá trình này ngay sau Singapore mặc dù ta kết thúc đàm phán sau Singapore 16 tháng.

Như vậy, kết quả làm việc giữa ta và EU tuần này là hai bên đã hoàn thành toàn bộ các nội dung để có thể chuẩn bị cho việc ký kết và tiếp theo đó là phê chuẩn FTA và IPA.

Nhiều người chưa rõ về việc tách biệt giữa FTA và IPA. Sự khác nhau giữa hai hiệp định này như thế nào và vai trò của của IPA ra sao khi có hiệu lực?

FTA Việt Nam – EU là hiệp định đầu tiên của EU với một nước đang phát triển trong khu vực. Hiện EU mới có Hiệp định FTA với Hàn Quốc và mới kết thúc quá trình rà soát pháp lý với Nhật Bản và Singapore trước ta khoảng 1 tháng. Để hiệp định được ký kết và có hiệu lực thì ta phải chứng minh được là Việt Nam có khả năng thực thi các tiêu chuẩn cao của Hiệp định FTA. Trong đó có một số lĩnh vực EU rất quan tâm như phát triển bền vững (không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế); có những nội dung được đánh giá cao như dự kiến sẽ sửa đổi Bộ luật Lao động (2019)- một trọng tâm của EVFTA. Tiếp đến là kiểm dịch động thực vật, đảm bảo yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm và chống đánh bắt cá bất hợp pháp, không khai báo (IUU). Đây là lĩnh vực Việt Nam bị EU rút thẻ vàng và cần đạt được những chuẩn mực trước khi ký kết.

EVFTA được phê chuẩn thì gần 100% hàng xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu khi xuất sang EU ngay sau khi hiệp định có hiệu lực hoặc sau một lộ trình ngắn. Đây có thể coi là mức cam kết cao nhất mà Việt Nam đạt được trong các hiệp định FTA đã được ký kết cho tới nay.

Điều này càng có ý nghĩa khi hiện nay, mới chỉ hơn 42% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU được hưởng mức thuế 0% theo Chương trình ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP). Tuy nhiên, thời gian tới, khi Việt Nam đạt đến trình độ phát triển kinh tế nhất định thì GSP sẽ không còn nữa. Nếu FTA không có hiệu lực sớm thì sẽ rất khó khăn cho doanh nghiệp Việt Nam cạnh tranh ở thị trường EU.

IPA thì quá trình phê chuẩn có thể sẽ lâu hơn vì còn cần tất cả các nước thành viên EU phê chuẩn thì mới có hiệu lực. Tuy nhiên, điều này không ảnh hưởng đến quan hệ kinh tế – thương mại giữa hai bên vì chúng ta vẫn còn các hiệp định bảo hộ đầu tư đã ký với các Thành viên EU.

FTA giữa VN-EU là một FTA rất được chờ đợi về việc cắt giảm các cam kết thuế quan và mang tính hỗ trợ lẫn nhau nhiều hơn là cạnh tranh trực tiếp. Ông có thể lý giải cụ thể thêm về vấn đề này?

Với cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu lên tới hơn 99% biểu thuế và giá trị thương mại mà hai bên đã thống nhất, cơ hội gia tăng xuất khẩu cho những mặt hàng Việt Nam có lợi thế như dệt may, da giày, nông thủy sản (kể cả gạo, đường, mật ong, rau củ quả), đồ gỗ… là rất đáng kể. Các mặt hàng trước đây ta chưa thể xuất khẩu do hàng rào thuế quan còn cao, giờ cũng sẽ có thể tiếp cận được thị trường EU với giá cả cạnh tranh hơn.

Chúng tôi đã có một nghiên cứu quốc tế cho thấy, FTA giữa Việt Nam và EU sẽ giúp xuất khẩu của Việt Nam tăng thêm bình quân từ 4% đến 6%/năm trong vòng 10 năm kể từ khi hiệp định có hiệu lực.

Giả sử FTA với EU có hiệu lực vào năm 2019 thì xuất khẩu vào EU sẽ tăng thêm được 16 tỉ đô la Mỹ ngay trong 1-2 năm đầu tiên so với trường hợp không có FTA.

Tới 2028, sẽ tăng thêm tới 75-76 tỉ đô la so với trường hợp không có FTA. Riêng với dệt may, EVFTA có thể giúp xuất khẩu tăng thêm được 1,54 tỉ đô la vào năm 2023 và 5,82 tỉ đô la vào năm 2028.

Đây là những con số rất có ý nghĩa bởi theo tính toán chung, cứ 1 tỉ đô la xuất khẩu hàng dệt may sẽ tạo ra được khoảng 250.000 việc làm trực tiếp. Ngược lại, đối với EU thì lợi ích thu được cũng rất rõ ràng, nghiên cứu của EU đã chỉ ra Hiệp định EVFTA sẽ làm tăng thu nhập quốc dân của EU trong dài hạn, với mức tăng có thể lên tới 29,5 tỉ euro.

Sau khi hiệp định được ký kết, môi trường đầu tư – kinh doanh của Việt Nam sẽ được cải thiện theo hướng cởi mở, thông thoáng hơn; hệ thống pháp luật, chính sách ổn định và minh bạch hơn, đầu tư từ EU được dự đoán sẽ tăng trưởng hơn nữa.

Nhìn chung, các nhà đầu tư châu Âu có ưu thế về công nghệ. Hiện nay, đầu tư từ EU đã góp phần tích cực trong việc tạo ra một số ngành nghề mới và sản phẩm mới có hàm lượng công nghệ cao tại Việt Nam. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư EU cũng sẽ có xu hướng đầu tư vào các ngành dịch vụ như bưu chính viễn thông, tài chính, văn phòng cho thuê, bán lẻ.
Với quy mô và tiềm năng của EU, Việt Nam có cơ hội trở thành địa bàn thu hút mạnh đầu tư của EU và là điểm trung chuyển, kết nối các hoạt động thương mại – đầu tư của EU tại khu vực ASEAN. Tác động này sẽ được cộng hưởng mạnh mẽ khi Cộng đồng kinh tế ASEAN được thực hiện cũng như với việc ta đã ký kết và sẽ thực hiện các hiệp định FTA quan trọng như FTA với Liên minh Kinh tế Á-Âu, với Hàn Quốc, hay Hiệp định CPTPP mới ký kết.

Những thuận lợi mang tính bổ trợ này cũng đồng thời tạo ra những áp lực về cạnh tranh khiến chúng ta phải có những bước đi dài hơn, tính toán kỹ hơn để thu hút đầu tư và phát triển bền vững trong xu thế hòa nhập rất rộng. Nhất là trong điều kiện bảo hộ mậu dịch diễn ra ngày một phức tạp hơn trên bình diện toàn cầu.

Xin cám ơn bộ trưởng!

IPA là hiệp định mà nội dung chủ yếu liên quan đến bảo hộ cho quyền tài sản của nhà đầu tư khi đầu tư vào Việt Nam hay các quốc gia tham gia EVFTA. Với các FTA khác thì quyền bảo hộ của nhà đầu tư cũng được thực hiện nhưng do các quốc gia trong FTA thực thi chung. Nay, sau phán quyết của Tòa án Công lý châu Âu với trường hợp của Singapore, từng quốc gia phải ký riêng IPA với EU để đảm bảo quyền tài sản trong các hoạt động đầu tư như quyền chống bị đối xử bất bình đẳng về chính sách, quyền chống thu hồi tài sản đầu tư bất hợp lý…

Nếu gặp phải các vấn đề này, nhà đầu tư có thể kiện Chính phủ các quốc gia đầu tư . Các quốc gia trong EU và các quốc gia ký FTA với EU đều phải thành lập một bộ phận xét xử độc lập (như mô hình trọng tài kinh tế và tòa án) gồm một số thành viên để chuyên xét xử các vụ việc khiếu kiện theo IPA. Kinh phí để duy trì bộ phận này do thành viên của các quốc gia trong FTA đóng góp.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới