Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Xuất khẩu Việt Nam thiếu trụ đỡ vững chắc

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Xuất khẩu Việt Nam thiếu trụ đỡ vững chắc

Minh Tâm

Xuất khẩu Việt Nam thiếu trụ đỡ vững chắc
Ông Phạm Minh Đức, chuyên viên kinh tế cao cấp của văn phòng WB Việt Nam trình bày tham luận. Ảnh: Minh Tâm

(TBKTSG Online) – Tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam trong nhiều năm qua đạt mức bình quân 18%/năm. Tuy nhiên, những trụ cột của nó, gồm cơ sở hạ tầng, thủ tục pháp lý và tổ chức chuỗi cung ứng của Việt Nam hiện còn nhiều bất cập.

>>> Hội nghị thượng đỉnh chuỗi cung ứng

Đây là nhận định của Ngân hàng Thế giới (WB) qua báo cáo mới công bố mang tên: “Tạo thuận lợi thương mại, tạo giá trị, và năng lực cạnh tranh: Gợi ý chính sách cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam” vừa được ông Phạm Minh Đức, chuyên viên kinh tế cấp cao của văn phòng WB Việt Nam đưa ra tham luận tại hội nghị  về chuỗi cung ứng năm 2013 tổ chức hôm 2-10 tại TPHCM.

Trao đổi riêng với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online bên lề hội nghị, ông Đức chia sẻ, có rất nhiều điểm yếu của từng trụ cột được báo cáo ghi nhận.

Chẳng hạn, về hạ tầng cơ sở, quan sát của báo cáo cho thấy Việt Nam có quá nhiều chiến lược về hạ tầng cơ sở nhưng không có chiến lược nào được liên hệ với mục tiêu nâng cao tính cạnh tranh quốc gia. Đó là chưa kể đến việc hạ tầng cơ sở trong các tài liệu được hiểu là hạ tầng của ba loại, gồm giao thông, năng lượng và thủy lợi. “Gộp vào như vậy cũng là một cách nhưng hạn chế là không thể hiểu rõ mục tiêu cuối cùng của việc tạo ra chiến lược cơ sở hạ tầng là gắn với cái gì”, ông nói.

Trong khi đó, hệ thống hành lang giao thông chưa được phát triển theo cách thức nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, xuất khẩu với nhiều bất cập, không chỉ đường xá, cầu cống, bến cảnh… mà còn dịch vụ hậu cần, kho bãi, hệ thống vận chuyển… Tất cả đều đang thiếu và yếu.

Ông Đức đặt câu hỏi: "Việt Nam trong thời chiến tranh rất thành công vì có được hệ thống vận tải, hậu cần được tổ chức tốt dù sơ khai nhưng tại sao thời bình có tất cả các điều kiện thì lại không làm được?"

Bên cạnh đó, theo ông Đức, không thể không nhắc đến những điểm yếu trong công tác đầu tư hạ tầng cơ sở.

Báo cáo của WB ghi nhận, tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam những năm qua rất nhanh, đạt mức 18%/năm. Tăng trưởng của khối lượng hàng hóa vận chuyển cũng đạt mức bình quân 12%/năm trong 15 năm qua. Vậy nhưng, đầu tư vào cơ sở hạ tầng lại bằng 0 và dựa chủ yếu vào nguồn ngân sách nhà nước trong khi khoản này không đủ và không hiệu quả dẫn đến không bền vững.

Đầu tư không hiệu quả thể hiện ở việc các quyết định đầu tư không gắn với mục tiêu nâng cao tính cạnh tranh quốc gia mà dựa vào nhu cầu của các địa phương và nhóm lợi ích. “Mà nhu cầu của địa phương thì không bao giờ thống nhất với lợi ích quốc gia”, ông Đức nói.

Theo ông Đức, đây là lúc cần nguồn bổ sung nguồn đầu tư từ tư nhân. Tuy nhiên, đến thời điểm này Việt Nam lại đang thiếu cơ chế, khuôn khổ pháp lý cho các hình thức đầu tư công tư như vậy.

Một yếu kém khác cũng được ông Đức nhắc tới chính là cơ sở hạ tầng phần mềm, chính là các thủ tục pháp lý cho xuất nhập khẩu.

Nói về lĩnh vực hải quan, ông Đức cho rằng, các quy định quản lý của hải quan và các cơ quan quản lý biên giới khác hiện nay chồng chéo và quá nhiều.

Trong khi đó, vấn đề áp dụng công nghệ thông tin lại còn nhiều bất cập. Hệ thống khai hải quan điện tử đang được vận hành lại chưa đạt đến trình độ của hải quan điện tử đúng nghĩa.

Ông Đức nói rằng, gọi đó là “khai điện tử thì đúng hơn” bởi việc tin học hóa quá trình nghiệp vụ mới dành cho khai hải quan, chưa bao gồm tất cả các khâu khác như xử lý tờ khai, thanh toán, kiểm toán…

Chính vì vậy, báo cáo của WB ghi nhận, thời gian xuất nhập khẩu bình quân của Việt Nam lên tới hơn 20 ngày, cao hơn rất nhiều nước trong khu vực như Singapore, Thái Lan… Không chỉ vậy, các cơ quan quản lý biên giới không thể phối hợp với nhau.

Ông Đức khuyến nghị, cần có một hệ thống công nghệ thông tin áp dụng cho một quy trình hoàn toàn mới, đơn giản hóa và phù hợp với thông lệ quốc tế chứ không phải là tự động hóa trên một quy trình rắm rối.

Bên cạnh đó, áp dụng hệ thống công nghệ thông tin để quy trình nhanh chóng, chính xác và các quyết định được ban hành nhất quán, khách quan, tránh giao dịch trực tiếp giữa người thực hiện dịch vụ và cung cấp dịch vụ để không tạo cơ hội cho tham nhũng, nhũng nhiễu.

Vào cuối tuần này, văn phòng WB tại Việt Nam sẽ tổ chức buổi công bố báo cáo kể trên tại TPHCM. Trước đó, một chương trình tương tự đã được thực hiện tại Hà Nội.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới